14/01/2023 10:49
Việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2023
Dự báo 2023 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị, điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức linh hoạt và thận trọng để hỗ trợ nền kinh tế hoàn thành mục tiêu kép.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, 2022 là năm "rất khác biệt" trong nhiều năm nay. Điểm khác biệt đầu tiên cần nói đến, đó là nền kinh tế vừa thoát ra hai năm khó khăn do dịch bệnh COVID-19, những tác động của dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đến nay, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, từ dòng tiền đến tình hình cung ứng nguyên vật liệu, vận tải,…
Thứ hai, khó khăn xung đột Nga-Ukraina cũng gây ảnh hưởng đến dòng tiền, nhiều doanh nghiệp khó khăn.
Thứ ba, chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng tăng lãi suất nhanh tại các quốc gia làm giá USD tăng cao. Lãi suất tăng lên làm dòng vốn dịch chuyển và các hoạt động trở nên không bình thường. Tất cả đã tác động tới điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và vĩ mô nói chung của Việt Nam.
Trước ba vấn đề lớn này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bám sát diễn biến để kịp thời điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ và giải pháp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát ở mức thấp (bình quân tăng 3,15%), hỗ trợ tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (trên 8%) và bảo đảm sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, theo NDO.
"Bất chấp môi trường toàn cầu và trong nước đầy thách thức, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Có được điều này là nhờ những nỗ lực to lớn của Chính phủ, đặc biệt NHNN đã điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tỷ giá để vượt qua các cơn gió ngược bên ngoài và trong nước", ông Francois Painchaud- Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam đánh giá.
Chung quan điểm như vậy, một chuyên gia ngân hàng dẫn ra ví dụ về hạn mức tín dụng để minh chứng cho sự linh hoạt, thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Trong những tháng đầu năm 2022, tín dụng tăng rất nhanh cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Bởi vậy, chỉ đến giữa năm đã có không ít ngân hàng đã "xài" hết hạn mức tín dụng được phân bổ đầu năm, nên liên tục đề nghị xin thêm room tín dụng.
Trong tháng cuối năm 2022, nhận thấy các tác động bất lợi từ bên ngoài dịu bớt, trong khi thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng cải thiện hơn, NHNN đã quyết định nới thêm room tín dụng 1,5-2% cho toàn hệ thống để đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đây là bước đi hợp lý của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ với mục tiêu xuyên suốt là kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục là một năm đầy khó khăn, thách thức khi kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái; trong khi áp lực lạm phát vẫn buộc các NHTW, đặc biệt là FED tiếp tục thắt chặt tiền tệ để ứng phó. Chưa kể đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, bất ổn địa chính trị gia tăng khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị gián đoạn…
Tất cả những điều đó đang đặt chính sách tiền tệ trước một bài toán nan giải, đó là phải làm sao kiềm chế lạm phát bình quân ở mức 4,5%, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng ở mức 6,5% như mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra; đồng thời phải đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, theo diendandoanhnghiep.vn.
Để hóa giải các áp lực đó, theo các chuyên gia, NHNN cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; song cũng cần hết sức thận trọng bởi áp lực lạm phát vẫn còn rất lớn.
Theo TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, áp lực vẫn rất lớn, nhất là từ bên ngoài, nhất là từ FED. Trong bối cảnh đó, NHNN nên tiếp tục điều hành chính sách linh hoạt gắn với minh bạch thông tin.
"Điều hành chính sách tiền tệ cần tôn trọng quy luật thị trường để đạt mục tiêu xuyên suốt ổn định kinh tế vĩ mô", ông Thành nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện dư địa hỗ trợ tăng trưởng của chính sách tiền tệ ngày càng hạn hẹp, vì thế chính sách tài khóa cần đảm nhận vai trò chủ công.
Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp