05/03/2024 15:38
Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam tăng phi mã, chinh phục thị trường thế giới
Từ cuối năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã có xu hướng phục hồi và dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2024, đặc biệt trong nửa cuối năm.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2024 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt hơn 79 triệu USD, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu so sánh từ 2018 trở lại đây thì doanh số tháng 1/2024 vẫn cao hơn so với mức trung bình hàng năm khoảng 46%.
Đây là tín hiệu tích cực cho tháng mở đầu năm 2024 bởi trong tháng 1/2024, trừ Thái Lan, xuất khẩu sang các thị trường còn lại đều tăng cao. Nhóm 10 thị trường xuất khẩu cá ngừ chính của Việt Nam trong tháng 1/2024 gồm các thị trường Mỹ, Israel, Nga, Canada, Nhật Bản, Italy, Đức, Hà Lan, Thái Lan và Ba Lan.
Tại khối thị trường EU, việc mở lại hạn ngạch ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận trong Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) đang tạo đà đẩy mạnh đơn hàng xuất khẩu sang thị trường này trong tháng đầu năm.
Trong đó, Italy vẫn tiếp tục dẫn đầu về giá trị nhập khẩu trong tháng 1/2024, với mức tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ. Cùng với Italy, xuất khẩu sang Ba Lan và Thụy Điển cũng tăng "phi mã".
Còn tại khối thị trường Trung Đông, mặc dù tiếp tục bị tác động của cuộc chiến giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas nhưng xuất khẩu sang một số nước tại khu vực này đang tăng mạnh.
Xuất khẩu sang Israel tăng 43%, Libăng tăng gấp 13 lần, Ai Cập tăng 43%. Hiện những lo ngại về cuộc chiến gia tăng đang làm tăng nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm có khả năng tích trữ như cá ngừ đóng hộp tại các thị trường này và thúc đẩy nhập khẩu.
Cũng theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 1, tôm các loại, cá tra, cá ba sa đều là những mặt hàng thủy sản có mức tăng trưởng cao nhất cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tôm tháng 1 đạt 29.000 tấn, trị giá 239,36 triệu USD, tăng 78,8%về lượng và tăng 71,8% về trị giá. Xuất khẩu cá tra, cá ba sa tăng 119,6% về lượng và tăng 97,1% về trị giá. Thêm vào đó, tôm Việt còn có lợi thế hơn đối thủ bởi Ecuador đang bị cảnh báo do tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng.
Sự tăng trưởng trong xuất khẩu thủy sản trong tháng đầu năm khiến các doanh nghiệp tin tưởng và kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn của ngành thủy sản trong năm nay. Cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đã có hàng chục năm nỗ lực từ nguyên liệu, tài chính, sản xuất, chứng nhận và chất lượng để thâm nhập các thị trường khó tính nhất như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít khó khăn và cạnh tranh mà doanh nghiệp cần đối mặt. Căng thẳng trên Biển Đỏ đang gây ra không ít khó khăn trong quá trình vận tải hàng hóa xuất khẩu nói chung và hàng thủy sản nói riêng khi cước vận chuyển có xu hướng tăng cao. Giá bán sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng tăng cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu thụ.
Theo phản ánh từ các doanh nghiệp, trong 1 tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Bờ Tây đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần.
Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài, đăng ký thuê tàu khó khăn khiến việc tồn kho kéo dài, dòng vốn quay vòng chậm, lãi ngân hàng phát sinh nhiều.
Ngoài ra, rào cản về "thẻ vàng IUU" khi xuất khẩu sang thị trường EU vẫn chưa được tháo gỡ, nên doanh nghiệp khi xuất khẩu sang khối thị trường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tất cả những điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Ngành hàng cá ngừ không chỉ gặp khó ở thị trường xuất khẩu, mà các doanh nghiệp cũng đang gặp khó về các giấy tờ khi thu mua, chế biến, xuất khẩu.
Tháng 3/2023, VASEP đã có Công văn 22/CV-VASEP gửi Tổng cục Thủy sản và Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản nêu một số vướng mắc, bất cập trong công tác cấp giấy xác nhận nguyên liệu (S/C) và giấy chứng thư an toàn thực phẩm (H/C) phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu hải sản sang EU.
Công văn nêu rõ, rất nhiều doanh nghiệp mua cá ngừ vây vàng (yellowfin) nhưng không xin được giấy S/C. Lý do theo giải thích của các Ban quản lý Cảng cá, cá size (cỡ) nhỏ mới đúng là cá ngừ vây vàng, còn cá có size lớn không phải là cá ngừ vây vàng nên cảng cá không cấp S/C. Tuy nhiên, VASEP cũng không tìm thấy có quy định cụ thể nào quy định việc phân biệt hay phân loại cá ngừ vây vàng theo size cỡ như vậy.
Hơn nữa, với lý do triển khai quyết liệt chống IUU (đánh bắt bất hợp pháp) để gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu, nên một số Ban quản lý Cảng cá không cấp giấy S/C theo số lượng thực tế mà doanh nghiệp đã thu mua, mà chỉ cấp theo số lượng ít hơn. Thậm chí, hiện một số cảng cá ngưng cấp giấy S/C cho các lô nguyên liệu của tàu khai thác dài ngày (trên 1 tháng).
Ngoài ra, VASEP cũng cho biết một số doanh nghiệp đang gặp vướng mắc khi không xin được giấy H/C đối với các lô hàng có nguyên liệu từ tàu khai thác dài ngày.
Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 4 nghi ngại rằng thời gian từ lúc bắt đầu khai thác đến bốc dỡ nguyên liệu khi cập cảng của tàu cá kéo dài (từ 3-5 tháng) sẽ không đảm bảo an toàn thực phẩm; thời gian trên giấy S/C và trên nhật ký khai thác có sự sai lệch nhau.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp