30/10/2023 10:32
Vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 10 tháng tăng 54%
Trong 10 tháng qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký cấp mới 2.608 dự án, vốn đăng ký đạt 15,29 tỷ USD, tăng 66,1% so với cùng kỳ về số dự án và 54% số vốn đăng ký.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2023, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 13,27 tỷ USD, chiếm 86,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 756 triệu USD, chiếm 4,9%; các ngành còn lại đạt 1,3 tỷ USD, chiếm 8,4%.
Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2023, Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với 3,1 tỷ USD, chiếm 20,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Singapore 3,09 tỷ USD, chiếm 20,2%. Trung Quốc 2,51 tỷ USD, chiếm 16,5%. Đài Loan 2 tỷ USD, chiếm 13,1%. Hàn Quốc 1,67 tỷ USD, chiếm 10,9%. Nhật Bản 725,4 triệu USD, chiếm 4,7%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.051 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 5,33 tỷ USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê cho biết, nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 17,53 tỷ USD, chiếm 85% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 902 triệu USD, chiếm 4,4%; các ngành còn lại đạt 2,19 tỷ USD, chiếm 10,6%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.836 lượt với tổng giá trị góp vốn 5,13 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.075 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,77 tỷ USD và 1.761 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,37 tỷ USD.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 1,53 tỷ USD, chiếm 29,9% giá trị góp vốn; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,31 tỷ USD, chiếm 25,4%; ngành còn lại 2,29 tỷ USD, chiếm 44,7%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2023 ước đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
"Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 10 tháng trong 5 năm qua. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 14,81 tỷ USD, chiếm 82,3% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,1 tỷ USD, chiếm 6,1%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 860,5 triệu USD, chiếm 4,8%", Tổng cục Thống kê nhận định.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 18,84 tỷ USD, chiếm gần 73,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 45,8% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các ngành tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ xếp thứ 3 và 4 với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,54 tỷ USD (gần 61,4 lần) và gần 907 triệu USD (tăng 6,3%). Còn lại là các ngành khác.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 10 tháng năm 2023. Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Bắc Giang, Bình Dương…
Trong đó, tháng 10 năm 2023, Quảng Ninh ghi nhận cấp 2 dự án đầu tư mới có vốn đầu tư lớn là Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko solar Hải Hà Việt Nam với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD và dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 690 triệu USD đã đưa Quảng Ninh dẫn đầu trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 10 tháng năm 2023 có 95 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 251,2 triệu USD, giảm 36,6% so với cùng kỳ năm trước; có 19 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 173 triệu USD, gấp gần 2,8 lần.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 424,4 triệu USD, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 151,6 triệu USD, chiếm 35,7% tổng vốn đầu tư; thông tin và truyền thông đạt 119,4 triệu USD, chiếm 28,1%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 84,4 triệu USD; chiếm 19,9%, theo VTC News.
Trong 10 tháng năm 2023 có 24 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Canađa là nước dẫn đầu với 150,2 triệu USD, chiếm 35,4% tổng vốn đầu tư; Singapore 120,1 triệu USD, chiếm 28,3%; Lào 115,2 triệu USD, chiếm 27,1%; Cuba đạt 11,8 triệu USD, chiếm 2,8%; Israel 6,1 triệu USD, chiếm 1,4%.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp