23/02/2019 08:20
3 phương án chia tài sản của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên sau ly hôn
Khối tài sản gần chục ngàn tỷ không hẳn là mối bận tâm của “vua” cà phê Trung Nguyên, quan trọng hơn ai sẽ nắm quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.
Khối tài sản 8.400 tỷ đồng
Phiên Toà giải quyết vụ án ly hôn của vợ chồng ông chủ Công ty Cà phê Trung Nguyên dự kiến sẽ được tuyên án vào chiều ngày 25/2. Tài sản tranh chấp giữa vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên là 26 bất động sản nhưng cả hai thống nhất tranh chấp 13 trong số đó, vì những tài sản này đủ điều kiện pháp lý để tòa xử.
Sau 20 năm chung sống, vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên quyết định ly hôn. |
Hiện tại, ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng. Bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng. Về tiền mặt, ngoại tệ, vàng trong các ngân hàng tương đương hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, tài sản còn có cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng trong 7 công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên-Trung Nguyên Group, gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment), Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Hòa tan Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchise, Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê, Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắk Nông.
Tập đoàn Trung Nguyên hoạt động trên nhiều lĩnh vực như kinh doanh cà phê, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu, du lịch và bất động sản. Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng, chi phối hầu hết doanh nghiệp còn lại.
Cụ thể, các công ty chính trong hệ thống cà phê bao gồm Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên Đắk Lắk do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện pháp luật, cơ cấu cổ đông gồm Trung Nguyên Group 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%.
Công ty Cổ phần Hòa tan Trung Nguyên cũng do ông Đặng Lê Nguyên Vũ làm đại diện pháp luật, cơ cấu cổ đông gồm Trung Nguyên Group chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30% và 2 cổ đông khác 10%.
Hệ thống doanh nghiệp ngoài cà phê bao gồm Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchise với cổ đông là ông Vũ 15% cổ phần, Trung Nguyên Group 85%. Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê với cổ đông Trung Nguyên Group chiếm 70%, ông Vũ 15%, bà Diệp Thảo 15%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên có cổ đông là ông Vũ chiếm 60%, bà Diệp Thảo 30%, 2 cổ đông khác 10%, Công ty Thương mại và Dịch vụ G7 Toàn cầu.
Tất cả cổ phần, dự án bất động sản, nhà máy của doanh nghiệp dựa trên kết quả thẩm định của công ty thẩm định tài sản do Tòa án trưng cầu, có trị giá 5.654 tỷ đồng. Như vậy theo số liệu thẩm định thì tài sản tranh chấp của 2 vợ chồng lãnh đạo Trung Nguyên có tổng trị giá gần 8.400 tỷ đồng.
Bất động sản ngàn tỷ
Điểm đáng chú ý là Trung Nguyên Group còn có hệ thống nhà máy và dự án bất động sản, được cho là có giá trị đầu tư khoảng 2.800 tỷ đồng. Cụ thể là 4 nhà máy tại TP.HCM, Bình Dương, Buôn Ma Thuột và Bắc Giang và hàng loạt dự án, nhà đất khác.
Khu du lịch sinh thái M’Drăk rộng 595ha là một trong hàng loạt bất động sản của Trung Nguyên. |
Dự án thứ nhất là Khu du lịch sinh thái núi M’Drăk có quy mô 595ha, vốn đầu tư đăng ký khoảng 68 tỷ đồng. Dự án này được cấp phép theo hình thức đầu tư trang trại và phát triển chăn nuôi gia súc, kết hợp du lịch sinh thái tại huyện M’Đrắk được tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương vào năm 2004.
Dự án thứ hai là Khu đô thị sinh thái văn hóa cà phê Suối Xanh với tên thương mại là Thành phố cà phê-The coffee city do Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 2.800 tỷ đồng.
Dự án được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư từ năm 2016, địa điểm xây dựng tại các phường Tân Lợi, Thành Công, Thắng Lợi và xã Cư Êbur của TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tổng diện tích dự án là 45,45ha. Thời gian và tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ quý IV năm 2016 đến quý IV năm 2020.
Dự án này được chia thành hai giai đoạn triển khai. Giai đoạn 1 từ 2017-2019, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật quy mô 19,4ha, xây dựng 250 căn nhà ở liền kề, xây bảo tàng thế giới cà phê, trường mầm non và tiểu học. Giai đoạn 2 từ 2019-2020 hoàn thành khu làng Lắk, khu biệt thự, công viên sinh thái văn hóa cà phê…
Dự án thứ ba là dự án Khu danh lam thắng cảnh Đồi Cư H’Lâm ở huyện Cư M'gar được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư ngày 16/9/2014 với quy mô 62ha, vốn đầu tư hơn 82 tỷ đồng.
Dự án thứ tư là Điểm du lịch cụm thác Dray Nur và Dray Sáp Thượng thuộc địa bàn xã Dray Sáp, huyện Krông Ana được UBND tỉnh Đắk Lắk đồng ý chủ trương cho Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng từ năm 2010 với diện tích khoảng 111,88ha. Trong đó, Khu du lịch thác Dray Sáp Thượng rộng 103,32ha, điểm du lịch thác Dray Nur rộng 8,56ha với vốn đầu tư 50 tỷ đồng.
Một dự án khác của Trung Nguyên được UBND tỉnh Đắk Lắk chấp thuận đầu tư năm năm 2014 là Nhà khách Trung Nguyên ở phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột có quy mô gần 6ha, số vốn khoảng 130 tỷ đồng với các hạng mục nhà khách, hội trường, biệt thự…
3 kịch bản
Với khối tài sản gần 8.400 tỷ đồng của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên, cuộc chia ly sẽ gây nhiều tranh cãi. Theo đó, luật sư đại diện cho ông Vũ đề xuất phương án với bất động sản không có sự thay đổi về quản lý so với hiện tại là ông Vũ đang nắm giữ 6 bất động sản trị giá khoảng 350 tỷ đồng. Bà Thảo đang nắm giữ 7 bất động sản trị giá khoảng 375 tỷ đồng.
Với tiền mặt, vàng và ngoại tệ tại ngân hàng cũng như cổ phần tại các doanh nghiệp, ông Vũ muốn hưởng 70% và chia bà Thảo 30%. Tuy nhiên, bà Thảo phản đối tỷ lệ chia 7:3 và cho rằng việc phân chia tài sản hiện vật theo tỷ lệ này là không có căn cứ pháp luật.
Đại diện của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, 15% trong Tập đoàn Trung Nguyên và sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương, quận 3.
Ở đây cần phải hiểu, chỉ cần nắm Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên-Trung Nguyên Investment thì sẽ nắm được hệ sinh thái doanh nghiệp của vợ chồng “vua” cà phê Trung Nguyên. Lý do, Trung Nguyên Investment nắm 70% cổ phần Trung Nguyên Group và chi phối mọi hoạt động tại đây và các công ty con.
Cơ cấu cổ đông của Trung Nguyên Investment. Ai nắm được Trung Nguyên Investment sẽ có quyền chi phối cả hệ sinh thái doanh nghiệp của Trung Nguyên. |
Cơ cấu cổ đông hiện nay tại Trung Nguyên Investment gồm ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang nắm giữ 61,66%, bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm 30%, mẹ ông Vũ là bà Lê Thị Ước giữ 6,68% và một cá nhân bí ẩn khác nắm giữ 1,66%.
Trong 61,66% cổ phần mà ông Vũ đang nắm tại Trung Nguyên Investment, có 1,66% cổ phần là ông Vũ kế thừa từ cha. Như vậy, số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90%, gồm 60% của ông Vũ và 30% của bà Thảo. Số tài sản này sẽ được chia theo quyết định tại Tòa. Tỷ lệ sở hữu của mẹ ông Vũ là 6,68% và cổ đông bí ẩn 1,66% không bị ảnh hưởng bởi cuộc ly hôn.
Ở phương án thứ nhất theo như đề nghị của bà Thảo là 51% cổ phần trong Trung Nguyên Investment sẽ giúp bà Thảo nắm quyền chi phối quyết định các hoạt động của Trung Nguyên Investment. Từ đó chi phối cả Trung Nguyên Group và các công ty con khác. Còn ông Vũ chỉ còn nắm 40,66% cổ phần tại Trung Nguyên Investment.
Còn ở phương án thứ hai, nếu chọn theo cách của ông Vũ là 70:30, sau ly hôn ông Vũ sẽ có 64,66% Trung Nguyên Investment và bà Thảo chỉ còn 27%, thấp hơn tỷ lệ sở hữu hiện tại.
Theo các luật sư, tài sản hình thành trong hôn nhân thì chia đôi 50:50. Nếu như vậy, ông Vũ sẽ có 46,66% và bà Thảo nắm 45% cổ phần tại Trung Nguyên Investment.
Theo phương án này, bà Thảo cũng chỉ nắm tối đa 45% cổ phần tại Trung Nguyên Investment. Ông Vũ và người thân nắm tối thiểu 53,34% cổ phần. Như vậy, ông Vũ sẽ vẫn là người nắm quyền kiểm soát tại doanh nghiệp, quyết định vận mệnh của Trung Nguyên.
Tuy nhiên, chia đôi tài sản sau ly hôn giúp số cổ phần của bà Thảo vượt qua mốc quan trọng 36% ở Trung Nguyên Investment. Theo Luật Doanh nghiệp 2014, với việc sở hữu 36% cổ phần, bà Thảo có quyền phủ quyết những quyết định quan trọng của đại hội cổ đông Trung Nguyên Investment, nếu bà Thảo muốn.
Advertisement
Advertisement