04/02/2020 07:34
Xăng dầu và thịt lợn làm tăng rủi ro lạm phát trong năm 2020
Rủi ro lạm phát 2020 từ diễn biến khó lường của giá xăng dầu, thịt lợn cùng với khuynh hướng tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý.
Trên cơ sở kiên định mục tiêu chính sách tiền tệ là kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát cơ bản năm 2020 dự kiến sẽ tiếp tục ổn định, trong khoảng 2,2% đến 2,5%. Lạm phát tổng thể năm 2020 dự báo sẽ trong khoảng 3,5% đến 4%. Các tổ chức quốc tế cũng cùng chung nhận định với nhóm nghiên cứu, ADB và IMF dự báo lạm phát của Việt Nam lần lượt ở mức 3,5% và 3,7%.
Mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới được dự báo tiếp tục suy giảm. Do sức cầu thế giới yếu đi, chỉ số giá cả của hầu hết các nhóm hàng cơ bản như năng lượng, nông sản, kim loại nhìn chung sẽ giữ nguyên hoặc giảm nhẹ.
Cụ thể, theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) (2019), giá năng lượng và kim loại đã giảm trong năm 2019 và sẽ tiếp tục xu hướng giảm, còn giá nông sản sẽ không có nhiều thay đổi trong năm 2020.
Rủi ro lạm phát Việt Nam năm 2020 chủ yếu xuất phát từ diễn biến khó lường của giá xăng dầu và giá thịt lợn cùng với khuynh hướng tăng giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Diễn biến giá xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào biến động giá thế giới.
Giá thịt lợn và các thực phẩm chế biến từ lợn tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý, giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục dự kiến sẽ tiếp tục có những điều chỉnh tăng trong năm 2020.
Giá xăng dầu trong nước năm 2020 sẽ biến động cùng chiều với giá thế giới. Các kết quả dự báo của các tổ chức quốc tế về giá dầu thế giới khá đa dạng, song chủ yếu nghiêng về xu hướng giảm. Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent và giá dầu WTI sẽ lần lượt ở mức bình quân là 61 USD/thùng và 55 USD/thùng vào năm 2020, tức giảm khoảng 2-3 USD/thùng so với năm 2019.
Sự sụt giảm giá dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi những biến động ở cả hai phía cung và cầu. Bối cảnh kinh tế thế giới trên đà suy giảm ảnh hưởng tiêu cực đến cầu nhiên liệu. Về phía cung, mặc dù các nước OPEC có thể thoả thuận cắt giảm sản lượng, tình trạng một số nước như Nigeria hay Iraq không tuân thủ nghiêm túc thoả thuận trong thời gian qua làm dấy lên lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu chung.
Ngoài ra, sản lượng dầu ở mức cao của các nước ngoài OPEC có thể đủ bù trừ cho sự cắt giảm sản lượng của OPEC cũng là cơ sở cho những dự báo về nguồn cung dồi dào, gây áp lực giảm giá dầu. Theo kịch bản giá dầu thế giới giảm, điều này sẽ tác động đến mặt bằng giá xăng dầu trong nước, giá nhiên liệu do đó sẽ giảm 3% so với năm 2019, trực tiếp đóng góp -0,1% vào lạm phát tổng thể.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng giá nhiên liệu có thể gia tăng do ảnh hưởng của những sự kiện địa chính trị, tương tự như cuộc tấn công vào các mỏ dầu ở Arab Saudi vào tháng 9/2019, hoặc các diễn biến kinh tế tích cực, chẳng hạn như thương chiến Mỹ-Trung giảm căng thẳng.
Giá thịt lợn là nhân tố khó lường và là một trong những rủi ro lớn với kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Cung thịt lợn sẽ trở nên dồi dào hơn trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn khi việc chăn nuôi có lãi trở lại và khuynh hướng nhập khẩu thịt lợn gia tăng. Khi sự mất cân bằng cung cầu không còn lớn như trước, giá thịt lợn sẽ hạ nhiệt so với cuối năm 2019.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chưa có vaccine phòng ngừa, dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát trở lại, khiến giá thịt lợn biến động khôn lường. Giá cả nhóm Thực phẩm dự kiến sẽ tăng khoảng 5%, tác động làm tăng 1,1% đối với lạm phát tổng thể năm 2020.
Giá gạo được dự báo sẽ không có nhiều biến động. Trong bối cảnh nguồn cung dồi dào, trong khi các thị trường lớn, thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia đều giảm nhập khẩu gạo, giá gạo dự kiến chỉ tăng nhẹ ở mức 1% đến 2%. Nhìn chung, giá cả nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống dự kiến sẽ tăng 4%, đóng góp 1,5 đpt vào lạm phát tổng thể năm 2020.
Dự báo giá điện sẽ tăng 5% trong năm 2020. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng tiếp tục tăng ở mức trung bình khoảng 10%/năm do tác động của quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá và sự cải thiện trong mức sống của người dân.
Giá xăng dầu làm tăng rủi ro lạm phát trong năm 2020. |
Mặt khác, do tình hình thời tiết diễn biến cực đoan, một số công trình điện lại chậm tiến độ vào vận hành, dự báo năm 2020 phải huy động thêm 3.397 tỷ kWh. Nếu giá điện sinh hoạt trong năm 2020 tăng 5%, tác động trực tiếp của sự tăng giá này sẽ khiến lạm phát tổng thể tăng thêm 0,13%.
Dự báo giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng. Các tỉnh, thành phố sẽ điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho phù hợp với thay đổi trong mức lương cơ sở và kết cấu chi phí. Giá cả nhóm Thuốc và dịch vụ y tế dự kiến tăng khoảng 5-7%, đóng góp 0,2% vào lạm phát tổng thể năm 2020.
Dự báo dịch vụ giáo dục tiếp tục lộ trình tăng giá. Căn cứ Nghị định 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021, các địa phương dự kiến sẽ tiếp tục tăng học phí trong năm học mới 2020-2021. Do đó, giá cả nhóm Giáo dục dự kiến sẽ tăng khoảng 10% trong năm 2020, đóng góp 0,5% vào lạm phát tổng thể năm 2020.
Mức lương cơ sở, lương tối thiểu vùng được tăng lên đáng kể trong năm 2020 có thể góp phần làm tăng kỳ vọng lạm phát. Căn cứ nghị định số 90/2019/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp năm 2020 tăng từ 5,1% đến 5,7% so với quy định hiện hành.
Mặt khác, kể từ ngày 1/7/2019, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, tức tăng 110 nghìn đồng/tháng, đây là mức tăng lương cơ sở mạnh nhất trong vòng 8 năm qua.
Advertisement
Advertisement