Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Đâu là thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2023?

Ngân hàng

02/01/2023 12:04

Trọng tâm chính sách của NHNN và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn giảm lãi suất, đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.

Năm 2022 đã khép lại với nhiều biến động lớn trong lĩnh vực ngân hàng. Năm 2023, theo dự báo của TS. Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái lớn. Tuy vậy, dự báo FED còn tiếp tục xu hướng tăng lãi suất trong năm 2023 và duy trì lãi suất ở mức cao cho đến cuối 2024.

"Dù mức độ và tác động do FED tăng lãi suất sẽ không còn dữ dội, nhanh, mạnh như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế còn dai dẳng trong năm 2023. Ngoài ra, trong nước, lạm phát lõi có dấu hiệu đáng quan ngại, mức tăng liên tục, mạnh khiến điều hành chính sách tiền tệ đối với 2023 không thể chủ quan", TS. Quang nhận định.

Thách thức lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2023 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong khi đó, nhận định về thách thức chính sách điều hành năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, với khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất, áp lực lãi suất và tỷ giá trong nước vẫn còn khá lớn. Trong khi đó, dư địa điều hành chính sách tiền tệ giảm dần do các công cụ đã được NHNN sử dụng gần hết, đặc biệt lãi suất điều hành đã tăng 2 lần với mức độ lớn.

Ngoài ra, thanh khoản ngân hàng không còn dồi dào, hệ số an toàn vốn (CAR) mỏng và nợ xấu có nguy cơ tăng cũng là những thách thức lớn trong điều hành chính sách tiền tệ năm nay, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực.

Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa lại cho rằng, áp lực lạm phát, tỷ giá toàn cầu năm 2023 sẽ giảm dần. Kinh tế Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi mạnh hơn dự báo. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất với nền kinh tế nước ta chính là các yếu tố nội tại.

Riêng với chính sách tiền tệ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thách thức lớn nhất năm tới chính là vấn đề lãi suất.

Mặc dù NHNN cho rằng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, song TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, lãi suất thực ở Việt Nam hiện nay đang quá cao.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 1 năm hiện nay khoảng 9,4%, nếu trừ đi lạm phát bình quân (3,15%) thì đang ở thực dương 6,25%. Còn lãi suất cho vay 1 năm hiện nay trung bình 12,5%, trừ đi lạm phát thì đang trên 9,3%, nếu cộng với biên độ biến động tỷ giá USD 3,81% thì đang dương 13%. Lãi suất thực (cho vay) trên 13%, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, là mức lãi suất cho vay "cao nhất nhì thế giới", khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh.

Với mặt bằng lãi suất này, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp nội địa sẽ đuối sức, nhường chỗ cho doanh nghiệp nước ngoài - vốn không phải chịu lãi suất cao của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Chính vì vậy, theo chuyên gia này, trọng tâm chính sách của NHNN và Chính phủ năm 2023 cần phải đi theo hướng giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Muốn giảm lãi suất, đồng nghĩa cung tiền phải tăng lên.

Liên quan đến câu chuyện lãi suất và tăng cung tiền, TS. Phạm Chí Quang cho biết, thời gian qua, Việt Nam liên tục nhận được nhiều cảnh báo từ các Tổ chức quốc tế như World Bank, IMF về mức độ rủi ro an toàn hoạt động ngân hàng do tỷ lệ đòn bẩy tài chính quốc gia (tổng dự nợ tín dụng trong GDP) thuộc nhóm cao nhất trong các nước có thu nhập trung bình thấp. Tỉ lệ này ở Việt Nam là 124%. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 12%/năm thời gian tới, tỷ lệ này sẽ còn gia tăng.

Trong bối cảnh năng lực tài chính của Việt Nam chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế (nhiều ngân hàng chưa đáp ứng đầy đủ quy định về Basel II mà vẫn còn trong lộ trình triển khai) thì tỷ lệ đòn bẩy này tăng dẫn tới nhiều rủi ro.

"Xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng", TS. Phạm Chí Quang nhận định, theo Báo đầu tư.

Tại Việt Nam, việc vừa phải thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát, vừa phải đảm bảo thanh khoản phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ rất khó khăn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Vì thế, những nỗ lực của NHNN trong việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Chính sách tiền tệ linh hoạt kết hợp với chính sách tài khóa thận trọng cùng với việc triển khai các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu đã góp phần kiểm soát lạm phát có hiệu quả, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà cho nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, theo thoibaonganhang.vn.

Với bối cảnh trên, các phản ứng chính sách tới đây cần hướng tới sự cân bằng giữa kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của khu vực tài chính. Trong năm 2023, tôi cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Mặc dù dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, nhưng đang hẹp dần lại vì lạm phát vẫn đang trên đà đi lên. Do đó, duy trì sự ổn định giá cả cần là trọng tâm chính của chính sách tiền tệ. Nên tiếp tục cảnh giác với lạm phát vào năm 2023 và các đợt tăng lãi suất chính sách tiếp theo có thể vẫn cần được thực hiện nếu lạm phát tăng lên nhanh.

Trong khi đó, chính sách tài khóa cần ở vị trí tiên phong, hỗ trợ nhiều hơn nữa cho chính sách tiền tệ và thể hiện hơn nữa vai trò chủ đạo trong giai đoạn phục hồi của nền kinh tế. Để nền kinh tế phục hồi ổn định, Việt Nam cần kịp thời tháo gỡ những nút thắt nội tại, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông dòng vốn để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Bên cạnh việc NHNN cân nhắc nới room tín dụng cho các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, các cơ quan hữu quan cần sớm củng cố và khơi thông dòng vốn từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm lệ thuộc vào dòng tín dụng ngân hàng. Để cải thiện tính thanh khoản của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, giảm thiểu rủi ro, điều quan trọng là cần tiếp tục thực hiện các cải cách như thúc đẩy xếp hạng tín nhiệm, phát triển các quỹ trái phiếu doanh nghiệp và quỹ hưu trí, đồng thời thắt chặt các yêu cầu để trở thành một nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Cuối cùng, cần tăng cường hơn nữa các chính sách và biện pháp an sinh xã hội, gia tăng sức chống chịu cho lực lượng lao động, đặc biệt là các đối tượng bị mất việc làm do các doanh nghiệp không có đơn đặt hàng mới, và những người lao động ở khu vực không chính thức.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement