24/09/2020 09:41
Việt Nam cần đề phòng bẫy thu nhập trung bình
Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, cho biết Việt Nam cần đề phòng bẫy thu nhập trung bình để đạt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Ông Don Lam, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc Quỹ đầu tư VinaCapital, Phó ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, có cuộc trao đổi với Zing về tình hình kinh tế trong bối cảnh đại dịch và kế hoạch trở thành nước phát triển vào năm 2045 của Việt Nam.
Ông nhấn mạnh rằng bẫy thu nhập trung bình là vấn đề ngăn cản hầu hết nền kinh tế mới nổi trở thành nước phát triển. Để tránh mắc bẫy, Việt Nam cần đẩy mạnh chuỗi giá trị nhằm tạo ra những sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao hơn.
Thúc đẩy chuyển đổi số
-Theo ông, đại dịch COVID-19 tác động thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, công ty khởi nghiệp?
- Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều biến động đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực như du lịch, khách sạn, giải trí và ăn uống. Những hạn chế đi lại cũng gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn vốn mới từ các nước khu vực.
Do không thể dự đoán được thời gian ảnh hưởng của đại dịch và khả năng duy trì nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN), startup sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc đưa sản phẩm mới tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp startup thử nghiệm và khai thác những xu hướng mới của nền kinh tế như phối hợp trực tuyến, tự động hóa, an toàn dữ liệu, y tế từ xa, du học trực tuyến...
Do khó mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hiện tại, các công ty có thể dành nhiều nguồn lực hơn nhằm tối ưu hóa hoạt động để tiếp tục duy trì và chờ đợi cơ hội ở giai đoạn mới.
Chính vì vậy, họ sẽ xem xét cải tiến quy trình, ưu tiên tự động hóa và áp dụng công nghệ giúp giảm thiểu hoạt động tương tác trực tiếp giữa các cá nhân. Tất cả hoạt động thiết thực này có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Phần lớn công ty thành viên mà Quỹ VinaCapital Ventures đầu tư hiện chủ yếu cung cấp các giải pháp doanh nghiệp (B2B) nhằm tối ưu hóa và tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh cho khách hàng bằng cách ứng dụng những công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… Các công ty này đều phát triển ổn định và nhận được nhiều đề nghị rót vốn trong thời gian tới.
Khi dịch Covid-19 qua đi, các công ty xây dựng được chuỗi cung ứng ổn định và linh hoạt, có khả năng dự báo cung cầu, có quy trình quản lý nhân sự, trình độ ứng dụng công nghệ và giải pháp giữ chân khách hàng tốt sẽ là những cơ hội đầu tư tuyệt vời.
- Ông đánh giá thế nào về các gói cứu trợ giúp nền kinh tế chống đỡ dịch Covid-19 của Chính phủ?
- Các chính sách hỗ trợ, cho vay đối với người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch Covid-19 của Chính phủ tương đương những gói cứu trợ của các nước châu Á trong khu vực nếu tính theo mức thu nhập trung bình.
Tuy nhiên, báo chí trong nước cũng phản ánh rằng tính đến tháng 7, chỉ 25% trong số gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ dành cho người lao động và DNVVN đến tay những đối tượng cần nhất. Nguyên nhân là các quy trình và thủ tục giải ngân phức tạp.
Ông Don Lâm cho rằng cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả hơn. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do đó, chúng tôi đồng tình với các tư vấn của giới chuyên gia dành cho Chính phủ và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhằm đơn giản hóa quy trình để người dân, DNNVV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể dễ dàng tiếp cận gói cứu trợ.
Ngoài những biện pháp trên, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng thương mại trong nước nới lỏng chính sách cho vay đối với DNNVV bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn trong việc được đảm bảo khoản vay từ ngân hàng.
Một giải pháp khả thi cho vấn đề này là làm theo mô hình của Đức. Theo đó, Chính phủ Đức bảo lãnh khoản vay cho các DNNVV, giúp dòng tiền cần thiết được đến với những công ty bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Đề phòng bẫy thu nhập trung bình
- Ông nhận định ra sao về tầm nhìn trở thành nước phát triển vào năm 2045 của Việt Nam? Việt Nam nên có kế hoạch gì để đạt mục tiêu này?
- Việt Nam nằm trong số các quốc gia thu nhập thấp (LICs) nhiều năm và gần đây đã gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình (MICs). Tuy nhiên, Việt Nam có nguy cơ mắc phải bẫy thu nhập trung bình. Đây là vấn đề ngăn cản hầu hết nền kinh tế thị trường mới nổi trở thành nước phát triển.
Muốn tránh mắc bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam cần đẩy mạnh chuỗi giá trị nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn để xuất khẩu ra thế giới.
Hơn nữa, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện phải nhập khẩu hầu hết thành phần cao cấp cho quy trình sản xuất sản phẩm. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước để đáp ứng nhu cầu, trở thành chuỗi cung ứng địa phương cho những công ty FDI này.
Để đạt được mục tiêu xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và nâng cao chuỗi giá trị, Việt Nam cần cải thiện chất lượng giáo dục của các trường đại học Việt Nam, đặc biệt là đối với hệ thống giáo dục STEM (viết tắt của science, technology, engineering and mathematics - bao gồm các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
Thứ hai là cải thiện việc chuyển giao kiến thức từ công ty FDI sang doanh nghiệp công nghiệp địa phương. Các công ty FDI sử dụng nhiều lao động địa phương, nhưng Việt Nam nhận được ít những “lợi ích lan tỏa” từ đầu tư FDI.
Cuối cùng, Việt Nam cần phát triển các cụm công nghiệp trong nước theo chiến lược phát triển kinh tế của giáo sư Michael Porter tại Đại học Harvard. Nhóm của giáo sư Michael Porter đã nghiên cứu tình hình của Việt Nam và đưa ra báo cáo có tiêu đề The 2010 Vietnam Competitiveness Report (Báo cáo Năng lực Cạnh tranh Việt Nam 2010) với các lời khuyên chi tiết về cách mà Việt Nam có thể tăng tốc phát triển kinh tế và trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao
- Theo ông, các doanh nghiệp FDI đóng góp ra sao vào kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam?
- Khoảng 2/3 hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được sản xuất bởi các công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều sản phẩm trong số đó gần đây được biết đến với tên gọi Stay at Home Goods (các sản phẩm sử dụng tại nhà trong tình hình dịch Covid-19).
Những sản phẩm này bao gồm đồ nội thất, dụng cụ tập thể dục thể thao ở nhà, các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử cho văn phòng tại gia như máy tính xách tay, máy in, thậm chí là máy quay phim, micro phục vụ làm việc online.
Bài báo mới đây của New York Times với tiêu đề They’re Stuck at Home, So They’re Making Home a Sanctuary” (Mọi người bị mắc kẹt ở nhà, do đó họ biến ngôi nhà thành nơi trú ẩn), đề cập đến việc doanh số của các loại hàng hóa trên ở Mỹ và châu Âu tăng vọt do người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà hơn.
Doanh thu tăng vọt của các mặt hàng này kéo theo tăng trưởng xuất khẩu, sản lượng sản xuất và GDP của Việt Nam. Tất cả đều vượt trội so với những quốc gia cùng khu vực. Điển hình, sản lượng xuất khẩu của các sản phẩm công nghệ thông tin, điện tử đã tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 28 tỷ USD tính từ đầu năm đến nay. Riêng lượng hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ tăng gần 20%.
- Việt Nam cần làm gì để thu hút thêm làn sóng FDI chất lượng cao trong bối cảnh đại dịch?
- Việt Nam có những yếu tố thuận lợi giúp thu hút vốn FDI. Đó là lực lượng lao động chất lượng cao với chi phí hợp lý, sự ổn định chính trị xã hội và vị trí địa lý gần với các trung tâm sản xuất của Trung Quốc và Đông Nam Á. Tuy nhiên, để thu hút thêm nguồn vốn FDI chất lượng cao, Việt Nam cần cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chỉ số thuận lợi kinh doanh.
Về cơ sở hạ tầng, có thể kể đến một số dự án cần nhanh chóng hoàn thiện như cảng biển Cái Mép, cảng Cát Lái, Sân bay quốc tế Long Thành, đường vành đai quanh TP.HCM và Hà Nội, hệ thống giao thông công cộng cho người lao động...
Nguồn: Zing |
Về chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business), trong một cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đứng thứ 70/190 quốc gia, kém xa Malaysia và Thái Lan nhưng tương đương Ấn Độ và Indonesia. Việc thành lập tổ công tác đặc biệt thu hút vốn FDI gần đây nhằm xúc tiến việc cấp phép cho các dự án FDI là một ví dụ điển hình về những biện pháp mà Chính phủ có thể thực hiện để giảm các thủ tục hành chính phức tạp, cũng như những trở ngại mà các công ty nước ngoài phải đối mặt khi thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
Bên cạnh các giải pháp dài hạn nêu trên, một biện pháp mà Chính phủ có thể thực hiện ngay lập tức để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao là thành lập Cơ quan Xúc tiến Đầu tư (IPA), tích cực tiếp thị những lợi thế của Việt Nam - một điểm đến đầu tư hấp dẫn - đến rộng rãi các công ty đa quốc gia trên thế giới.
Cuối cùng, cần lưu ý rằng những giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng cao vẫn khả thi và không thay đổi trong tình hình dịch COVID-19.
Advertisement
Advertisement