16/09/2017 07:56
Viễn thông trắng đêm khắc phục sự cố sau bão số 10
Bão số 10 đi qua đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho ngành viễn thông.
Ứng cứu thông tin kịp thời
Trao đổi với người viết, thiếu tá Lưu Mạnh Hà, Phó TGĐ VTnet, công tác khắc phục sự cố đã được lên kế hoạch trước khi bão đến, tập trung vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Tại Quảng Bình, lúc cao điểm nhất chỉ có khoảng180 trạm bị gián đoạn, chiếm40%. Trung bình ở các tỉnh khác, con số này vào khoảng 20%. So với tình hình các cơn bão lớn khác đổ bộ vào Ninh Bình, Hà Nam khiến có lúc mất sóng 100%, thì bão số 10 rất mạnh, cấp 12, giật cấp 14-15 nhưng thiệt hại vẫn trong tầm kiểm soát.
Tại Hà Tĩnh hiện có 2 cột bị đổ, 1 nhà trạm hư hỏng. Trong đó, một cột do đơn vị xã hội hóa làm - các nhà mạng dùng chung cột này đều bị ảnh hưởng. Cột thứ hai là do trạm phát sóng truyền hình của xã Kỳ Anh đổ vào cột của Viettel.
Theo thống kê sơ bộ, đến 15h chiều 15/9, 5 tỉnh miền Trung có hạ tầng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 10 bao gồm Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trong đó, 2 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tâm bão đi qua là Hà Tĩnh và Quảng Bình, khiến 55% BTS tại 5 tỉnh bị sự cố do điện bị cắt, Viettel đã tiến hành chạy máy nổ tại 893 vị trí.
Đại diện nhà mạng MobiFone cho biết đã huy động toàn bộ nguồn lực tại các đài viễn thông ứng trực 24/24gtrước và sau bão, bên cạnh chuẩn bị và bổ sung đầy đủ vật tư, trang bị dự phòng, sẵn sàng ứng cứu thông tin. Cán bộ nhân viên và hàng trăm phương tiện, máy phát điện các loại của Tổng công ty được huy động ứng trực tại địa bàn từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi để bổ sung dự phòng khi nguồn điện bị cắt sau bão.
Riêng với VinaPhone, cùng với gia cố trạm phát sóng, trạm thời tiết thông minh của VNPT cũng đã được lắp đặt tại xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) và xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) để bổ sung thông tin sau bão.
Trạm thời tiết thông minh đã liên tục phát đi những thông tin theo thời gian thực về diễn biến và mức độ nghiêm trọng của cơn bão đến các cơ quan chức năng của các tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thông tin cụ thể về địa bàn ảnh hưởng của bão cũng như các chỉ số về lượng mưa, tốc độ gió, hướng gió và dự báo trong 24h tới sẽ được phát liên tục với tần suất 1giờ/tin.
Ngoài ra, VNPT kịp thời điều chuyển thiết bị điện thoại vệ tinh VinaPhoneS, có khả năng đảm bảo thông tin liên lạc tại bất cứ nơi đâu, không bị phụ thuộc vào điều kiện cơ sở hạ tầng, thời tiết, địa lý và cử người hỗ trợ các cơ quan chức năng vận hành thiết bị Inmarsat để điều hành công tác phòng chống bão lụt trên toàn địa bàn.
Lên phương án khắc phục nhiều tuyến cáp bị đứt
Song song với việc bổ sung trạm phát sóng di động, cùng với đưa vào các trạm thông minh, các nhà mạng cũng đã và đang lên phương án tốt nhất khắc phục đường truyền cáp quang bị đứt sau bão số 10.
Theo thống kê đến ngày 16/9, bão số 10 đã làm 213 tuyến cáp bị đứt, hiện đã tiến hành khắc phục được 20 tuyến. Tình trạng gián đoạn thông tin tại 5 tỉnh chiếm 12,1% với tổng 348/1619 vị trí bị gián đoạn. 4 huyện có tỉ lệ gián đoạn thông tin cao nhất là huyện Kỳ Anh (Hà Tình), Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình).
Bão số 10 cũng làm internet gián đoạn với các đơn vị cung cấp như FPT Telecom, SCTV, hiện các đơn vị cho biết đang từng bước khắc phục từ ngày 16/9.
Trong sáng nay 16/9, về cơ bản, bão đã dịu nhưng ở Hà Tĩnh gió vẫn giật cấp 5-6, Viettel đã bổ sung thêm 13 đội ứng cứu dự phòng nhằm khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt.
Theo đánh giá của PTGĐ VTNet Lưu Mạnh Hà, tình hình hiện tại, đêm ngày 15/9, mạng lưới có thể khắc phục được gần 80%, sang ngày 16/9 có thể khắc phục toàn bộ. So với các đợt ứng cứu trước đây, tốc độ triển khai khôi phục mạng lưới trong bão số 10 nhanh gấp 3 lần.
Advertisement