28/12/2020 14:36
Việt Nam đặt mục tiêu tăng tưởng năm 2021 hơn 6%
Năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng khoảng 6%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%.
Sáng nay, 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương. Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế, xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 4 năm trước đó.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh năm 2020, dưới tác động của COVID-19, khi nhiều nước trong khu vực và trên thế giới rơi vào suy thoái, Việt Nam là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng dương. Dịch bệnh trong nước được kiểm soát vững chắc. Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta đã đạt được 'mục tiêu kép'trong phòng chống dịch COVID-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12. Ảnh: VGP. |
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP. Riêng năm 2020, dù khó khăn bởi COVID-19 và sự suy thoái nghiêm trọng của kinh tế thế giới, kinh tế nước ta vẫn duy trì tăng trưởng dương xấp xỉ gần 3%. Thủ tướng cho biết theo tính toán của IMF, quy mô kinh tế nước ta giờ đây đã đạt hơn 340 tỷ USD – đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Còn số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm trong giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.
Hiện thu nhập bình quân mỗi lao động đạt gần 5.000 USD một năm. Đánh giá theo tiêu chuẩn của WB tính theo sức mua tương đương, thu nhập trung bình của người dân Việt Nam tương đương gần 9.000 USD.
Tăng trưởng kinh tế nay đã không còn phụ thuộc nhiều vào riêng một thành phần kinh tế nào, mà vai trò của kinh tế tư nhân đang từng bước được khẳng định. Đặc biệt, trong bối cảnh COVID-19, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á, với những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động đánh giá đúng tình hình, coi phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; đề ra các giải pháp kịp thời, kiên quyết, sớm hơn và cao hơn mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp diễn biễn dịch với phương châm “4 tại chỗ”.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2021 và thời gian tới, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết năm 2021 có nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021 - 2030.
Đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19 sớm nhất là nhiệm vụ hàng đầu Chính phủ đặt ra năm 2021. Ảnh: TT |
Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu và những thách thức lớn đối với thương mại, đầu tư, tăng trưởng.
Chính phủ đặt 12 chỉ tiêu cụ thể cho năm 2021. Trong đó GDP tăng khoảng 6%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1-1,5 điểm phần trăm so với năm 2020...
Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đưa ra là tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Đặc biệt đẩy nhanh việc nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong phát triển vaccine và có giải pháp để người dân tiếp cận vaccine phòng dịch COVID-19 sớm nhất. Kiểm soát chặt các nguồn bệnh từ bên ngoài và xem xét mở lại các đường bay thương mại quốc tế khi điều kiện cho phép.
Một nhiệm vụ trọng tâm là chủ động bố trí nguồn lực, triển khai phù hợp các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.
Hội nghị Chính phủ với các địa phương cũng sẽ xem xét các Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị giải pháp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Báo cáo kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng năm 2020. Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử 2019 - 2021, định hướng 2025…
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp