Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Nhà đầu tư Trung Quốc đã rót bao nhiêu tiền vào Việt Nam?

Báo cáo phân tích

08/09/2023 12:54

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đầu tư gần 1,3 tỷ USD vào 233 dự án tại Việt Nam, trở thành nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam sau Singapore và Nhật Bản.

Lũy kế đến ngày 20/6, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25 tỷ USD.

Hồi giữa tháng 8, ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Greenwich Management Limited (thuộc Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology - Trung Quốc) để triển khai xây dựng Nhà máy Innovation Precision tại VSIP Nghệ An.

Với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Innovation Precision Việt Nam dự kiến nhanh chóng xây dựng nhà máy chuyên sản xuất hợp kim nhôm cho ngành sản xuất điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh… để có thể đưa vào hoạt động từ tháng 10/2024. 

Theo ông Thôi Quốc Xương, Trợ lý đặc biệt Chủ tịch Tập đoàn Shandong, đây là dự án đầu tiên mà Shandong đầu tư ngoài Trung Quốc.

Nửa đầu năm, Trung Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam - Ảnh 1.

Nhà máy Goertek do Công ty TNHH Goertek (Hongkong) làm chủ đầu tư tại Bắc Ninh. Ảnh: Internet

Trước đó, nhân chuyến công du Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Khoa học kỹ thuật năng lượng mới Runergy. Cũng vẫn là Nghệ An được các nhà đầu tư Trung Quốc lựa chọn làm địa điểm dừng chân.

Với tổng vốn đầu tư 293 triệu USD, Runergy sự kiến sản xuất các loại linh kiện điện tử, bán dẫn, như thanh silic, tấm đĩa bán dẫn… tại Khu công nghiệp Hoàng Mai I. Theo kế hoạch, Dự án sẽ đi vào hoạt động từ giữa năm 2025.

Trong khi đó, thông tin cho biết, sau 3 năm gia nhập thị trường Việt Nam, nhà sản xuất xe máy điện của Trung Quốc là Yadea vừa ghi nhận dấu mốc quan trọng: xuất xưởng chiếc xe thứ 100.000 tại nhà máy ở Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang). 

Cùng với đó, kế hoạch mở rộng sản xuất, khởi công xây dựng nhà máy mới với quy mô 100 triệu USD tại Khu công nghiệp Tân Hưng vào cuối năm nay cũng được Yadea công bố. Yadea thậm chí còn có kế hoạch mở một trung tâm R&D ở Bắc Giang.

Đây là ba trong số hàng trăm dự án đã được nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện tại Việt Nam thời gian gần đây, đánh dấu sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ, nhất là kể từ sau khi nền kinh tế này chính thức mở cửa trở lại sau một thời gian dài áp dụng biện pháp Zero-COVID.

Không chỉ dừng lại ở đó, chắc chắn, sẽ có thêm nhiều khoản đầu tư lớn nữa từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam. Trong chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo hàng loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc, như Texhong, Runergy, Energy China, TCL…

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%). Việt Nam nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD.

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ, sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 89,1 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 30,8 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc chiếm 15,8% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 58,3 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 27,4 tỷ USD, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam.

Từ tháng 2/2020, do dịch COVID-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn.

Tới ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đến một số nước, trong đó có Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội - Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế, theo vietnamfinance.vn.

Trong tháng 8 năm nay, Việt Nam đã đón hơn 212.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 117% so với tháng 7/2023, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm lên gần 950.000 lượt khách.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement