Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

10 sự kiện Công nghệ - Viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2017

Phân tích

21/12/2017 08:45

Ác mộng WannaCry, Bkav tuyên bố "qua mặt" FaceID, chụp ảnh thuê bao... được xem là một trong các sự kiện tiêu biểu của Công nghệ - Viễn thông 2017.

1. Viễn thông Việt Nam ghi danh trên đấu trường quốc tế

Ngày 4/3/2017, lần đầu tiên, Việt Nam có đại diện tham gia sự kiện Hội nghị di động toàn cầu (MWC 2017) tại Tây Ban Nha, đó là tập đoàn Viettel. Tại sự kiện, Viettel đã trình làng nhiều giải pháp viễn thông nổi bật giúp bạn bè thế giới hiểu nhiều hơn về tình hình viễn thông trong nước, cũng như chiến lược ra nước ngoài.

 Viettel tham gia triển lãm MWC 2017 tại Tây Ban Nha.
 Viettel tham gia triển lãm MWC 2017 tại Tây Ban Nha.

Chiến lược ra 10 thi trường nước ngoài bao gồm Campuchia, Lào, Haiti, Đông Timor, Mozambique, Cameroon, Tanzania, Burundi, Myanmar và Peru đã giúp Vietel được đơn vị tư vấn Brand Finance định giá 2,569 tỷ USD, trở thành thương hiệu lớn nhất Việt Nam trong năm 2017.

2. Phủ sóng 4G toàn quốc

Ngày 15/3/2017 được xem là mốc quan trọng trong công nghệ viễn thông 4G khi Viettel tuyên bố phủ sóng toàn quốc. Mạng di động đầu tiên khai trương 4G VinaPhone cũng không đứng nhìn khi liên tiếp mở rộng vùng phủ cho khách hàng tại các tỉnh/thành phát triển.

10 sự kiện Công nghệ - Viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2017

Tiếp theo đó là MobiFone khi đặt mục tiêu phủ sóng 4G toàn quốc vào quý 1/2018. Nhà mạng Vietnamobile cho biết cũng sẽ cung cấp dịch vụ 4G vào quý 1/2018 sau khi được cấp phép vào tháng 11/2017.

3. Sự cố WannaCry và cơn ác mộng toàn cầu

Mã độc "muốn khóc" được xem là một sự kiện chấn động thế giới khi lây lan mạnh đến hơn 300.000 máy tính tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ vào đêm 14/5/2017. Lợi dụng lỗ hổng bảo mật của Microsoft, mã độc này đã lây lan nhanh chóng khi mức tiền phạt tăng nhanh chóng theo thời gian, khiến nhiều tập đoàn thế giới điêu đứng.

WannaCry đã gây thiệt hại gần 8 tỷ USD trên toàn thế giới.
WannaCry đã gây thiệt hại gần 8 tỷ USD trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, cùng thời điểm sau đó 2 ngày, mã độc đã khiến hàng ngàn máy tính bị nhiễm. Thống kê của Bkav cho thấy Việt Nam nằm trong top 20 quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nhất, bên cạnh Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan... khi có tới 52% máy tính ở Việt Nam tồn tại EternalBlue - lỗ hổng đang bị mã độc WannaCry khai thác.

Sự cố WannaCry và tiếp theo đó là Petya đã khiến thế giới thiệt hại con số gần 9 tỷ USD, một con số ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia bảo mật dự đoán.

4. Chụp ảnh chân dung thuê bao

Ngày 24/4/2017, nghị định 49/2017/NĐ-CP hướng dẫn quy định về giao kết hợp đồng theo mẫu đối với các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có hiệu lực đã khiến người dân một phen "hoảng loạn" khi quy định thuê bao nếu không có ảnh chân dung sẽ bị cắt dịch vụ.

10 sự kiện Công nghệ - Viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2017

Đến nay, mặc dù các nhà mạng đã và đang tăng cường hệ thống cửa hàng để đáp ứng đủ điều kiện do nghị định 49 ban hành, nhưng quy định này vẫn chưa làm người dùng nguôi ngoai khi cho rằng việc này đã đi ngược với hình ảnh trên chứng minh nhân dân mà họ dùng khi đăng ký.

5. Các nhà mạng chung tay chặn tin nhắn rác

Ngày 11/5/2017 được xem là thời khắc quan trọng khi 5 nhà mạng bao gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone, Gtel và Vietnamobile cùng ký cam kết với Bộ Thông tin và Truyền thông ngăn chặn tin nhắn rác.

10 sự kiện Công nghệ - Viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2017

Đến nay, tình hình tin nhắn rác đã được đáng giá là giảm đáng kể sau khi các mạng đầu tư hệ thống lọc và chặn thuê bao phát tán tin nhắn rác.

6. Bkav "hack" Face ID của Apple, khuyến cáo không sử dụng trong giao dịch thương mại

Ngày 15/11/2017, lần đầu tiên, một công ty bảo mật Việt Nam đã dùng mặt nạ 3D để qua mặt Face ID của Apple, khiến cộng đồng thế giới tốn nhiều giấy mực để phân tích.

Liên tiếp sau đó, Bkav tiếp tục khuyến cáo người dùng thận trọng khi sử dụng công nghệ bảo mật Face ID trong giao dịch thương mại vì có thể không an toàn.

Bkav
Bkav "qua mặt" công nghệ bảo mật bằng khuôn mặt Face ID của Apple đã tốn nhiều giấy mực phân tích từ các trang tin tức lớn trên thế giới.

Apple sau đó cũng dính sự cố trong tháng 12 khi hai lần đổi trả iPhone X tại Trung Quốc cho người mua khi điện thoại của cô đã bị mở khóa bằng khuôn mặt của... đồng nghiệp.

7. 20 năm Internet Việt Nam

Ngày 19/11/1997, Internet chính thức được cung cấp cho người dân cả nước. VNPT, Netnam là những doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ.

Đến 2003, Internet băng rộng ADSL (MegaVNN) chính thức có mặt trên thị trường. Cũng trong năm này, cước Internet, điện thoại giảm mạnh chưa từng có (từ 10 - 40%) đã kích thích nhu cầu người dùng tăng mạnh.

Internet Việt Nam có hơn 64 triệu người dùng trong 20 năm qua.
Internet Việt Nam có hơn 64 triệu người dùng trong 20 năm qua.

Năm 2009, Internet cáp quang FTTH chính thức được triển khai với tốc độ truy cập mạng tăng đáng kể so với ADSL. Cùng thời điểm này, VinaPhone khai trương mạng 3G mở ra kỷ nguyên Internet cho di động tại Việt Nam.

Năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức cấp giấy phép triển khai dịch vụ 4G cho các nhà mạng đánh dấu một bước phát triển mới cho dịch vụ thông tin di động tại Việt Nam. Chúng ta cũng dự kiến sẽ triển khai thực tế dịch vụ 5G vào năm 2020.

Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á.

20 năm qua, Internet không còn bó hẹp trong nội dung số, với khả năng tác động 2 – 3% GDP. Thay vào đó, Internet đã không thể tách rời với các ngành thương mại dịch vụ như ngân hàng, giao thông, y tế… với khả năng tác động tới 40 – 50% GDP Việt Nam.

8. Thử nghiệm chuyển mạng giữ số

Ngày 20/11/2017 được xem là thời điểm để thuê bao di động được sử dụng đúng với mạng mình yêu thích khi đề án chuyển mạng giữ số được các nhà mạng thử nghiệm và cung cấp từ 8/1/2018.

10 sự kiện Công nghệ - Viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2017

Dịch vụ chuyển mạng giữ số hứa hẹn sẽ làm thay đổi diện mạo mạng viễn thông khi chất lượng quyết định giá trị so với trước đây khi thuê bao chỉ chọn sử dụng một mạng duy nhất cho một số di động. Nay rào cản được tháo bỏ sẽ giúp thị trường viễn thông cạnh tranh mạnh về chất lượng hơn là số lượng nếu muốn giữ thuê bao.

9. Hợp tác Khoa học Công nghệ đón đầu xu hướng mới

Ngày 18/12, lần đầu tiên, các hợp tác cho ngành nghề Bảo mật - Hàng không vũ trụ có thêm bước tiến khi nhiều đơn vị thi nhau hợp tác để đón đầu xu hướng hội nhập quốc tế.

Lần đầu tiên, ngành nghề Hàng không - Vũ trụ được đưa vào giảng dạy thông qua việc thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Viettel, hướng mục tiêu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ hàng không vũ trụ ở các bậc đại học, sau đại học, bao gồm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khoa học chủ lực trong lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu dân sự và an ninh - quốc phòng của đất nước.

Nhiều ngành nghề mới như Hàng không Vũ trụ, Nghiên cứu sản xuất được liên kết đào tạo giữa các đơn vị lớn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.
Nhiều ngành nghề mới như Hàng không Vũ trụ, Nghiên cứu sản xuất được liên kết đào tạo giữa các đơn vị lớn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao tại Việt Nam.

Trước đó, trong tháng 8/2017, Đài thiên văn đầu tiên đã được khánh thành, mở ra khởi đầu quan trọng cho ngành khoa học vũ trụ tại Việt Nam.

Tháng 12 cũng ghi nhận sự hợp tác trong lĩnh vực đa ngành nghề về thiết bị thông minh giữa Bkav và Viện điện tử Đại học Bách Khoa Hà Nội (SET), đánh dấu mốc quan trọng trong việc mở rộng lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như SmartHome, Smartphone.

10. Cáp quang biển bị sự cố quanh năm

Có lẽ sự kiện không được mong đợi nhất trong năm 2017 đó là việc cáp quang biển đứt quanh năm. Việc bị sự cố liên tục của tuyến cáp quang biển AAG đã khiến nhiều nhà mạng ngán ngẩm lên phương án đổi hướng kết nối nhằm ổn định tốc độ internet Việt Nam.

10 sự kiện Công nghệ - Viễn thông Việt Nam nổi bật năm 2017

Để giảm lệ thuộc vào tuyến cáp quang biển AAG, các nhà cung cấp internet tại Việt Nam đã và đang tham gia đầu tư, khai thác thêm hướng kết nối mới nhằm ổn định tốc độ cho người dùng.

Hiện, các nhà mạng viễn thông Việt Nam đang tham gia khai thác một số tuyến cáp quang biển quốc tế bao gồm AAG (Asia - America Gateway), SMW3 (hay còn gọi là SEA - ME - WE3), Liên Á (IA - Intra Asia), APG (Asia Pacific Gateway) và mới đây nhất là tuyến AAE-1 (Asia - Africa - Euro 1).

MINH ĐỊNH
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement