05/02/2023 08:32
15 mặt hàng 'tỷ đô' xuất khẩu sang khu vực Âu-Mỹ
Việt Nam có 15 mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ, đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong năm 2022, một số mặt hàng đã ghi nhận sự tăng trưởng hai con số như: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; giày dép; thủy sản; cà phê...
Báo cáo tại Hội nghị Thúc đẩy sản xuất tiêu dùng trong nước và Mở rộng thị trường xuất khẩu ngày 3/2, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh cho biết, năm 2022 là năm kinh tế thế giới nói chung và khu vực châu Âu-châu Mỹ nói riêng gặp rất nhiều khó khăn và bất ổn.
Tuy nhiên, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các nước thị trường châu Âu-châu Mỹ về cơ bản vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao, đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam trong năm 2022.
Cụ thể, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và khu vực châu Âu, châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng khoảng 9,4% so với năm 2021, đạt hơn 230 tỷ USD.
Xuất khẩu sang châu Âu, châu Mỹ tăng 12,3%
Trong đó, xuất khẩu đạt 184 tỷ USD, tăng 12,3% và chiếm tỉ trọng gần 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022. Nhập khẩu đạt hơn 46 tỷ USD, giảm 1% và chiếm tỉ trọng 12,8% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Thặng dư thương mại với thị trường này đạt tới 138 tỷ USD, giúp cán cân thương mại của Việt Nam đạt mức thặng dư 12,4 tỷ USD.
Kết quả tích cực như trên đến từ sự tăng trưởng xuất khẩu tích cực ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm như: Hoa Kỳ đạt 109,4 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2021; EU27 đạt 46,8 tỷ USD, tăng 16,7%; các nước thuộc CPTPP ở châu Mỹ đạt 13,1 tỷ USD, tăng 8,7%; Anh đạt gần 6,1 tỷ USD, tăng 5,2%.
15 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch "tỷ đô"
Có 15 mặt hàng xuất khẩu sang khu vực Âu Mỹ có kim ngạch trên một tỷ USD.
Trong đó một số mặt hàng tăng trưởng hai con số: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 28,6 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2021; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 25,1 tỷ USD, tăng 14,2%; hàng dệt may đạt hơn 24,6 tỷ USD, tăng 14%; giày dép các loại đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 36%; thủy sản đạt 4,45 tỷ USD, tăng trưởng 10,4%; cà phê đạt 2,2 tỷ USD, tăng 42,5%...
Các FTA tiếp tục mang lại thuận lợi cho xuất khẩu
Bước sang năm 2023, ông Tạ Hoàng Linh nhìn nhận: Hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với thị trường châu Âu-châu Mỹ sẽ có những điều kiện thuận lợi, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có với các đối tác thị trường châu Âu-châu Mỹ (CPTPP, Việt Nam-Chile, EVFTA, VN-EAEU FTA, UKFTA...) tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại, đầu tư và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam;
Thị trường xuất khẩu chủ lực ở các nước khu vực châu Âu tuy có thể tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn duy trì ở mức tăng trưởng dương (trừ Nga). Việc các nước phương tây (Âu Mỹ) duy trì hoặc tăng thêm lệnh trừng phạt với Nga; tiếp tục chiến lược kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc dẫn đến việc các nước này sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn hàng thay thế, địa bàn đầu tư thay thế trong khi Việt Nam có thể là một lựa chọn ưu tiên về thế mạnh nông sản.
Đặc biệt, ông Tạ Hoàng Linh cho biết, cam kết của Việt Nam tại COP26 đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Do đó, việc hướng tới sản xuất sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai khi nhu cầu các sản phẩm này ở các nước khu vực châu Âu-châu Mỹ ngày một tăng khi các chính sách bảo vệ môi trường tại các nước ngày một chú trọng.
"Việt Nam sẽ nhận càng ngày càng nhiều hỗ trợ của các nước phát triển trong việc chuyển đổi năng lượng, thay đổi nền sản xuất hướng tới kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu dùng", ông Linh nhận định.
Lường trước khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thuận lợi, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cũng đưa ra những dự báo về các khó khăn mà Việt Nam sẽ phải đối diện trong hoạt động xuất khẩu năm 2023.
Cụ thể, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu-châu Mỹ; xung đột Nga-Ukraine tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng.
Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến nguyên liệu, lao động, môi trường cho các sản phẩm nhập khẩu sẽ là thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại cộng với việc một số các địa bàn xuất khẩu trọng điểm nới lỏng hơn các biện pháp hạn chế sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam...
Để tận dụng tối đa thuận lợi và giảm thiểu tác động của các thách thức trên đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ cho biết sẽ cùng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục chú trọng công tác triển khai thực hiện các FTA nói chung, nhất là các FTA thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.
Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa ngành hàng để giảm bớt sự phụ thuộc vào các thị trường/ngành hàng truyển thống. Hiện nay các thị trường như Hoa Kỳ, Đức, Anh, Hà Lan... chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu nhưng một số thị trường khu vực Bắc Âu, Đông Âu, Mỹ Latin cũng đang có tốc độ tăng trưởng cao điển hình như: Ba Lan (11%), Cộng hòa Czech (14,6%), Đan Mạch (40%), Romania (tăng 52,6%), Slovenia (14,1%), Latvia (20,2%), Bulgaria (31%)…
"Nếu có hướng tiếp cận và thâm nhập bài bản, phù hợp, hàng hóa Việt Nam có thể phát huy được lợi thế cạnh tranh, gia tăng hiện diện tại các thị trường này. Đồng thời, cũng cần gia tăng, đa dạng hóa những sản phẩm mũi nhọn trong xuất khẩu, đẩy mạnh trao đổi các nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, các sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…", ông Tạ Hoàng Linh nói.
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có bởi những diễn biến nhanh, phức tạp của kinh tế thế giới. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu tiếp tục phát triển, lập kỷ lục mới với tổng kim ngạch đạt hơn 732,5 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước; duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với mức thặng dư 11,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3,3 lần năm trước).
Trong năm 2023, Bộ Công Thương sẽ tập trung gia tăng năng lực sản xuất mới, đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp và chủ động tạo nguồn cung nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ phát triển sản xuất bền vững;
Mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu; đẩy mạnh sức mua trong nước; tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement