08/12/2018 14:54
13 tấm hình hé lộ tất cả về Huawei - tập đoàn có con gái ông chủ vừa bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ
Cái tên Huawei (Hoa Vi) đã tràn ngập các mặt báo trong những ngày qua sau khi con gái ông chủ tập đoàn này vừa bị Canada bắt giữ.
Có thể nhiều người đã biết đến Huawei bởi đây là công ty sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới. Nhưng còn nhiều điều thú vị về Huawei mà 13 tấm hình dưới đây sẽ hé lộ cho chúng ta thấy.
Bà Mạnh Vãn Châu (Meng WanZhou) vừa bị phía Canada bắt giữ (ảnh: Nikkei Asian Review) |
Nhà chức trách Canada vừa bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính tập đoàn Huawei vì nghi ngờ bà này vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ với Iran. Bà Mạnh Vãn Châu là con gái của Nhiệm Chính Phi - ông chủ tập đoàn Huawei.
Huawei là một người khổng lồ công nghệ, là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới sau Samsung.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu có thể gây ra tác động lớn đến mối quan hệ của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dưới đây là những gì bạn cần biết về Huawei, về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu và sự leo thang chiến tranh thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.
Huawei là một công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ viễn thông, sản phẩm công nghệ dành cho doanh nghiệp và thiết bị tiêu dùng, chẳng hạn như điện thoại thông minh. Công ty bán sản phẩm của mình tại hơn 70 quốc gia.
Tập đoàn này đã thu về gần 93 tỷ đô la doanh số bán hàng trong năm ngoái, tương đương với Microsoft. Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới sau Samsung.
Huawei được thành lập bởi ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) vào năm 1987, và ông hiện vẫn là Giám đốc điều hành của tập đoàn. Trước đây ông Nhậm là một kỹ sư làm việc trong quân đội.
Ông Nhậm còn được người ta gọi là một doanh nhân triết gia bởi ông thích viện dẫn các câu tục ngữ và thích những thứ mang tính biểu tượng.
Đây là một ví dụ về khuynh hướng triết học của ông Nhậm: trong trụ sở chính của công ty ông thả một vài con thiên nga đen trong hồ. Những con thiên nga đen đại diện cho "sự không tự mãn trong văn hóa doanh nghiệp".
Trụ sở chính của Huawei nằm ở Thẩm Quyến, Trung Quốc. Tập đoàn có khoảng 180.000 nhân viên trên toàn thế giới, có 60.000 nhân viên làm việc tại trụ sở chính.
Điện thoại thông minh Huawei đang nổi tiếng trên toàn thế giới và sản phẩm này thường đánh bại doanh số iPhone vì chúng có giá thành rẻ và cấu hình mạnh mẽ.
Huawei đã cố gắng mở rộng sang thị trường Mỹ, nhưng một thỏa thuận phân phối với AT&T đã bị đình chỉ hồi tháng Giêng. Tập đoàn này vẫn chưa tìm thấy một hãng khác muốn hợp tác, có thể một phần do áp lực từ các quan chức Mỹ, những người không tin tưởng các công ty Trung Quốc. Điều này đã hạn chế dấu chân của Huawei ở Mỹ.
Các nhà lập pháp Hoa Kỳ từ lâu đã coi Huawei là mối đe dọa an ninh, do mối quan hệ của tập đoàn này với chính phủ Trung Quốc. Một số người đã đưa ra giả thuyết rằng điện thoại của Huawei được sử dụng để theo dõi các quan chức chính phủ Mỹ. Huawei đã liên tục phủ nhận những cáo buộc này.
Tuy nhiên, mối lo ngại của Hoa Kỳ đối với Huawei không chỉ nằm ở an ninh mạng. Các quan chức liên bang đã điều tra Huawei từ năm 2016 vì nghi ngờ tập đoàn này vận chuyển sản phẩm từ Mỹ đến Iran - vi phạm luật thương mại và lệnh cấm vận của Mỹ.
Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bị trở nên tồi tệ trước khi bà Mạnh Vãn Châu bị bắt. Hai chính phủ đã thực hiện một cuộc chiến thương mại khi áp dụng mức thuế trị giá hàng tỷ USD đối với các mặt hàng nhập khẩu chính.
Vài ngày trước, Giám đốc Tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu đã bị bắt. Bà gia nhập Huawei vào năm 1993 và hiện là Giám đốc Tài chính của tập đoàn và là Phó Chủ tịch điều hành. Bà cũng là con gái của người sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi.
Bà Mạnh bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ. Các báo cáo cho biết bà đã bị bắt vì nghi ngờ vi phạm các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Các quan chức Mỹđang yêu cầu dẫn độ bà Mạnh.
Vụ bắt giữ bà Mạnh làm leo thang quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vụ việc này diễn ra trong thời điểm các nhà lãnh đạo của hai phía dường như sắp đạt được một thỏa thuận nào đó. Các chuyên gia nhận định đây là một tín hiệu cho thấy đường lối cứng rắn về thương mại của chính quyền Trump với Trung Quốc.
(Ảnh trong bài: Business Insider)
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp