13/12/2023 11:47
11 tháng xuất siêu đạt kỷ lục 25,83 tỷ USD
Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu giảm 5,9%; nhập khẩu giảm 10,7%). Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).
Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 619,17 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước (xuất khẩu giảm 5,9%; nhập khẩu giảm 10,7%. Cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng ước tính xuất siêu 25,83 tỷ USD.
Cụ thể, tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 322,5 tỷ USD, giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Với sự phục hồi trong những tháng gần đây, mức suy giảm xuất khẩu tiếp tục được thu hẹp khá nhiều so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023, theo Vnbusiness.
Trong 11 tháng năm 2023, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 07 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66%).
Nhiều nhóm hàng nông sản, gạo, trái cây tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bộ Công Thương cho biết, với các biện pháp tích cực, đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ sản xuất trong nước, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu tiếp tục được triển khai mạnh mẽ nên hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có những tín hiệu tích cực, đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 10/2023 và có phần chững lại trong tháng 11 khi tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,88 tỷ USD, mặc dù giảm 1,4% so với tháng trước nhưng tăng tới 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi đạt mức tăng 5,1% trong tháng 10/2023, xuất khẩu hàng hóa trong tháng 11/2023 mặc dù không giữ được đà tăng trưởng so với tháng trước khi kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước (trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 8,49 tỷ USD, giảm 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước đạt 22,59 tỷ USD, giảm 4,1%) nhưng tăng tới 6,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 13,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 4,4%).
Như vậy, trong 5 tháng gần đây (từ tháng 7/2023 đến nay), xuất khẩu hàng hóa của nước ta đều đạt kim ngạch trên 30 tỷ USD/tháng, cao hơn mức bình quân 27,45 tỷ USD/tháng của 6 tháng đầu năm 2023, cho thấy những tín hiệu khởi sắc trong xuất khẩu và giúp rút ngắn đà suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đã có sự cải thiện tích cực trở lại trong những tháng gần đây do được hỗ trợ bởi các yếu tố như hoạt động xúc tiến xuất khẩu được đẩy mạnh, kinh tế toàn cầu tăng trưởng tốt hơn dự kiến, hàng tồn kho tại các thị trường tiêu thụ chính có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, đà phục hồi nhìn chung vẫn còn tương đối chậm và xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới bởi các nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lấy lại đà tăng trưởng, trong khi tiêu dùng toàn cầu vẫn chưa cho thấy sự phục hồi rõ nét.
Ở chiều ngược lại, dù đã tăng trở lại trong những tháng gần đây nhưng do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu trong những tháng đầu năm, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giảm nên tính chung 11 tháng năm 2023, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước ước đạt 296,67 tỷ USD, vẫn giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 11 tháng năm 2023, có 43 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 03 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 43,3%).
Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2022 (ước đạt 262,6 tỷ USD).
Ngoại trừ máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 4,1% (ước đạt 79,2 tỷ USD), hầu hết các nhóm hàng chủ lực và là đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất các ngành hàng xuất khẩu đều giảm ở mức hai con số, như: điện thoại các loại và linh kiện giảm tới 58,9%; thép các loại giảm 18,2%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 9,8%; vải các loại giảm 14%...
Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát cũng giảm 17,5% trong 11 tháng năm 2023, ước đạt 16,95 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả, bánh kẹo và sản phẩm từ ngũ cốc, phế liệu sắt thép, ô tô, đá quý, kim loại quý và sản phẩm…
Theo Bộ Công Thương, do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với xuất khẩu nên cán cân thương mại trong tháng 11 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,28 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 11 tháng năm 2023 là 25,83 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ USD).
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 19,99 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 45,82 tỷ USD.
"Xuất siêu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ lớn cho cán cân thanh toán quốc tế", Bộ Công Thương cho biết.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement