29/08/2021 15:49
Việt Nam nhập siêu hơn 3,7 tỷ USD sau 8 tháng
8 tháng vừa qua, khu vực kinh tế trong nước ước nhập siêu gần 10,4 tỷ USD trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại xuất siêu gần 16,7 tỷ USD.
Theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố, Việt Nam nhập siêu ước đạt 3,71 tỷ USD trong 8 tháng. Trong số đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 20,36 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 16,65 tỷ USD. Riêng tháng 8 nhập siêu 1,3 tỷ USD.
Điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng. Ảnh: Báo Thái Nguyên. |
Tổng cục Thống kê nhận định làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải tiếp tục thực hiện giãn cách, đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 26,2 tỷ USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm gần 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm gần 2%.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 212,6 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 55,7 tỷ USD, tăng gần 11%, chiếm hơn 26% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 156,9 tỷ USD, tăng gần 26%, chiếm gần 74%.
8 tháng vừa qua ghi nhận 30 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 1 tỷ USD, chiếm gần 92% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó, 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD.
Cụ thể, điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 35,7 tỷ USD, chiếm gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 31,3 tỷ USD, tăng gần 13%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 23 tỷ USD, tăng gần 50%;
Về cơ cấu, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 1,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Nhóm hàng công nghiệp chế biến có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 189,3 tỷ USD, tăng gần 23%, chiếm 89,1%. Nhóm hàng nông sản, lâm sản có kim ngạch xuất khẩu ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng gần 15%, chiếm 7,2%. Nhóm hàng thủy sản đạt 5,6 tỷ USD, tăng 7,1% và chiếm 2,6%.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong 8 tháng vừa qua, với kim ngạch đạt 62,2 tỷ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, với kim ngạch ước đạt 32,7 tỷ USD, tăng gần 20%. Tiếp đến là thị trường EU đạt 26,1 tỷ USD, tăng gần 15%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 27,5 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng hơn 24%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng gần 20%.
Tính chung 8 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 216,3 tỷ USD, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,1 tỷ USD, tăng hơn 29%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,2 tỷ USD, tăng hơn 36%.
8 tháng vừa qua có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng gần 89% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó, điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 46,2 tỷ USD, tăng hơn 19% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 22% tổng kim ngạch nhập khẩu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng ước đạt 31,2 tỷ USD, tăng 35,5%; điện thoại và linh kiện ước đạt 12,5 tỷ USD, tăng gần 43%.
Về cơ cấu, nhóm hàng tư liệu sản xuất có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 204,2 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 94% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong số đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 96,6 tỷ USD, tăng hơn 27% và chiếm gần 45%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 107,6 tỷ USD, tăng gần 42% và chiếm gần 50%; nhóm hàng tiêu dùng ước đạt 12,1 tỷ USD, tăng 24% và chiếm gần 6%.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 72,5 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là thị trường Hàn Quốc đạt 34,6 tỷ USD, tăng gần 21%. Thị trường ASEAN xếp thứ 3, với kim ngạch ước đạt 28,2 tỷ USD, tăng hơn 47%.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp