03/01/2019 13:42
2019 - Năm nhiều thách thức đối với các nhà đầu tư và kinh tế toàn cầu
Để tăng cường lòng tin và đạt được những kết quả cùng có lợi trong một thế giới đang thay đổi, cộng đồng quốc tế được khuyến khích theo đuổi một nền kinh tế cởi mở, bao trùm và hợp tác, giữa bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang leo thang.
Viện nghiên cứu Conference Board có trụ sở tại New York (Mỹ) gần đây dự báo tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm từ 3,2% trong năm 2018 xuống 3,1% năm 2019. Do đó, các nhà kinh tế đều nhận định 2019 sẽ làm năm thách thức đối với các nhà đầu tư, lẫn các nhà hoạch định chính sách, THX đưa tin.
Về mặt kinh tế, trong báo cáo hồi tháng 10/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng kinh tế toàn cầu năm 2018-19 dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng ổn định như mức tăng của năm 2017. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng kinh tế thế giới không cao như mức dự kiến đã đưa ra trong tháng 4/2018 và sẽ kém cân bằng hơn.
Hệ thống thương mại đa phương đang xáo động trong một "cuộc khủng hoảng sâu sắc" và Mỹ đang "ở tâm chấn". |
Thể chế tài chính này hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018-2019 xuống 3,7%, giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng Tư đối với cả hai năm đó, do hoạt động thương mại đình trệ tại một số nền kinh tế lớn hồi đầu năm 2018, những tác động tiêu cực của các biện pháp bảo hộ thương mại, căng thẳng địa chính trị và hóa đơn nhập khẩu dầu cao hơn.
Washington hồi tháng 3/2018 loan báo rằng nước này sẽ áp mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu, và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng đáng kể do việc Washington đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đáp trả bằng các động thái áp thuế mới đối với hàng hóa nhập từ Mỹ.
Những động thái đơn phương của Mỹ đã làm suy yếu cơ chế thương mại đa phương dựa trên các luật lệ quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vốn rất quan trọng cho tăng trưởng chung trên toàn cầu.Các nhà quan sát cho hay chính sách (viện cớ vì lý do an ninh quốc gia) của Mỹ tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy và hồi sinh bóng ma của chủ nghĩa đơn phương mà đã “ngủ Đông” trong nhiều thập kỷ qua.
Liên minh châu Âu cảnh báo rằng hệ thống thương mại đa phương đang xáo động trong một "cuộc khủng hoảng sâu sắc" và Mỹ đang "ở tâm chấn". Để giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc thảo luận sâu vào ngày 1/12/2018 tại Argentina. Hai bên đã đồng ý ngăn chặn sự leo thang của các cuộc xung đột thương mại và hướng tới việc giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn.
Bên cạnh sự cạnh tranh ngày càng gia tăng giữa các nước lớn, Brexit “không thỏa thuận” và cuộc biểu tình “Áo vàng” đang thử thách những nhà lãnh đạo của nước Anh và Pháp.
Dự báo năm 2019 sẽ là năm khó khăn hơn đối với các nước đang phát triển. Theo Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và thương mại (CEBR), kinh tế toàn cầu năm 2018 đã trì trệ hơn so với năm trước đó. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã tác động mạnh tới các thị trường thế giới, qua đó ảnh hưởng đến tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Mức tăng trưởng của thương mại toàn cầu có thể đạt 2,99% trong năm 2018, giảm so với mức tăng trưởng của năm trước đó. Dự đoán tương lai của 193 quốc gia và vùng lãnh thổ đến năm 2033 cho thấy trong trung hạn, con đường tăng trưởng sẽ gập ghềnh hơn so với dự báo trước đó.
Trong những thập kỷ qua, toàn cầu hóa nền kinh tế đã mang đến nhiều cơ hội cũng như thách thức cho tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc dựng lên các rào cản thương mại không là phương pháp đúng đắn để giải quyết những thách thức này.
Advertisement
Advertisement