23/05/2018 07:38
4 nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL
SK, Idemitsu, HD Bank, Sovico muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL, với tổng số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,86 lần số lượng chào bán.
Tổng công ty Dầu Việt Nam-PVOIL (OIL) vừa phát đi thông tin, hiện tại có 4 nhà đầu tư là SK, Idemitsu, HD Bank, Sovico muốn trở thành cổ đông chiến lược của PVOIL, với tổng số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,86 lần số lượng chào bán.
Trước đó, vào ngày 25/1, PVOIL đã chào bán thành công gần 20% cổ phần thông qua đấu giá ra công chúng. PVOIL đang xúc tiến việc chào bán 44,72% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án được phê duyệt.
Hồi đầu năm, PVOIL đã nhận được 8 hồ sơ đăng ký muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược, trong đó có 6 nhà đầu tư nước ngoài với một số tên tuổi đáng chú ý như Shell, SK, Idemitsu, Puma... và 2 nhà đầu tư trong nước là Quỹ đầu tư Sacom và Sovico Holdings. Tất cả các nhà đầu tư ngoại đều muốn mua tối đa số cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược, còn 2 nhà đầu tư trong nước muốn sở hữu khoảng 35% cổ phần của PVOIL.
Cổ phiếu của PVOIL đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm. |
Trải qua các bước sàng lọc, đến nay, còn 4 nhà đầu tư chiến lược gửi thư xác nhận đăng ký tham gia đấu giá sau khi hoàn thành bước thẩm định đầu tư với số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 2,86 lần số lượng chào bán.
Theo lãnh đạo của PVOIL, doanh nghiệp này sẽ tổ chức đấu giá công khai để đảm bảo Nhà nước thu được giá tốt nhất. Với thương vụ đấu giá này, Nhà nước có thể thu về khoảng 9.000 tỷ đồng, nếu chỉ tính giá khởi điểm bán cho nhà đầu tư chiến lược bằng giá IPO trước đó.
Tuy nhiên, với các điều kiện ràng buộc cổ đông chiến lược rất khắt khe như không được chuyển nhượng cổ phiếu trong vòng 10 năm để tăng sự gắn kết, phải đồng ý cho PVOIL ưu tiên mua sản phẩm của Lọc dầu Nghi Sơn, Dung Quất trong 10 năm nhưng không có nghĩa vụ phải bao tiêu thì các cổ đông chiến lược cần phải có thời gian cần thiết để đàm phán thương thảo thay vì chỉ 3 tháng như quy định.
Vì vậy, PVOIL đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) gia hạn cho PVOIL thời gian hoàn thành bán cho cổ đông chiến lược. Theo đó, trong tháng 7 tới PVOIL sẽ cố gắng hoàn thành việc chào bán cổ đông chiến lược và tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất ngay trong tháng 8/2018 để bảo đảm quyền lợi cho các cổ đông khác.
Nếu được chấp thuận, đầu tháng 7 tới PVOIL sẽ tiến hành đấu giá cổ phiếu bán cho cổ đông chiến lược tại HOSE để đảm bảo tính công khai và minh bạch. Ngay sau đó, PVOIL sẽ trình kết quả lên Bộ Công Thương, PVN để phê duyệt kết quả đấu giá và công bố rộng rãi thông tin
Trong phương án cổ phần hóa được Chính phủ phê duyệt, PVOIL sẽ bán ra 44,75% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Nếu bán thành công số cổ phần này cộng với 20% đã IPO trước đó, Nhà nước sẽ không còn nắm tỷ lệ chi phối do chỉ còn nắm giữ 35% vốn.
Kết quả sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm 2018 của PVOIL rất khả quan. Theo đó sản lượng kinh doanh xăng dầu đạt 1.060.000 m3 xăng dầu các loại, hoàn thành 34% kế hoạch năm và bằng 98% so với thực hiện cùng kỳ năm 2017.
Doanh thu hợp nhất ước đạt 16.5000 tỷ đồng, đạt 40% kế hoạch năm và bằng với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 238 tỷ đồng, hoàn thành vượt mức kế hoạch 4 tháng đầu năm 2018. Nộp ngân sách Nhà nước hợp nhất ước đạt 2.960 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm 2018 à bằng 101% cùng kỳ.
PVOIL cũng đã thoái vốn tại 3 công ty kém hiệu quả gồm PVOIL Quảng Ninh, PVOIL Thái Nguyên và PVOIL Kiên Giang.
PVOIL đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu bán hàng sang các kênh phân phối trực tiếp thông qua nỗ lực phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu bằng nhiều hình thức như nâng cao chất lượng dịch vụ tại cửa hàng xăng dầu cùng nhiều chương trình khuyến mãi, mở rộng các kho xăng dầu…
Advertisement
Advertisement