08/05/2025 23:05
80 năm sau Thế chiến II: Liệu Mỹ có quay lưng lại với châu Âu?
80 năm sau khi Thế chiến II kết thúc và Mỹ trở thành trụ cột an ninh châu Âu, thế giới đang chứng kiến một sự đảo chiều: Washington có thể đang quay lưng với NATO. Liệu châu Âu có sẵn sàng bảo vệ mình trong một trật tự toàn cầu đang thay đổi chóng mặt?
Theo Đài phát thanh Quốc tế Deutsche Welle (Đức), 80 năm đã trôi qua kể từ ngày 8/5/1945, khi Đức Quốc xã chính thức đầu hàng, khép lại chương đen tối nhất trong lịch sử châu Âu. Kể từ đó, dưới "chiếc ô an ninh" mà Mỹ giương cao, lục địa già đã trải qua những thập kỷ hòa bình và thịnh vượng chưa từng có.
Tuy nhiên, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Donald Trump, đang làm dấy lên những hoài nghi sâu sắc về tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có đang dần quay lưng lại với châu Âu?
Chiến tranh thế giới thứ hai, bắt đầu từ cuộc xâm lược Ba Lan của phát xít Đức vào ngày 1/9/1939, đã gây ra những tổn thất nhân mạng và vật chất khủng khiếp. Khoảng 60 triệu người trên toàn thế giới đã thiệt mạng, sáu triệu người Do Thái trở thành nạn nhân của Holocaust, và phần lớn châu Âu chìm trong đổ nát.
Sự sụp đổ của chế độ Hitler không chỉ chấm dứt chiến tranh mà còn mở ra một trật tự thế giới lưỡng cực mới, với sự đối đầu gay gắt giữa tư bản phương Tây, dẫn đầu bởi Mỹ, và khối xã hội chủ nghĩa do Liên Xô chi phối.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Davos, Thuỵ Sĩ, ngày 21/1/2020. Ảnh: AP/TTXVN
Năm 1947, Học thuyết Truman ra đời, đánh dấu mục tiêu của Mỹ nhằm kiềm chế Liên Xô, chia cắt châu Âu thành hai nửa Đông - Tây. Nước Đức, nằm ở trung tâm của sự chia cắt này, trở thành tiền tuyến của Chiến tranh Lạnh.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dưới sự lãnh đạo của Mỹ và Khối Hiệp ước Warsaw do Liên Xô đứng đầu đã tạo ra một thế cân bằng răn đe hạt nhân, ngăn chặn một cuộc chiến tranh thế giới mới, dù thế giới đã nhiều lần đứng trên bờ vực thẳm.
Sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989 và sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991, nhiều người đã kỳ vọng vào một tương lai "hòa bình và dân chủ" cho toàn bộ châu Âu, bao gồm cả Nga. Các quốc gia từng thuộc Liên Xô lần lượt gia nhập NATO, củng cố thêm sức mạnh của liên minh quân sự này.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 đã phá tan những ảo tưởng về một trật tự châu Âu hòa bình và ổn định. Nguyên tắc "bất khả xâm phạm của biên giới quốc gia" bị phá vỡ, đẩy châu lục vào một giai đoạn biến động mới.
Trong bối cảnh đó, những phát ngôn của Tổng thống Trump về vai trò của Mỹ trong NATO đã gây ra không ít lo ngại ở phương Tây. "Nếu họ (các nước NATO khác) không trả tiền, tôi sẽ không bảo vệ họ", ông Trump tuyên bố vào tháng 3 vừa qua, một lần nữa đặt dấu hỏi về cam kết an ninh mà Mỹ đã duy trì suốt 8 thập kỷ qua.
Nhà sử học Norbert Frei từ Đại học Jena (Đức) nhận định: "Chúng ta đang ở giữa một cuộc đảo lộn lịch sử, tương đương với những bước ngoặt chính trị lớn trong thế kỷ 20, đặc biệt là những bước ngoặt năm 1945 và 1989/91. Trật tự xuyên Đại Tây Dương được thiết lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ yếu là do Mỹ, mà Đức được hưởng lợi rất nhiều... đang tan rã ngay trước mắt chúng ta".
Đồng quan điểm, nhà sử học Manfred Görtemaker từ Potsdam cho rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đã cho thấy "châu Âu đã bỏ bê việc tự vệ của chính mình khi trông cậy vào Mỹ".
Dù Tổng thống Mỹ Barack Obama trước đây cũng đã kêu gọi châu Âu tăng cường chi tiêu quốc phòng, ông Trump đã đi xa hơn khi đặt ra nghi vấn về sự tồn tại của liên minh NATO và thậm chí có những động thái được cho là "ủng hộ Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine".
Trong bối cảnh này, một số chính trị gia Đức, như Thủ tướng mới Friedrich Merz, đã lên tiếng kêu gọi châu Âu phát triển một chính sách an ninh độc lập với Mỹ. Tuy nhiên, học giả Görtemaker cảnh báo rằng "độc lập khỏi Mỹ là một ảo tưởng hoàn toàn", bởi lẽ Mỹ vẫn là lực lượng chủ chốt trong việc đảm bảo răn đe hạt nhân. Ông cho rằng "điều hợp lý nhất là quay lại hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ và châu Âu dựa trên thực tế chính trị mới".
Như vậy, câu hỏi đặt ra là, 80 năm sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc, liệu một châu Âu mạnh mẽ hơn có thể thay thế vai trò của một nước Mỹ mà nhiều người cho là đang trở nên kém tin cậy hơn?
Hay một liên minh mới, dựa trên những điều kiện và lợi ích thay đổi, sẽ được hình thành? Đây là bài toán hóc búa mà Chính phủ Đức và các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ phải giải quyết trong bối cảnh thế giới đang có những biến động sâu sắc.
Dù trong hoàn cảnh nào, tương lai của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, nền tảng của an ninh châu Âu trong suốt 8 thập kỷ qua, đang đứng trước những thử thách chưa từng có.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement