16/01/2019 15:37
6 kịch bản sẽ xảy ra sau khi Quốc hội Anh bác bỏ Brexit
Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May đã chứng kiến thỏa thuận Brexit của bà với châu Âu bị Quốc hội Anh bác bỏ.
Thoả thuận Brexit bị Quốc hội Anh bác bỏ đã khiến đất nước này rơi vào tình trạng bất ổn định chính trị hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May đã đưa ra một động thái trước các nhà lập pháp ở Hạ viện, yêu cầu họ chấp nhận thỏa thuận của bà với Liên minh châu Âu.
Với 432 phiếu chống và 202 phiếu thuận dành cho kế hoạch Brexit (Anh rút khỏi Liên minh Châu Âu - EU) của bà May, đây là thất bại nặng nề nhất của chính phủ Anh tại quốc hội trong lịch sử chính trị hiện đại nước này.
Bây giờ chuyện gì sẽ xảy ra?
Sau một sửa đổi gây tranh cãi, chính phủ Anh hiện chỉ có ba ngày làm việc để vạch ra một kế hoạch hành động mới. Kế hoạch này phải được thoả thuận với châu Âu và trình bày trước các nhà lập pháp Anh vào thứ Hai 21/1. Trong bối cảnh này sẽ có 6 trường hợp, và 1 trong số đó có thể là kết quả tiếp theo của cuộc Brexit này.
Những người biểu tình phía ngoài Quốc hội vào lúc đang diễn ra cuộc bỏ phiếu. Ảnh CNBC. |
1. Tái đàm phán
Chênh lệch trong phiếu bầu khiến người ta đặt câu hỏi liệu Thủ tướng có thể đàm phán để thay đổi suy nghĩ của các nhà lập pháp hay không. Nhưng bà May và nhóm của bà có thể tin rằng có một số lượng đáng kể nghị sĩ (thành viên Nghị viện) sẽ đồng ý cho bà, vì vậy hãy theo dõi xem liệu bà có đến Brussels để cố gắng giành lấy những nhượng bộ tiếp theo từ châu Âu hay không.
Các thành viên của đảng Bảo thủ nói thỏa thuận giữ Anh ở lại quá gần EU trong khi các đảng đối lập nói thỏa thuận không bảo vệ được quan hệ kinh tế giữa Anh với liên minh. Cả hai bên đều không muốn duy trì biên giới mở với Cộng hòa Ireland, một nội dung trong thỏa thuận.
Bà May cảnh báo EU không đề xuất bất kỳ "thỏa thuận thay thế" nào, nhưng bà cũng nói bà sẵn sàng thảo luận với các nghị sĩ "có thể đàm phán một cách chân thành" và có thể thương lượng lại với EU.
Bà May và các nhà lãnh đạo EU trong cuộc họp đặc biệt tại Brussels, Bỉ, hôm 25/1 để thống nhất thỏa thuận Brexit. Ảnh: Reuters. |
2. Tổng tuyển cử
Lãnh đạo Công đảng đối lập, Jeremy Corbyn, cho biết ông sẽ đưa ra một động thái phản đối vào chính phủ của Theresa May vào thứ Tư. Dự kiến rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu đó sẽ được biết đến vào lúc 7 giờ tối (giờ London vào thứ Tư).
Nếu đa số các nhà lập pháp từ khắp các đảng chính trị của Anh bày tỏ không tin tưởng vào chính phủ của bà May, thì Quốc hội hiện tại sẽ có 14 ngày để đồng ý một thoả thuận mới về nhà lãnh đạo đất nước.
Nếu điều đó là không thể, thì cuộc Tổng tuyển cử có khả năng sẽ diễn ra. EU đã nói rằng cho dù lãnh đạo của Vương quốc Anh có thay đổi thì họ vẫn sẽ không thay đổi lập trường về việc Brexit.
3. Trưng cầu dân ý lần thứ hai
Một khả năng khác là Anh sẽ tổ chức tái trưng cầu dân ý về Brexit. Những người ủng hộ EU đã kêu gọi một cuộc bỏ phiếu khác sau cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến kết quả chấn động năm 2016 với 52% cử tri muốn Anh rời EU.
Không có quy định nào buộc Anh không được tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai, nhưng nhiều câu hỏi đã được đặt ra về việc liệu điều này có dân chủ hay không. Cuộc bỏ phiếu Brexit mới cũng có thể tiếp tục chứng kiến sự chia rẽ trong công chúng Anh tương tự lần trước.
Bà May đã cảnh báo việc tái trưng cầu dân ý "sẽ gây ra những tổn hại không thể bù đắp đối với sự liêm chính của nền chính trị chúng ta".
Lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của bà May. Ảnh: Reuters. |
4. Kéo dài thời gian điều 50 Hiệp ước Lisbon
Điều 50 Hiệp ước Lisbon quy định kể từ thời điểm kích hoạt tháng 3/2017 sẽ bắt đầu đếm ngược 2 năm để Brexit đạt được kết quả cuối cùng, và hạn chót là ngày 29/3/2019.
Như vậy nếu chính phủ Anh không có sự đồng nhất trong việc Brexit thì có thể nước Anh sẽ rời EU mà không có bất kỳ thoả thuận nào. Có một số người từ các đảng đối lập tin rằng một cuộc đàm phán mới giữa EU và Anh vẫn có thể xảy ra.
Anh và Bắc Ireland chuẩn bị rời Liên minh châu Âu trong vòng chưa đầy 3 tháng tới, bất kỳ nỗ lực nào trong cuộc chia rẽ này có thể sẽ khiến mất nhiều thời gian hơn. Nhiều nhà đầu tư đang mong chờ điều 50 hiệp ước Lisbon sẽ gia hạn thêm thời gian cho Anh, như vậy kinh tế Anh và châu Âu sẽ không phải lo lắng về một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Để được thông qua việc gia hạn thì phải cần 27 thành viên của EU chấp thuận. Không rõ họ sẽ đồng ý chấp thuận vào hoàn cảnh nào và sẽ gia hạn trong bao lâu, nhưng vẫn là một hi vọng đối với Anh.
5. Không có Brexit
Bất kỳ động thái nào đối với cuộc trưng cầu dân ý thứ hai hoặc gia hạn Điều 50 sẽ làm tăng suy đoán rằng Anh sẽ không thực sự rời khỏi EU. Vào thứ Hai, bà May đã có một bài phát biểu tuyên bố một kết quả như vậy sẽ dẫn đến "tác hại thảm khốc" đối với niềm tin của mọi người vào hệ thống chính trị Anh.
Downing Street đã tuyên bố rằng các nhà lập pháp có thể đang tìm cách tạm dừng Brexit có nhiều khả năng hơn so với Anh rời khỏi EU mà không có bất kỳ thỏa thuận nào.
6. Brexit không có thỏa thuận
Trong trường hợp không có thỏa thuận nào được thông qua trước ngày 29/3, nước Anh sẽ đối mặt với kịch bản tồi tệ nhất về Brexit, việc có thể dẫn đến suy thoái kinh tế ở Anh cũng như tại châu Âu.
Kế hoạch của bà May vốn nhằm giúp giữ nguyên các quy định về thương mại giữa nền kinh tế lớn thứ năm thế giới và thị trường xuất khẩu lớn nhất của nó, trong giai đoạn chuyển đổi kéo dài đến hết năm 2020.
Việc chuyển đổi đột ngột sang các tiêu chuẩn khác sẽ tác động đến hầu như mọi lĩnh vực kinh tế và có thể khiến giá cả các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày tại Anh tăng lên cũng như gây ra sự gián đoạn tại các trung tâm hậu cần như cảng biển.
Một số phân tích đã cảnh báo về thiệt hại kinh tế cực đoan từ việc Anh rời khỏi châu Âu mà không có bất kỳ thỏa thuận nào. Một báo cáo của Ngân hàng Anh vào cuối năm 2018 cho biết nếu một kịch bản như vậy xảy ra, thì thất nghiệp có thể tăng lên 7,5%, giá nhà có thể giảm 30%, đồng bảng Anh có thể sụp đổ và nền kinh tế có thể giảm khoảng 8% trong suốt một năm .
Advertisement
Advertisement