22/04/2025 20:32
Marlin: 'Sát thủ' không người lái mới của Nga
Marlin là phương tiện không người lái mặt nước (USV) cảm tử của Nga, có khả năng đánh chặn và tấn công USV đối phương với chi phí thấp. Thiết kế nhỏ gọn, dễ triển khai hàng loạt khiến nó trở thành mối đe dọa mới trên mặt trận hải quân hiện đại.
Trong bối cảnh chiến tranh hải quân hiện đại ngày càng chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hệ thống không người lái, Nga đã có một bước đi chiến lược nhằm đối phó với các mối đe dọa hàng hải mới nổi bằng việc giới thiệu một phương tiện không người lái mặt nước (USV) hạng nhẹ mang tên Marlin.
Theo trang tin quốc phòng Armyrecognition.com (Bỉ), Marlin được thiết kế như một USV cảm tử nhỏ gọn, có khả năng nhắm mục tiêu hiệu quả vào các USV, tàu đổ bộ và thủy lôi của đối phương.
Sự ra đời của phương tiện cải tiến này không chỉ phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của các nền tảng không người lái trong tác chiến hải quân mà còn cho thấy động thái chiến lược của Nga trong việc thích ứng với những thách thức hàng hải đang gia tăng nhanh chóng.
USV Marlin có hai phiên bản riêng biệt, được tối ưu hóa cho các môi trường hoạt động khác nhau. Phiên bản hoạt động trên sông được trang bị lượng thuốc nổ 1,5 kg, trong khi phiên bản trên biển mang lượng nổ lớn hơn, lên tới 2 kg thuốc nổ.

Nga và Ukraina đang sử dụng USV trong cuộc xung đột hiện tại. Hình trên là USV Margura V5 của Ukraina. Ảnh: Bộ Chuyển đổi Kỹ Thuật số Ukraina (Ministry of Digital Transformation of Ukraina/AP)
Điểm đáng chú ý là kích thước nhỏ gọn của Marlin cho phép triển khai đồng thời nhiều đơn vị trên một tàu chiến, mang lại sự linh hoạt đáng kể trong các hoạt động và mở ra khả năng tấn công hàng loạt hoặc chiến thuật bầy đàn nhằm vào các tàu và cơ sở của đối phương.
Với chi phí sản xuất thấp hơn so với các loại vũ khí hoặc nền tảng đắt tiền khác, Marlin mang đến một giải pháp thiết thực và hiệu quả để vô hiệu hóa các mối đe dọa trên biển.
Cơ chế điều khiển của Marlin tương tự như cách vận hành các thiết bị bay không người lái (UAV) FPV (góc nhìn thứ nhất). Người điều khiển sẽ điều khiển USV từ xa thông qua chế độ video thời gian thực, dẫn đường chính xác cho phương tiện tiếp cận mục tiêu đã được chỉ định.
Phương pháp điều khiển này giúp nâng cao đáng kể độ chính xác trong các hoạt động, khiến Marlin trở nên phù hợp với các nhiệm vụ phức tạp như rà phá các bãi ngư lôi nguy hiểm hoặc chủ động tấn công các USV của đối phương trước khi chúng tiếp cận các tài sản hải quân quan trọng.
Các nhà phân tích quân sự tại Nga đã nhấn mạnh giá trị chiến thuật to lớn của Marlin, đặc biệt trong vai trò là một biện pháp phòng thủ hiệu quả chống lại các UAV, USV cảm tử của đối phương.
Đại úy quân đội Nga Vasily Dandykin giải thích rằng, ngay cả một lượng thuốc nổ tương đối nhỏ trên Marlin cũng có khả năng vô hiệu hóa hiệu quả một UAV, USV lớn hơn của đối phương mang theo hàng trăm kg thuốc nổ.
Điều này mang lại một giải pháp thay thế an toàn và đáng tin cậy hơn so với việc mạo hiểm sử dụng các phi vụ trực thăng hoặc các loại vũ khí gắn trên tàu để đánh chặn các mối đe dọa như vậy.
Sự xuất hiện của Marlin diễn ra trong bối cảnh việc sử dụng ngày càng phổ biến các nền tảng không người lái trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraina. Cả lực lượng Nga và Ukraina đều đã triển khai USV vào các hoạt động của mình.
Ukraina đã sử dụng các phương tiện này để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu hải quân của Nga, đẩy nhanh sự chuyển dịch trong chiến tranh hải quân sang các giải pháp điều khiển từ xa và tự động.
Để thích ứng với những điều kiện chiến trường đang thay đổi đó, hải quân Nga đã tích hợp các giải pháp về tác chiến chống UAV, USV vào các chương trình huấn luyện của mình. Một sáng kiến mới, gọi là chương trình Bảo vệ chống robot (PRZ), được thiết kế để đào tạo các thủy thủ cách ứng phó hiệu quả với cả mối đe dọa từ các thiết bị không người lái cả trên không và trên biển.
Chương trình này bao gồm việc sử dụng các loại vũ khí được nâng cấp trên tàu, bao gồm súng máy cỡ lớn, súng ngắn chống UAV, hệ thống nhìn đêm và các thiết bị chuyên dụng khác.
Việc ra mắt Marlin là một phần trong những nỗ lực rộng lớn hơn của Nga nhằm hiện đại hóa lực lượng không người lái của mình. Song song với Marlin, Nga đã bắt đầu sản xuất hàng loạt các phương tiện không người lái đa năng, hạng nặng hơn như Vizir, được trang bị hệ thống dẫn đường tự động hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo và khả năng mang theo thiết bị trinh sát, hàng hóa hoặc vũ khí dẫn đường.
Các USV bổ sung khác cũng đã được giới thiệu với khả năng tải trọng lên tới 20 kg và có thể được cấu hình cho các nhiệm vụ cảm tử hoặc làm bệ phóng cho các UAV, USV nhỏ hơn.
Mặc dù các số liệu hiệu suất cụ thể của Marlin vẫn được giữ kín, nhưng sự phát triển của USV này cho thấy một động thái rõ ràng của Nga hướng tới việc tận dụng các hệ thống không người lái có hiệu quả về chi phí và khả năng triển khai nhanh chóng để giải quyết các mối đe dọa mới nổi trên biển.
Khi lĩnh vực hàng hải ngày càng bị chi phối bởi các công nghệ chiến tranh không người lái, các phương tiện như Marlin đang sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc giao tranh hải quân trong tương lai.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement