01/11/2023 11:39
Vietjet báo lãi quý 3, đạt 95% kế hoạch doanh thu năm
CTCP Hàng không Vietjet (VJC) vừa công bố báo cáo quý 3/2023 với nhiều điểm sáng, doanh thu đạt 14.234 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ nhờ gia tăng lượng khách bay quốc tế.
Riêng doanh thu vận tải hàng không của Vietjet trong quý 3/2023 đạt 13.548 tỷ đồng, tăng 32% so với cùng kỳ; Doanh thu vận chuyển khách quốc tế, tăng 201% so với quý 2/2023 do hãng đã mở mới 7 đường bay quốc tế.
Các mảng đóng góp vào doanh thu như doanh thu phụ trợ và vận chuyển hàng hóa đạt 5.029 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu từ phí cước hành lý tăng 88% và doanh thu từ bán thức ăn trên tàu bay tăng 66%.
Tuy nhiên, do giá vốn hàng hóa ở mức cao, Vietjet chỉ thu về 1.240 tỷ đồng lợi nhuận gộp.
Theo báo cáo, doanh thu tài chính trong quý 3 của Vietjet tăng 49% lên 309 tỷ đồng. Các loại chi phí khác đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí tài chính tăng gấp 2,3 lần ở mức 548 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng gấp 4,3 lần, ở mức 618 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,3 lần.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, CTCP Hàng không Vietjet báo lãi 55 tỷ đồng trong quý 3/2023, tăng 30% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Vietjet thu về 43.737 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng, tăng lần lượt 59% và 2% so với cùng kỳ, tương ứng hoàn thành 87% kế hoạch doanh thu và 19,2% kế hoạch lợi nhuận năm, theo mekongasean.vn.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của Vietjet đạt hơn 76.500 tỷ đồng, tăng 11% so với số đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 33.866 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 42.671 tỷ đồng. Chiếm phần lớn cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn chiếm 57.759 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vietjet ở mức 61.324 tỷ đồng, tăng 15% so với số đầu năm, chủ yếu là nợ dài hạn chiếm 31.771 tỷ đồng, trong đó trái phiếu phát hành chiếm 15.650 tỷ đồng; khoản dự phòng phải trả dài hạn cũng tăng thêm 3.148 tỷ đồng lên 15.491 tỷ đồng. Chỉ số nợ vay/vốn chủ sở hữu 1,5 lần.
Về hoạt động bay, Vietjet cho biết trong quý 3/2023 đã khai thác 36.000 chuyến bay và vận chuyển hơn 6,8 triệu lượt hành khách, lần lượt tăng 2% và 5% so với cùng kỳ. Số lượng khách quốc tế đạt 2,3 triệu lượt khách, tăng 10% so với quý 3/2019 và 127% so với quý 3/2022.
Mảng vận chuyển hàng hóa ghi nhận 20.300 tấn, tăng 76% so với quý 3/2022.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, Việt Nam đón 23,7 triệu lượt khách quốc tế qua các cảng hàng không, tăng gần 267%. Các hãng hàng không Việt Nam đã vận chuyển 11,5 triệu khách, trong đó, Vietjet đóng góp hơn 51% với 5,9 triệu khách.
Đội tàu bay của Vietjet có 103 tàu, bao gồm 18 tàu bay khai thác tại Thái Vietjet, 2 tàu bay mới đang giao hàng. Các chuyến bay của hãng đạt hệ số sử dụng ghế bình quân cao trên 85% và độ tin cậy kỹ thuật 99,72%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 20.300 tấn, tăng 76% so với cùng kỳ, chiếm 23% thị phần hàng hóa do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển.
Vietjet ghi dấu ấn là hãng hàng không đầu tiên có đường bay kết nối Việt Nam với 5 thành phố lớn nhất Australia, bao gồm Perth, Adelaide, Brisbane, Melbourne và Sydney. Hãng đã mở 7 đường bay quốc tế mới trong quý 3/2023, nâng tổng số đường bay lên 125 (45 đường bay quốc nội và 80 đường bay quốc tế).
Bên cạnh đó, Vietjet cũng ký các hợp đồng vay tài chính với một số tổ chức, quỹ nước ngoài để mua 3 máy bay A321NEO thế hệ mới và các máy bay Boeing và Airbus khác trong năm 2024,2025, thay dần các máy bay A320 cũ.
Trong quý 3/2023, Vietjet cũng đã đạt thỏa thuận sơ bộ với 3 nhà đầu tư tổ chức trong nước về việc cam kết đầu tư 100 triệu USD, giúp Vietjet tăng cường năng lực tài chính từ nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, đầu tư, mở rộng mạng bay và đội tàu bay. Dự kiến giao dịch đầu tư sẽ được hoàn tất trong quý 4/2023, theo Dân trí.
Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch chiều 31/10, cổ phiếu VJC của Vietjet đang ở mức 99.000 đồng/cổ phiếu.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp