10/11/2020 15:20
Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP chỉ trong gần 5 năm
Theo Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Tại phiên giải trình và trả lời chất vấn sáng nay, 10/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong gần 5 năm, cả nước đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP, kinh tế vĩ mô ổn định.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh 5 năm qua, Việt Nam đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở đồng bằng sông Cửu Long, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở miền Trung và đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch VOVID-19.
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá.
Trong hơn 4 năm, Việt Nam có gần 350.000 doanh nghiệp thành lập mới. Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD. Ảnh: Báo Thanh tra |
Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất.
Trong hơn 4 năm qua, tổng số doanh nghiệp được thành lập mới đạt gần 350.000. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng vốn đạt gần 10 triệu tỷ đồng. Từ đây, Việt Nam đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới. Năng suất lao động tăng 5,8% mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. Trên tiêu chuẩn của Ngân hàng thế giới so sánh mức sống với các nước, thu nhập của người Việt Nam đã tương đương gần 9.000 USD (tính theo ngang bằng sức mua).
Việt Nam hiện nay đã có hàng trăm doanh nghiệp quy mô tài sản từ hơn trăm triệu đến hàng tỷ đô la, trong đó có nhiều tập đoàn chế tạo, công nghệ thông tin, viễn thông... Các tập đoàn hàng đầu Việt Nam còn đang tích cực tham gia đầu tư vào lĩnh nông nghiệp, hứa hẹn đem lại những đột phá lớn về chuỗi cung ứng, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
Đáng chú ý ngày 19/12 tới đây, tại Bình Phước sẽ khánh thành nhà máy chế biến thịt gà với vốn đầu tư 160 triệu USD, công suất 100 triệu con/năm, lớn nhất thế giới. Thủ tướng cho biết chỉ trong gần 5 năm qua, cả nước có trên 60 nhà máy chế biến hiện đại được xây dựng và đi vào hoạt động.
Một điểm nổi bật là quy mô tăng trưởng của thị trường chứng khoán. Đầu năm 2016 chỉ đạt 500 điểm, đến tháng 4/2018 đã đạt kỷ lục 1.200 điểm. Năm 2020, tác động của đại dịch COVID-19 và suy thoái của kinh tế toàn cầu, VN-Index vẫn duy trì ở mức trên dưới 950 điểm.
Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt trên 100% GDP. Ảnh minh họa: Vietstock |
Quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán đạt trên 100% GDP, trong đó riêng thị trường cổ phiếu xấp xỉ 70% GDP, giúp bổ sung thêm khoảng 115 tỷ đô la vào tài sản quốc gia so với cách đây 4 năm.
"Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp dưới 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các yếu tố nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng",Thủ tướng khẳng định
Trong xu thế hiện nay, Thủ tướng cho rằng phải không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng giảm thiểu rủi ro, chi phí và các thủ tục... để củng cố hơn nữa niềm tin và sự lạc quan của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là lành mạnh hóa hơn nữa hệ thống tài chính- ngân hàng, áp đặt kỷ luật đối với các ngân hàng yếu kém để giảm rủi ro, giảm mặt bằng lãi suất, chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Nói về mục tiêu tăng trưởng 2021 khoảng 6% mà đại biểu Quốc hội nêu, Thủ tướng cho rằng ông nhận thấy mức tăng trưởng này còn khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước, nhất là xuất phát từ mức thấp của năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hàng loạt hạ tầng trọng yếu, như đường bộ cao tốc Bắc – Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc liên kết vùng, các tuyến đường sắt đô thị, v.v… đang được tập trung đầu tư. Thủ tướng thông tin trước Quốc hội, phấn đấu đến 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. |
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp