19/05/2023 11:41
Yêu cầu gấp rút xây dựng phương án giảm 2% thuế VAT
Mới đây, Bộ Tài chính đã có thông báo chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xây dựng Nghị định hướng dẫn chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT).
Theo Bộ Tài chính, để kịp triển khai xây dựng Nghị định hướng dẫn về chính sách giảm thuế VAT được ban hành và có hiệu lực từ 1/7, lãnh đạo bộ này yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định để trình Bộ xin ý kiến các đơn vị liên quan.
Cụ thể, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan phối hợp các đơn vị rà soát danh mục hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng giảm thuế VAT theo Nghị định 15 và Nghị định 41...
Trên cơ sở đó, các đơn vị đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung về danh mục hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng giảm thuế VAT về kê khai, hướng dẫn lập hóa đơn VAT và các nội dung có liên quan khác.
Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Hải quan thực hiện việc đề xuất, xây dựng các nội dung chuyển về Tổng cục Thuế và Vụ Chính sách thuế trước ngày 21/5. Nội dung danh mục hàng hóa, dịch vụ... không thuộc đối tượng giảm thuế VAT do Tổng cục Thuế đề xuất chuyển về Vụ Chính sách Thuế trước ngày 24/5, theo TPO.
Bộ Tài chính cho biết, sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện chính sách giảm thuế VAT theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Việc có đồng ý giảm VAT như đề xuất của Bộ Tài chính hay không sẽ được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5 tới.
Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ Tài chính có tờ trình gửi Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết số 43.
Theo đó, bộ này này đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế VAT 2% từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay.
Cụ thể là giảm 2% thuế VAT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đánh giá tác động, Chính phủ cho biết, việc thực hiện chính sách giảm VAT theo Nghị quyết số 43 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 44.500 tỷ đồng trong 11 tháng áp dụng, giảm trung bình một tháng khoảng 4.000 tỷ đồng.
Với giải pháp giảm VAT cho các đối tượng như đã được thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43 nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm nay thì dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỷ đồng (đối với thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thì dự kiến giảm 20.000 tỷ đồng do số thu thuế VAT phải nộp của tháng 12/2023 nộp trong tháng 1/2024).
Việc giảm VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Chính phủ khẳng định người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Việc giảm VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân, theo Dân trí.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu VAT 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Việc có đồng ý giảm VAT như đề xuất của Chính phủ hay không sẽ được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 5, khai mạc ngày 22/5 tới.
Trước đó, tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13/5, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội không đồng ý mở rộng phạm vi áp dụng giảm thuế VAT 2% đối với các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp