27/12/2023 12:06
10 sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2023
VinFast niêm yết lên sàn chứng khoán Mỹ, VNX trở thành thành viên Liên đoàn Sở giao dịch, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nữ Chủ tịch đầu tiên... là những dấu ấn nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nữ Chủ tịch đầu tiên
Bộ Tài chính ban hành Quyết định bổ nhiệm bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) kể từ ngày 9/1/2023.
Bà Phương sinh năm 1971 tại Nam Định, là thạc sĩ kinh tế. Tháng 9/1998, bà về công tác tại Thanh tra UBCKNN. Tháng 7/2016, bà được bổ nhiệm vào vị trí Phó chủ tịch UBCKNN. Đến tháng 10/2020, bà làm Chánh thanh tra UBCKNN và được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch UBCKNN.
Bà Phương là chủ tịch thứ 4 và là nữ chủ tịch đầu tiên trong lịch sử thành lập UBCKNN.
Thao túng giá cổ phiếu nhóm APEC
Ngày 22/6/2023, Cơ quan an ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương và Công ty cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam” (nhóm APEC).
Đồng thời, Cơ quan điều tra ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015, gồm: Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương.Ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương. Bà Huỳnh Thị Mai Dung, vợ ông Nguyễn Đỗ Lăng. Bà Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương. Ông Phạm Thị Đức Việt - Phó phòng dịch vụ khách hàng CTCP Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương.
Vận hành sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ
Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ tập trung đầu tiên của Việt Nam đã đi vào hoạt động. Hệ thống này ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị định 65/2022/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.
Sự ra đời của hệ thống TPDN riêng lẻ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, nâng cao thanh khoản, giúp cơ quan quản lý, thành viên thị trường, nhà đầu tư có thêm thông tin về thị trường TPDN riêng lẻ từ sơ cấp đến thứ cấp.
Đồng thời, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc mua bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan quản lý nhà nước với việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.
VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ
Tối 15/8 (giờ Việt Nam), VinFast - hãng xe biểu tượng của Việt Nam đã niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán Mỹ. Sự kiện rung chuông trên Nasdaq Stock LLC ("Nasdaq") diễn ra ngay sau khi VinFast hoàn tất thành công giao dịch hợp nhất kinh doanh với Black Spade Acquisition Co ("Black Spade").
Theo đó, VinFast đã chính thức trở thành công ty niêm yết đại chúng có tầm vóc toàn cầu và là thương hiệu Việt có giá trị vốn hóa lớn nhất niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ tính đến hiện tại.
Sau khi vừa mở phiên giao dịch, mã VFS của VinFast đã tăng lên mức 23.11 USD/cổ phiếu, từ mức 22 USD/cổ phiếu. Sau đó, VFS liên tục tạo ra đỉnh mới với mức cao nhất là hơn 82 USD. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch quanh mức 8 USD, vốn hóa khoảng 19,5 tỷ USD.
Việc IPO thành công tại các nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ, là ước mơ của nhiều doanh nghiệp Việt, nhằm hướng tới phát triển bền vững. Nhiều chuyên gia đều chung nhận định: niêm yết tại Mỹ là cơ hội tiếp cận với nguồn vốn lớn cũng như tăng giá trị của công ty trên thị trường toàn cầu.
VNX trở thành thành viên Liên đoàn Sở giao dịch
Tại Hội nghị thường niên năm 2023 của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán Thế giới (WFE), diễn ra từ ngày 19 - 21/9/2023, Đại Hội đồng WFE đã bỏ phiếu thống nhất kết nạp Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) làm thành viên chính thức của WFE.
Trước đó, trong năm 2022, VNX đã trở thành thành viên của Hiệp hội các Sở Giao dịch Chứng khoán khu vực ASEAN (ASEAN Exchanges), Diễn đàn Thị trường Trái phiếu ASEAN (ABMF) và Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán châu Á và châu Đại Đương (AOSEF).
VNX được thành lập cuối năm 2020 và chính thức hoạt động từ giữa 2021 theo mô hình công ty mẹ - công ty con với mục tiêu thống nhất về mô hình tổ chức, cơ chế, chính sách, tư duy phát triển và hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ thị trường chứng khoán (TTCK). VNX hiện có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, do Bộ Tài chính đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn.
Trước đây, HOSE và HNX cũng là thành viên của WFE. Từ năm 2022, 2 sở này rời tư cách thành viên để VNX xúc tiến các bước, làm đầu mối tham gia thành viên các hiệp hội, tổ chức quốc tế.
Lọc dữ liệu tài khoản chứng khoán
Ngày 23/9/2023, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - giao UBCKNN, Sở Giao dịch, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Việc kết nối nhằm làm sạch dữ liệu người tham gia giao dịch chứng khoán. Làm sạch dữ liệu người dùng tức đối chiếu thông tin của họ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Sau khi đề án làm sạch dữ liệu được ban hành, trong tháng 10 và 11, có gần 900 ngàn tài khoản bị đóng do các công ty chứng khoán chủ động rà soát và đóng các tài khoản không phát sinh giao dịch.
IPO thấp nhất trong 8 năm
Năm 2023, hoạt động IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) tại thị trường Việt Nam rơi vào trầm lắng. Việt Nam chỉ có 3 thương vụ niêm yết IPO là CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Dương, CTCP Tứ Hải Hà Nam và CTCP Đầu tư và Sản xuất Hoàng Gia. Tổng cộng, 3 đợt niêm yết này đã huy động được tổng số vốn là 7 triệu USD.
Những điều kiện bất lợi cùng diễn biến giảm điểm của VN-Index kể từ nửa đầu năm 2022 đã khiến các Công ty có mong muốn IPO phải trì hoãn kế hoạch và chờ thời điểm thích hợp để niêm yết.
IPO tại Việt Nam ở mức thấp theo xu hướng chung của khu vực.
Khối ngoại bán ròng mạnh cổ phiếu HOSE
Nhà đầu tư nước ngoài đang là điểm trừ của bức tranh TTCK Việt Nam năm 2023. Động thái “xả hàng” trên sàn chứng khoán lớn nhất Việt Nam (HOSE) đã diễn ra xuyên suốt hơn 9 tháng, từ đầu quý 2/2023.
Phiên bán mạnh nhất năm là ngày 5/12 với giá trị gần 1.558 tỷ đồng. Xếp sau là phiên 15/12, bán gần 1.186 tỷ đồng.
Theo số liệu của VietstockFinance tới 15/12, những cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất trên HOSE là EIB, MWG và VPB, với mức độ tương ứng là 5.153 tỷ đồng, 3.159 tỷ đồng và 3.033 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, HPG, HSG và STG được mua ròng mạnh nhất; tương ứng đạt 3.380 tỷ đồng, 1.356 tỷ đồng và 1.285 tỷ đồng.
Trong giai đoạn này, tổng giá trị bán ròng lên đến gần 27.000 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD). Xét từ đầu năm 2023, giá trị bán ròng của khối ngoại trên sàn HOSE đạt hơn 21.600 tỷ đồng, vượt giá trị bán ròng trong cả năm 2020 là 15.741 tỷ đồng.
Hệ thống KRX
KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên TTCK Việt Nam được HOSE ký kết với Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Dự án nhằm nâng cấp công nghệ hệ thống và cơ sở hạ tầng của sàn giao dịch chứng khoán.
KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán (như giao dịch trong ngày T+0, bán khống, rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn…). Điều này sẽ góp phần tạo tiền đề giải quyết các nút thắt để tiến tới được nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Năm 2023, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị quyết tâm hoàn thành dự án và chuẩn bị hệ thống KRX sẵn sàng đi vào vận hành ở thời điểm cuối năm. VNX cũng ra thông báo sẽ xem xét xử lý vi phạm với bất kỳ công ty chứng khoán nào không tham gia hoặc tham gia không đạt yêu cầu kiểm thử hệ thống KRX.
Theo kế hoạch ban đầu, hệ thống công nghệ thông tin KRX sẽ chính thức vận hành vào ngày 25/12/2023. Tuy vậy, tới ngày 25/12, vẫn chưa có thông tin chính thức về việc đưa hệ thống vào vận hành.
Thúc đẩy nâng hạng thị trường
TTCK Việt Nam đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - thị trường mới nổi từ năm 2018. Cho tới đợt xếp hạng thị trường tháng 9/2023 của FTSE Russell, Việt Nam vẫn chưa được nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging market).
Chính phủ đang thể hiện rõ quyết tâm nâng hạng thị trường trước năm 2025 thông qua nhiều cuộc họp để tìm cách tháo gỡ các nút thắt.
Nghị quyết 86/NQ-CP ngày 11/7/2022 của Chính phủ về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững, yêu cầu: "Khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi để thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài".
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp