12/12/2023 11:25
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu duy nhất tăng trưởng dương của Việt Nam
Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương, trong khi các thị trường lớn khác đều giảm.
Theo Tổng cục Hải quan, trước tình hình kinh tế thế giới ảm đạm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ lực hầu như đều suy giảm. Thị trường châu Âu cũng ghi nhận mức giảm 8,1% với kim ngạch 40 tỷ USD.
Đáng chú ý, trong nhóm các thị trường chủ lực, chỉ duy nhất thị trường Trung Quốc đạt tăng trưởng dương. Thống kê cho thấy, đầu năm 2023, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc giảm nhẹ trước bối cảnh khó khăn chung.
Tuy nhiên, trong 4 tháng qua, tình hình đã nhanh chóng đảo chiều. Tính đến hết tháng 11, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt 55,5 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này chủ yếu đến từ các mặt hàng nông sản nhận được sự đón nhận tốt hơn từ thị trường tỷ dân.
Tổng cục Hải quan cho biết, trong 11 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 48 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 23,2%. Đây cũng là thị trường xuất khẩu nông sản lớn duy nhất của Việt Nam có tăng trưởng với mức ấn tượng 18%.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, Trung Quốc đã cấp phép cho 12 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, theo TPO.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đã công bố danh sách hơn 800 doanh nghiệp chế biến thủy sản Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc; đồng thời đã phê duyệt mã sản phẩm cho 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng, 128 loại sản phẩm và 48 loài thủy sản của Việt Nam. Đây là thời cơ để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác thị trường 1,4 tỷ dân này.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ, hiện thị trường Trung Quốc đang có sự thay đổi rất lớn. Nhu cầu về sản phẩm nông sản trên các nền tảng thương mại điện tử tăng đáng kể hàng loạt doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư các kênh thương mại điện tử như TikTok Shop, Taobao…để tiếp cận khách hàng Trung Quốc.
Theo ông Tiến, hiện rất nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử ở các tỉnh ở sâu trong đất liền Trung Quốc đều có chính sách hình thành khu ngoại quan. Khi doanh nghiệp của Việt Nam đưa sản phẩm nhập vào kho ngoại quan, tổ chức livestream trên nền tảng thương mại điện tử thì rất phù hợp với xu thế tiêu dùng ở thị trường Trung Quốc và có thể được hưởng các chính sách của địa phương Trung Quốc trong việc giảm chi phí lưu kho, tạo thuận lợi cho công tác hải quan và các thủ tục kiểm định.
Doanh nghiệp Việt cũng cần đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử để tận dụng cơ hội đưa hàng Việt vào sâu thị trường Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau. Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.
Quan hệ đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua luôn phát triển theo hướng rất tích cực, đạt được nhiều thành quả ấn tượng. Ngoài tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, Việt Nam đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các doanh nghiệp của Trung Quốc.
Sau 15 năm Việt Nam - Trung Quốc thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, kim ngạch thương mại của hai nước không ngừng tăng trưởng. Nếu như năm 2008, kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên đạt 20,8 tỷ USD, đến năm 2022, con số này đạt trên 175,5 tỷ USD (tăng hơn 8 lần), trong đó tăng trưởng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, nhập siêu được thu hẹp, theo VOV.
Trung Quốc đứng thứ 2 trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trung Quốc hiện là thị trường duy nhất trong số các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đảo chiều từ mức giảm 2,2% hồi đầu năm sang mức tăng 6,2% sau 11 tháng năm 2023) trong khi các thị trường lớn khác đều giảm. Kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục tăng.
Nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các thị trường. Tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2018 chiếm 27,6%, đến năm 2020 và 2021 đã tăng lên mức 32% và 33,1%, năm 2022 giảm nhẹ về mức 32,8%, nhưng 10 tháng năm 2023 đã tăng lên, đạt 33,5%.
Theo số liệu thống kê mới nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 155,58 tỷ USD sau 11 tháng năm 2023. Nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu, nên Trung Quốc chủ yếu ở vị thế xuất siêu lớn với Việt Nam.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement