Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Xả súng ở Las Vegas: Khi cuộc vui biến thành thảm kịch

Vĩ mô

05/10/2017 06:30

Nhiều người đã háo hức chờ đợi, tiết kiệm tiền hoặc nghỉ làm để tới Las Vegas tận hưởng cuối tuần nhưng thay vào đó, họ trở thành nạn nhân vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử Mỹ.

Cuối tuần là dịp hoàn hảo để thoát khỏi cuộc sống thường ngày. Thành phố Las Vegas chính là điểm đến mơ ước, nơi các chương trình giải trí luôn sôi động và rực rỡ ánh đèn, trong đó có lễ hội nhạc đồng quê Route 91.

Đối với những fan chân chính của nhạc đồng quê, lễ hội âm nhạc kéo dài 3 ngày này là sự kiện không thể bỏ qua. Họ đã đổ về từ khắp nơi như Toronto, Tennessee, New Mexico và California.

Một số người đã bàn luận về chuyến đi từ hàng tháng trời, họ háo hức đếm từng ngày và hào hứng khoe với bạn bè về kế hoạch dự lễ hội.

Lễ hội âm thanh trở thành bẫy chết người

Trong những giờ cuối cùng trước khi lễ hội kết thúc vào tối 1/10, hàng nghìn người đã lặn lội tới sân khấu ở Las Vegas hốt hoảng nhận thấy họ đang ở dưới làn đạn.

Ngày cuối tuần vui vẻ đột nhiên trở thành cái bẫy chết người. Ít nhất 59 người có mặt đã thiệt mạng.

Nạn nhân là những người đồng nghiệp dù không thân thiết nhưng cùng chia sẻ tình yêu nhạc đồng quê. Họ là giáo viên, công chức, sĩ quan cảnh sát đang đi nghỉ.

Họ còn là những người bạn thưở thơ ấu cùng hẹn nhau đi xem ca nhạc, một bà mẹ hai con muốn tận hưởng cuối tuần lãng mạn bên chồng nên đã gửi bọn trẻ cho ông bà trông nom.

Một phụ nữ thắp nến tại khu vực tưởng niệm gần khách sạn Mandalay Bay ở Las Vegas, Mỹ, ngày 3/10. Ảnh: AFP/Getty.

Theo lời kể của một người bạn, Michelle Vo, người phụ nữ thiệt mạng trong vụ xả súng, vừa chia tay bạn trai và chuyển ra ở riêng. Cô định dành những ngày cuối tuần ở Las Vegas để gặp gỡ những người bạn mới.

"Cô ấy chỉ mới bắt đầu tận hưởng cuộc sống của riêng mình. Tôi không hiểu sao chuyện này lại xảy ra", Casey Lubin, 32 tuổi, bạn thân của Vo, nói.

Đối với một số người, kỳ nghỉ cuối tuần ở Las Vegas có ý nghĩa đặc biệt. Adrian Murfitt, 35 tuổi, đến từ Anchorage bang Alaska, vừa trải qua một mùa hè vất vả lênh đênh đánh cá trên biển.

Nhớ tới kỷ niệm đẹp khi tham gia Lễ hội Route 91 vào năm ngoái, anh đã đặt vé tới Las Vegas để tự thưởng cho bản thân sau thời gian làm việc chăm chỉ.

"Cậu ấy đã rất vui vẻ trong chuyến đi trước đó nên muốn tự thưởng cho mình sau mùa đánh cá bội thu", Shannon Gothard, chị gái của Murfitt, nói với New York Times.

Đối với vợ chồng Chris Muniz đến từ Gallup, New Mexico, lễ hội Route 91 là dịp để bày tỏ yêu thương. Năm ngoái, anh Muniz đã quên kỷ niệm ngày cưới của họ nên quyết định bù đắp cho vợ, Lisa Romero-Muniz, bằng chuyến đi tới Las Vegas.

Rosie Fernandez, bạn đồng nghiệp của Lisa ở trường trung học, cho biết cô đã nghỉ làm cả thứ 6 và thứ 2 để tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần lâu hơn.

"Cô ấy đã vô cùng vui sướng khi chồng mình nhớ ngày kỷ niệm và chuẩn bị mọi thứ", Fernandez nói.

Các nhà chức trách chưa xác định được tất cả những người thiệt mạng. Tuy vậy, với 59 người chết và khoảng 500 người bị thương, vụ xả súng tối 1/10 được nhận định là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Nỗi đau nhân lên gấp bội

Việc nhiều người đã háo hức chờ đợi, tiết kiệm tiền hoặc nghỉ làm để tới vui chơi ở Las Vegas vào buổi tối hôm đó càng khiến những ký ức đối với người thân của họ thêm đau xót.

Susan Smith, 53 tuổi, quản lý văn phòng tại một trường tiểu học ở Simi Valley, California, đã xin nghỉ phép để được nán lại tối hôm đó dự buổi ca nhạc với bạn bè.

Đến ngày 3/10, Smith đã không thể có mặt ở trường. Các học sinh đã mặc trang phục màu đỏ, trắng và xanh tới trường để tưởng nhớ cô.

Hình ảnh các nạn nhân trong vụ xả súng tối 1/10 ở Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: New York Times.

Cameron Robinson, 28 tuổi, cũng nghỉ làm ngày thứ 2 để tham gia lễ hội với bạn trai Bobby Eardley. Theo Brad Jerbic, một người bạn của gia đình, Robinson là tình nguyện viên thường xuyên tại các sự kiện của thành phố Las Vegas và mới được đề bạt hè năm ngoái.

Robinson bị bắn vào cổ và qua đời không lâu sau đó trong vòng tay của Eardley.

Ngay trong lúc hỗn loạn khi vụ việc bất ngờ xảy ra, mọi người đã vội vã tìm cách giúp đỡ người thân, bạn bè và thậm chí cả người lạ.

Gia đình cho biết trước khi bị bắn chết, Jack Beaton, ở Bakersfield, California, đã lấy thân mình che chắn cho vợ khỏi làn đạn.

Jake, con trai của Beaton, viết trên Facebook: "Con yêu cha rất nhiều. Cha hãy luôn luôn dõi theo gia đình ta. Mọi người sẽ mãi nhớ đến cha như một anh hùng!".

Khi Sonny Melton, 29 tuổi, và vợ anh, Heather Gulish Melton, nghe thấy tiếng súng ở Las Vegas vào tối 1/10, anh đã nắm lấy cô và bắt đầu chạy, cố che chắn cho cô khỏi những phát súng.

"Tôi thấy súng bắn ngay sau lưng mình. Lúc đó tôi gần như không thể thở nổi", Gulish Melton nói với WCYB đồng thời bày tỏ tự hào về người chồng dũng cảm của mình.

Người mất người còn

Trong giờ phút sinh tử, những người dự buổi hòa nhạc đứng trước lựa chọn sống còn: Chạy trốn hay nằm xuống đất? Gọi người giúp đỡ hay chờ đến khi sự việc qua đi?

Khi những tiếng súng đầu tiên nổi lên, chồng của Stacee Etcheber, Vincent, bảo vợ hãy chạy trốn. Là một sĩ quan của Sở cảnh sát San Francisco đang được nghỉ, ông đã quyết định ở lại giúp đỡ mọi người. Khi loạt đạn thứ 2 dội xuống, bà Etcheber, 50 tuổi, một thợ làm tóc, đã thiệt mạng.

Jessica Yerkey (phải), người có mặt tại lễ hội nhạc đồng quê Route 91, mang hoa đến đặt tại khu vực tưởng niệm ở Las Vegas Strip, Las Vegas, ngày 3/10. Ảnh: AFP/Getty.

Vụ xả súng xảy ra lúc lễ hội âm nhạc kéo dài 3 ngày sắp hạ màn. Một số người đã gói ghém đồ đạc để rời khỏi cuộc vui. Ngôi sao của buổi hòa nhạc, Jason Aldean, là một trong số những người cuối cùng khép lại buổi diễn đêm đó.

Jordan McIldoon, 23 tuổi, một thợ máy từ Maple Ridge, British Columbia, đã ở đó với bạn gái mình. Cha mẹ anh mong con trai sẽ về nhà vào ngày 2/10 nhưng thay vào đó, họ lại bay đến Las Vegas để nhận diện thi thể.

Gia đình của một nạn nhân, Kurt Von Tillow, 55 tuổi, nhớ tới ông như một người vô cùng yêu nước. "Ông ấy là người ái quốc nhất mà anh từng gặp", anh rể Mark Carson, nói với đài KCRA.

Von Tilow sống ở Cameron Park, một thị trấn nhỏ ở dãy núi Sierra gần thành phố Sacramento, California.

Một ngày sau vụ xả súng, bạn bè và gia đình đã tụ tập tại Câu lạc bộ Đồng quê Cameron Park, nơi ông từng là thành viên. Người thân trong gia đình cũng lập góc tưởng niệm với một lá cờ Mỹ và chơi bài quốc ca tại nhà riêng của ông.

"Có lẽ lúc này ông ấy đang khoác lá quốc kỳ màu trắng, đỏ, xanh trên người, tay cầm chai bia, mỉm cười với gia đình và nghe nhạc", Carson nói.

TUYẾT MAI (Zing)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement