28/04/2021 15:03
Xe con Trung Quốc 'đổ bộ' vào Việt Nam: Nhiều người mừng, lắm kẻ lo!
Chỉ 3 tháng, hơn 500 xế hộp Trung Quốc vào Việt Nam khiến nhiều người mừng, nhưng cũng lắm kẻ lo, mừng vì giá rẻ nhưng lo vì thương hiệu mới và đa số mẫu xe không có doanh số tốt tại chính quốc.
Với mức giá rẻ, công nghệ ngập tràn và thiết kế bắt mắt, liệu xe hơi Trung Quốc có làm mưa, làm gió được ở Việt Nam như kịch bản xe máy nước này đã làm trong những năm 2000 hay không?
Thực lực ngành xe hơi Trung Quốc
Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã và đang trở thành một đế chế lớn trong ngành xe hơi thế giới với quy mô sản xuất lớn, sản lượng cao và sức tiêu thụ của thị trường hàng tỷ dân.
Từ con số hơn 10 triệu chiếc năm 2015, đến 2019 ngành xe hơi Trung Quốc đã đạt lượng sản xuất hơn 25,7 triệu chiếc, đứng số 1 thế giới về quy mô, sản lượng và sức tiêu thụ. Hiện, Trung Quốc là công xưởng sản xuất, lắp ráp của hầu hết các hãng xe lớn của Đức, Mỹ, Nhật, Hàn hoặc Thụy Điển.
Các thương hiệu hàng đầu như Audi, Tesla, Ford, Toyota, Volkswagen, Volvo... đều có những nhà máy lớn hoặc cực lớn ở Trung Quốc để cung ứng sản lượng xe lớn ra thị trường tỷ dân.
Nhờ lợi thế thị trường lớn, Trung Quốc từ một nước chủ yếu gia công, lắp ráp ngành xe hơi nước này có tỷ lệ nội địa hóa rất cao nhờ chính sách bắt buộc liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp xe hoặc doanh nghiệp phụ trợ nội địa Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang phát triển hàng loạt tập đoàn xe hơi trong nước như Great Wall, SAIC, BAIC, Changan, BYD và Dongfeng nhanh chóng chuyển rất nhiều dòng xe, mẫu xe sang các biến thể xe điện.
Hiện, mẫu xe Trung Quốc thành công nhất tại thị trường nội địa là Haval, một số dòng xe nội địa của Trung Quốc hiện cũng được xuất khẩu sang châu Âu, Úc, Malaysia và một số nước Đông Âu và Nam Á.
Do là thị trường lớn, được sự coi trọng và hiện diện của hầu hết các hãng xe hàng đầu, nên sự cạnh tranh của các hãng xe hơi tại Trung Quốc cực kỳ khắc nghiệt. Xe nội địa chỉ chiếm % thị phần ít ỏi, hầu như không được đánh giá cao, muốn có thị trường, hầu hết các mẫu xe nội địa đều phải liên doanh với đối tác ngoại để xuất khẩu ra nước ngoài.
Đơn cử là trường hợp của Foton, Geely đang kết hợp với nhiều hãng xe của Malaysia để sản xuất các mẫu xe tại đất nước này. Hay SAIC kết hợp với Volkswagen sản xuất các mẫu xe của MG, SAIC xuất khẩu sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Thực tế, quy mô và sức mạnh của ngành sản xuất xe hơi Trung Quốc đang là rất lớn, thậm chí có thể đè bẹp bất cứ nền sản xuất ô tô của một quốc gia nào nếu thực hiện tự do hóa dòng thuế, trong đó Úc là một thí dụ điển hình. Ngành xe hơi Úc có tuổi đời khá lâu, nhưng đến năm 2017 đã sụp đổ bởi xe giá rẻ từ Thái Lan và Trung Quốc tràn vào ồ ạt do bỏ thuế nhập khẩu khi nước này ký FTA.
Xe con Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Thực tế, theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, thị trường xe hơi tại Việt Nam đang có nhiều đặc điểm được cho là điểm yếu: Giá xe cao, tính đa dạng của sản phẩm xe thấp, thị phần bị chi phối trong tay vài hãng và ít có thương hiệu nội địa mạnh.
Với yếu điểm giá xe cao, nếu xe nhập từ nước ngoài vào Việt Nam bỏ giá thấp, sự cạnh tranh sẽ gay gắt và người tiêu dùng sẽ có sự lựa chọn xe giá rẻ. Bằng chứng các mẫu xe nhập về Việt Nam từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia từ năm 2018 với mức giá rẻ đã khiến hàng loạt các hãng xe liên doanh, lắp ráp trong nước điêu đứng, phải tái cấu trúc, giảm giá xe trong nước.
Đối với xe Trung Quốc, hiện mức thuế nhập vào Việt Nam từ các dòng xe Trung Quốc vẫn rất cao từ 47% đến 70% theo thuế quan MFN của WTO đối với các nhóm hàng nhạy cảm cao. Chính vì điều này, giá xe Trung Quốc khó có thể vào Việt Nam với giá rẻ hơn mức hiện tại để phá vỡ hoặc thao túng thị trường.
Việc các dòng xe Trung Quốc vào Việt Nam với giá rẻ đang đem đến một lựa chọn khác cho người tiêu dùng. Mức giá xe rẻ hơn, công nghệ xe tương đối và chất lượng xe ở mức trung bình, điều này giúp bộ phận người dân cần sở hữu, mua xe hơi đi lại có thể dễ dàng hơn.
Dù số lượng xe nhập từ Trung Quốc hiện vẫn chưa được coi là thách thức đối với ngành xe hơi trong nước, song nhiều chuyên gia chỉ ra các điều kiện cần và đủ để xe nước này tràn vào Việt Nam. Cụ thể:
Thứ nhất, các hãng xe Trung Quốc có thể liên doanh với một doanh nghiệp xe trong nước để sản xuất một mẫu xe như đã làm với Malaysia hoặc 1 số hãng xe tải ở Việt Nam. Nếu điều này xảy ra, chắc chắn thị trường xe Việt sẽ có nhiều xáo trộn.
Thứ hai là khả năng xe Trung Quốc nhập ồ ạt vào Việt Nam trong tương lai không xa là điều được dự báo trước khi Việt Nam cùng 10 nước thành viên ASEAN cùng đặt bút ký RCEP, nơi Trung Quốc là thành viên sáng lập, với nhiều cơ chế thương mại tự do song và đa phương đối với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.
Thứ 3 là thị trường xe điện tại Việt Nam đang rất lớn, Trung Quốc lại đang vươn mình trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới với hàng loạt liên doanh, cũng như hãng xe nội địa sản xuất được xe điện. Một khi người tiêu dùng đón nhận, cơ sở hạ tầng xe điện phát triển và công nghệ pin thay đổi, các dòng xe điện Trung Quốc có thể xuất hiện ở Việt Nam nhiều hơn, rẻ hơn.
Điều này có thể tạo nên nỗi lo cho các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam nếu chậm chuyển mình hoặc chỉ muốn Chính phủ thực hiện chính sách bảo hộ thị trường xe trong nước.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement