02/06/2022 08:24
WHO tại Việt Nam: Nguy cơ bùng dịch đậu mùa khỉ tại châu Á là rất thấp
Theo Tiến sĩ Socorro Écalante, quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, dịch bệnh đậu mùa khỉ dự báo tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới tuy nhiên nguy cơ bùng dịch tại châu Á là rất thấp.
Tiến sĩ Socorro Écalante nhận định, dựa trên những gì chúng ta biết về loại virus này và phương thức lây truyền của nó, nguy cơ dịch đậu mùa khỉ bùng phát trên diện rộng ở châu Á là thấp. Cũng không có bằng chứng cho thấy bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan như COVID-19.
Tuy nhiên, WHO đang làm mọi cách để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường năng lực của hệ thống y tế công cộng nhằm phát hiện, ngăn chặn sự lây lan của bệnh này.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Socorro Écalante, hiện tại việc tiêm phòng vaccine đậu mùa được chứng minh hiệu quả phòng chống lại bệnh đậu mùa khỉ. Một loại vaccine mới phòng bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ đã được phê duyệt nhưng chưa được phổ biến rộng rãi.
WHO tiếp tục hỗ trợ phát triển các cơ chế toàn cầu để đảm bảo tiếp cận công bằng các biện pháp đối phó (vaccine, điều trị, chẩn đoán) dựa trên nhu cầu sức khỏe cộng đồng.
WHO khuyến nghị các quốc gia tăng cường theo dõi tình hình bệnh khi hoạt động du lịch quốc tế được khôi phục, các ca bệnh có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn.
Theo đó, các nước tăng cường giám sát và chuẩn bị cho công tác điều tra và truy vết; cảnh giác khi phát hiện trường hợp với các triệu chứng liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ như nổi mụn nước hoặc mụn mủ bất thường, thường đi kèm với sốt, tại các cơ sở y tế và cộng đồng, bao gồm cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng khám sốt, sức khỏe tình dục và da liễu.
Nâng cao nhận thức cộng đồng. Một người có các triệu chứng có thể là bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm hoặc bệnh nhân, hãy tư vấn cán bộ y tế.
Du khách nên được khuyến khích thông báo tình trạng bệnh tật trong khi đi du lịch hoặc khi trở về với chuyên gia y tế, bao gồm thông tin về tất cả các chuyến du lịch gần đây và việc tiêm chủng.
Người dân và du khách đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh cần tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ (động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng), không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã.
Bảo vệ nhân viên y tế và ngăn ngừa lây lan trong các cơ sở y tế. Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân nghi nhiễm hoặc được xác nhận mắc bệnh đậu khỉ nên được khuyến nghị để thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây truyền tiêu chuẩn, qua giọt bắn và tiếp xúc.
WHO cũng cảnh báo bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ lây lan mạnh tại châu Âu và nhiều nơi khác trong mùa hè này, khi các nước gỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các sự kiện và đi lại quốc tế sau thời gian áp dụng để phòng chống dịch COVID-19 có thể là một tác nhân khiến bệnh đậu mùa khỉ lây lan và khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây lan hơn nữa trong những tháng Hè - thời điểm diễn ra nhiều hoạt động đi lại, lễ hội hay tiệc tùng và mọi người tụ tập nhiều hơn.
Nhóm chuyên gia của WHO nhận định mức độ rủi ro với sức khỏe cộng đồng của bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là vừa phải. Đây là lần đầu tiên các trường hợp và cụm dịch được phát hiện cùng lúc ở nhiều khu vực địa lý khác nhau của WHO và không có mối liên hệ dịch tễ học.
Mục tiêu của WHO là kiềm chế đợt bùng phát hiện nay bằng cách ngăn chặn lây bệnh từ người sang người ở mức tối đa có thể.
Theo CNN, tính đến ngày 1/6, bệnh đã lây sang 30 quốc gia với 550 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên toàn thế giới.
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp