Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vì sao Trung Quốc bỗng nhiên thay đổi thái độ với tỷ phú Jack Ma?

Doanh nhân

17/12/2020 10:20

Alibaba, Tencent và một loạt gã khổng lồ internet phải đối mặt với sự giám sát mới của Trung Quốc về luật chống độc quyền và bảo mật thông tin.

Trong một báo cáo cách đây 5 năm, cơ quan quản lý kinh doanh của Trung Quốc đã cáo buộc Alibaba Group Holding bán hàng giả qua internet. Lúc đó, gã khổng lồ thương mại điện tử đã không ngần ngại chống lại cáo buộc này.

Alibaba công khai thách thức kết quả điều tra, đệ đơn khiếu nại và chống lại người đứng đầu bộ phận phụ trách điều tra. Sau đó, một cuộc ẩu đả công khai đã kéo dài suốt một tuần. Cụ thể, công ty chỉ trích viên chức này "không hợp lý" và "thiên vị". Cuối cùng, vụ tranh chấp kết thúc với việc cơ quan quản lý rút lại báo cáo.

Từ đó, mâu thuẫn giữa Alibaba và chính quyền cũng hình thành. Năm 2014, Alibaba IPO trên Sàn giao dịch chứng khoán New York. Đây được xem là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lớn nhất từ ​​trước đến nay, và là biểu tượng cho sự xuất hiện của kỷ nguyên công nghệ lớn của Trung Quốc

CEO Tencent Holdings Pony Ma và Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba Jack Ma tham dự sự kiện đánh dấu 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
CEO Tencent Holdings Pony Ma và Chủ tịch điều hành Tập đoàn Alibaba Jack Ma tham dự sự kiện đánh dấu 40 năm Trung Quốc cải cách và mở cửa tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Khi đó, Bắc Kinh không dám cản đường các nhà vô địch internet của họ, vì dịch vụ của công ty này đã phát triển đến mức có thể tiếp cận hàng trăm triệu người dùng và nâng cao uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Mạnh tay với các công ty công nghệ

5 năm sau, làn gió chính trị đã thay đổi. Sau nhiều năm phát triển trong ràng buộc và không ngừng gia tăng các tài sản mới, các tập đoàn internet lớn nhất Trung Quốc đã mở rộng sang hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, từ vận tải đến tài chính. 

Các công ty này từng được hưởng quyền miễn phí về các vấn đề quy định, nhưng giờ đây họ đang bị giám sát một cách kỹ lưỡng. Điều này chứng minh cho việc nhà nước đang khẳng định sự thống trị của mình một lần nữa.

Động thái mới nhất là các vụ việc liên quan đến tỷ phú Jack Ma, người sáng lập của Alibaba. Ông đã phải trả một cái giá đắt cho hành động công khai được cho là chống lại các nhà quản lý. 

Vài ngày sau khi Ma ví các ngân hàng truyền thống như hiệu cầm đồ, và so sánh khuôn khổ quy định tài chính hiện tại như "câu lạc bộ của những người già", các nhà quản lý đã đột ngột đình chỉ đợt IPO trị giá 34 tỷ USD của Ant Group, một sản phẩm của Alibaba mà Jack Ma là cổ đông kiểm soát.

Nếu IPO không bị tạm dừng, Ant sẽ lập một kỷ lục mới, là lần IPO lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều này đã không thể xảy ra. Quyết định ngăn chặn lần IPO đến từ lãnh đạo cấp nhất Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình.

Một tháng sau, Daniel Zhang, người kế nhiệm Ma với tư cách là CEO và Chủ tịch Alibaba, đã thực hiện một cuộc leo thang đầy cam go. Trong một diễn đàn do chính phủ lãnh đạo ở Chiết Giang, ông phải thay mặt công ty cam kết trung thành với chính quyền.

Với giọng điệu khiêm tốn, Zhang gọi các quy định mới cho các công ty internet là "kịp thời và cần thiết". Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ trong việc hỗ trợ công ty phát triển.

Ông Zhang nói: “Là một phần của nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, chúng tôi vừa là người kiến ​​tạo vừa là người hưởng lợi. Chúng tôi rất biết ơn thời đại này".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình trước logo của các công ty internet hàng đầu Trung Quốc Tencent, Baidu và Alibaba, trong Hội nghị Internet thế giới lần thứ tư tại Wuzhen, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện trên màn hình trước logo của các công ty internet hàng đầu Trung Quốc Tencent, Baidu và Alibaba, trong Hội nghị Internet thế giới lần thứ tư tại Wuzhen, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Reuters

Một điều rõ ràng là thế giới không xa lạ gì việc Trung Quốc can thiệp vào Internet. Cụ thể là Great Firewall, công cụ để Trung Quốc kiểm soát hệ thống Internet tại nước này. Tuy nhiên, cú đánh mạnh vào lần IPO của Ant là dấu hiệu thông báo cho một kỷ nguyên mới trong quy định đã đến gần. 

Điều này càng được khẳng định vào ngày 10/11, khi cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường, đưa ra một tài liệu 22 trang dự thảo hướng dẫn, nhằm ngăn chặn các nền tảng internet lớn. Kể từ đó, giá cổ phiếu của Alibaba, Tencent, Meituan và JD.com đã giảm từ 9% đến 17%.

Động thái tiếp theo diễn ra vào ngày 14/12, khi SAMR phạt Tencent Holdings 500.000 CNY (khoảng 76.000 USD). Cụ thể, Tencent bị cáo buộc đã không được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, khi công ty con China Literature mua lại công ty giải trí và truyền thông New Classics Media (Trung Quốc) vào năm 2018.

Alibaba cũng bị phạt số tiền tương tự, liên quan đến các khoản đầu tư vào Intime Retail, một chuỗi cửa hàng bách hóa, từ năm 2014 đến 2018.

Trước đây, những vụ việc như vậy thường bị "ngó lơ", vì không cản trở sự tăng trưởng của nền kinh tế internet. Nhưng suy nghĩ này đã thay đổi. 

Theo bản sửa đổi của luật chống độc quyền hiện hành, tiền phạt tối đa có thể lên tới 10% doanh thu của các công ty. Thay đổi này dự kiến ​​sẽ có hiệu lực vào năm tới. Dựa trên thu nhập của công ty vào năm ngoái, mức tiền phạt có thể lên đến hàng tỷ USD.

Victor Shih, Phó giáo sư tại Đại học California, San Diego, cho rằng các công ty internet của Trung Quốc không thể trông chờ vào sự cấm đoán của chính phủ nữa. Ông nói: “Ngay cả khi tất cả những quy định của Trung Quốc trông thực sự tốt, chính phủ Trung Quốc có thể can thiệp nếu họ nhận thấy rằng, các doanh nhân tư nhân không tuân theo đường lối của Đảng".

Dùng sức mạnh để chứng minh "ai là người nắm quyền ở Trung Quốc"

Shih cho biết, từ lâu chính quyền Trung Quốc đã có những lo ngại về các công ty Big Tech. Và giờ đây, cơ quan quản lý đã quyết định "dùng sức mạnh" trong một cuộc đàn áp sâu rộng trên các cổng internet, để chứng minh "ai là người nắm quyền ở Trung Quốc".

Tháng trước, một số cơ quan khác nhau đã đưa ra các quy định mới, nhằm điều chỉnh hành vi của các công ty internet trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như tài chính và truyền thông. Các phương pháp như chống cạnh tranh, tiếp thị quá mức trên các nền tảng phát trực tiếp, hay thu thập dữ liệu cá nhân bất hợp pháp,... của các ứng dụng dành cho thiết bị di động, chỉ là một vài trong số các phương thức được nhắm mục tiêu trong các quy tắc mới.

Một nhân viên Meituan ở Bắc Kinh quét khuôn mặt của mình trên ứng dụng của công ty trước khi bắt đầu làm việc. Những người mới đến trong lĩnh vực công nghệ như Meituan đã học theo sách mở rộng của những gã khổng lồ đã thành danh, mạnh tay mua lại các công ty nhỏ hơn. Ảnh: Reuters
Một nhân viên Meituan ở Bắc Kinh quét khuôn mặt của mình trên ứng dụng của công ty trước khi bắt đầu làm việc. Những người mới đến trong lĩnh vực công nghệ như Meituan đã học theo sách mở rộng của những gã khổng lồ đã thành danh, mạnh tay mua lại các công ty nhỏ hơn. Ảnh: Reuters

Scott Yu, một luật sư tại Bắc Kinh, chuyên về các vấn đề chống độc quyền của công ty luật Zhong Lun, cho biết: “Đối với các nền tảng internet lớn, những gì họ đang phải đối mặt hiện nay là sự thắt chặt quy định đa chiều".

Trong việc thực thi chống độc quyền ở Trung Quốc, chính phủ thường rất khoan dung với các công ty độc quyền, vốn thống trị các ngành từ đóng tàu đến viễn thông. Trước đây, việc thực thi lỏng lẻo và "ngó lơ" được coi là biểu hiện của sự khôn ngoan của Đảng Cộng sản. Vì ở trong nước, các công ty độc quyền sẽ dễ quản lý hơn là một thị trường cạnh tranh lộn xộn. Và trên trường quốc tế, họ cạnh tranh hơn. 

Tuy nhiên, sự phát triển chóng mặt của các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc rõ ràng đã khiến chính phủ lo sợ và suy nghĩ lại về thái độ "thân thiện" với các vấn đề độc quyền trước đây.

Zhu Ning, giáo sư tài chính kiêm phó trưởng khoa tại Học viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải, cho biết nhiều công ty internet đã mở rộng nhanh chóng nhờ nguồn vốn khổng lồ. Quan trọng là, ảnh hưởng của họ đã phát triển đến mức có thể làm lung lay chính sách của chính phủ. Ông nói: “Điều này khiến các nhà hoạch định chính sách rất quan tâm".

Các công ty lâu đời như Alibaba, Tencent và Baidu, được gọi chung là BAT, đã tích lũy được hơn một tỷ người dùng cho mỗi ứng dụng, và mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực kinh doanh mới nhờ việc mua các công ty khởi nghiệp. 

Những người mới tham gia vào thị trường internet là Pinduoduo (thương mại điện tử), Meituan (giao đồ ăn), JD.com (thương mại điện tử), Didi Chuxing (gọi xe) và Bytedance (video ngắn) hầu hết đều đi theo con đường này. Điển hình là Meituan. Vào năm 2018, Meituan đã mua ứng dụng chia sẻ xe đạp Mobike.

Yu cho biết: “Những người chiến thắng trong nền kinh tế internet không chỉ thống trị lĩnh vực của riêng họ, mà còn có thể dễ dàng mở rộng phạm vi tiếp cận sang các lĩnh vực khác và thống trị nhiều ngành hơn, bằng cách tận dụng dữ liệu người tiêu dùng".

Bên cạnh đó, các quy định chống độc quyền được đề xuất, sẽ cho phép các cơ quan thực thi pháp luật Trung Quốc có thêm không gian để xác định hành vi lạm dụng của các công ty. Ví dụ, trong khi một số quốc gia xác định hành vi độc quyền theo thị phần, thì các quy định mới của Trung Quốc dành cho các công ty internet lại linh hoạt hơn. Các cơ quan quản lý chỉ cần chứng minh rằng, hành vi của công ty đã cản trở lợi ích của người tiêu dùng.

Đơn cử, một công ty thương mại điện tử có lượng lớn dữ liệu mua hàng có thể thao túng ngành logistics bằng cách chia sẻ thông tin mới nhất về nhu cầu của người tiêu dùng với các nhà khai thác, để giúp họ hoạch định các chính sách và kho hàng tốt hơn. Tuy nhiên, những người không thuộc mạng lưới chia sẻ thông tin này sẽ bị rơi vào tình thế bất lợi.

Tài liệu về các quy định mới dài 22 trang được đưa ra trước một ngày của sự kiện mua sắm bom tấn Ngày Độc thân vào tháng 11 của Alibaba. Theo đó, các vấn đề như bán hàng hóa dưới giá thành, phân biệt giá dựa trên phân tích dữ liệu khách hàng, và các thỏa thuận bán hàng độc quyền cũng sẽ nằm trong mục vi phạm các quy định đã đề xuất.

Blogger làm đẹp Austin Li Jiaqi, người được mệnh danh là
Blogger làm đẹp Austin Li Jiaqi, người được mệnh danh là "anh trai son môi", trang điểm trong khi phát trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử Taobao. Ảnh: Getty

"Quá lớn để thất bại"

Một trong những mối quan tâm hàng đầu đối với Trung Quốc là các công ty độc quyền về internet hiện lưu trữ một lượng lớn các phương tiện truyền thông rất khó kiểm duyệt. 

Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc vào tháng 4/2020, chúng bao gồm các phương tiện truyền thông xã hội, tổng hợp tin tức, phát trực tiếp và video ngắn. Và tất cả chúng chiếm hơn một nửa thời gian người dùng internet Trung Quốc dành cho việc lên mạng.

Zhu Ning nói: "Ảnh hưởng của một số công ty internet vươn xa tới mức cố gắng thao túng thái độ xã hội và báo chí".

Ảnh hưởng của họ thậm chí còn phát triển hơn nữa trong đại dịch, khi mọi người dành nhiều thời gian trực tuyến hơn. Tính đến tháng 3, người dùng internet của Trung Quốc dành trung bình 30,8 giờ/tuần để lên mạng, tăng từ 27,6 giờ/tuần so với hai năm trước.

Nhưng không giống các phương tiện truyền thông truyền thống với quyền kiểm soát biên tập, các nền tảng mới tạo ra một lượng lớn nội dung phù hợp với AI cho từng người dùng. Các cơ quan quản lý truyền thông sẽ gặp khó khăn hơn trong việc kiểm soát việc chia sẻ tin tức và hình thành dư luận.

Những lo ngại như vậy đã khiến Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, cơ quan giám sát truyền thông của Trung Quốc, thắt chặt đáng kể các quy định đối với các nền tảng phát trực tuyến.

Vào cuối tháng 11, cơ quan này đã ra lệnh cho các đài truyền hình và những người tặng quà cho họ, những người thể hiện sự yêu thích bằng cách tặng quà ảo, phải đăng ký tên thật. Đồng thời, các chi nhánh của công ty phải thuê thêm người kiểm duyệt, và phải phát trực tiếp nhiều chương trình truyền "năng lượng tích cực" hơn.

Dịch vụ tài chính là một lĩnh vực gây tranh cãi khác, như bài phát biểu xấu số của Jack Ma đã thể hiện rõ ràng. Cho đến gần đây, các công ty internet đã có thể cung cấp các dịch vụ ngân hàng với giá rẻ, được hỗ trợ bởi một phần nhỏ vốn và chịu sự điều chỉnh của ít luật lệ hơn nhiều so với các ngân hàng bán lẻ. 

Những công ty mới gia nhập thị trường khẳng định rằng, công nghệ dữ liệu lớn của họ sẽ đảm bảo chống lại rủi ro hệ thống đối với lĩnh vực tài chính. Nhưng phạm vi rộng lớn của họ thông qua nền kinh tế hiện đang làm tăng thêm mối lo ngại của cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc.

Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc, đã cảnh báo trong một diễn đàn vào ngày 8/12 rằng, một số công ty công nghệ đang trở nên "quá lớn để thất bại", vì thị trường thanh toán vi mô mà họ thống trị liên quan đến lợi ích công cộng đáng kể.

"Ngành công nghiệp fintech dẫn đến nhiều hiện tượng và vấn đề mới. Do đó cần phải thực hiện các biện pháp kịp thời và có mục tiêu để ngăn ngừa các rủi ro hệ thống mới", ông nói.

Hầu hết các công ty internet coi dịch vụ tài chính là một quả treo thấp có thể tạo ra lợi nhuận lớn. Ngay cả Didi, được biết đến với ứng dụng di động gọi xe, Sina và blog Weibo, đã bắt đầu cung cấp các khoản vay trực tuyến.

Khách hàng chờ mã thanh toán QR Alipay và WeChat tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Alibaba có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 6, trong khi WeChat Pay của Tencent có hơn 800 triệu vào năm 2019. Ảnh: AFP
Khách hàng chờ mã thanh toán QR Alipay và WeChat tại một khu chợ ở Bắc Kinh. Alibaba có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 6, trong khi WeChat Pay của Tencent có hơn 800 triệu vào năm 2019. Ảnh: AFP

Alipay, ứng dụng thanh toán của Alibaba, đã có hơn 700 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 6. Trong khi đó, WeChat Pay của Tencent có hơn 800 triệu MAU vào năm 2019.

Tencent cho biết, khoảng 79,4% người bán nhỏ đến trung bình ở Trung Quốc đang sử dụng dịch vụ thanh toán của họ, tính đến tháng 1/2020.

Tuy nhiên, bài phát biểu của Guo được nhiều người coi là tín hiệu cho việc thắt chặt quy định hơn nữa trong ngành công nghiệp fintech.

Zhu Wuxiang, giáo sư tại Trường Kinh tế và Quản lý thuộc Đại học Thanh Hoa, cho biết các nhà quản lý có xu hướng thận trọng, khi rủi ro tài chính lan nhanh sang các ngành khác. Thay vào đó, Zhu cho biết, các công ty Big Tech có khả năng đưa ra đánh giá chính xác hơn về tình trạng tín dụng của một người so với các ngân hàng truyền thống, nhờ cách kiểm tra chéo thông tin người dùng được thu thập từ các cổng kỹ thuật số khác nhau.

Tuy nhiên, "theo quan điểm của chính phủ, nó không thể nói rõ rủi ro vào lúc này", ông nói.

Nguy cơ xáo trộn xã hội

Nền kinh tế kỹ thuật số mới của Trung Quốc đã tạo ra hàng triệu việc làm mới, từ các kỹ sư phần mềm đến các nhân viên chuyển phát nhanh. Nhưng sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp internet cũng làm tăng nguy cơ xáo trộn xã hội, một lĩnh vực khác mà Trung Quốc quan tâm.

Đơn cử là hơn 15 triệu người dùng ứng dụng chia sẻ xe đạp Ofo đã không thể lấy lại tiền đặt cọc, sau khi công ty khởi nghiệp gặp khó khăn và bị khủng hoảng tiền mặt vào cuối năm 2018.

Một ví dụ khác là nền tảng cho thuê căn hộ trực tuyến Danke Apartment. Những người thuê nhà trên nền tảng này đã xung đột với chủ nhà, và buộc phải ra khỏi nhà, sau khi công ty không trả tiền thuê thay cho người thuê.

Những chiếc xe đạp chất đống của công ty chia sẻ xe đạp Ofo ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ảnh: Reuters
Những chiếc xe đạp chất đống của công ty chia sẻ xe đạp Ofo ở Côn Minh, tỉnh Vân Nam. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, hàng chục triệu nhà đầu tư Trung Quốc đã mất tiền tiết kiệm trong sự sụp đổ của các chương trình cho vay ngang hàng mọc lên như nấm vài năm trước. Vụ tai tiếng nhất là sự sụp đổ năm 2016 của công ty cho vay trực tuyến Ezubo, trong đó các nhà đầu tư thiệt hại 50 tỷ CNY (khoảng 7,5 tỷ USD). Hai người sáng lập nền tảng đã bị kết án tù chung thân.

Một ví dụ khác là nhiều công ty internet đã tung ra dịch vụ mua theo nhóm cộng đồng, cho phép một nhóm cư dân trong cùng một khu chung cư mua hàng tạp hóa và đồ tươi sống với giá chiết khấu. Giáo sư Zhu Ning cho biết, các dịch vụ này sẽ làm xói mòn các công việc có thu nhập thấp ở các thành phố, bao gồm hàng rong và nhân viên bán hàng trong siêu thị.

Các công ty thương mại điện tử cũng đang tìm cách phát triển cái gọi là mô hình khách hàng với nhà sản xuất, mô hình kết nối trực tiếp người sản xuất cuối cùng và người tiêu dùng cuối cùng, loại bỏ tất cả những người trung gian.

Trung Quốc đột nhiên quan tâm đến các quy định về internet, còn lý do đặt mục tiêu trở thành siêu cường công nghệ trong các lĩnh vực như blockchain, AI, dữ liệu lớn... Và điều này cũng như nhiều nước khác.

Gần đây, các tập đoàn internet nhạy bén đã bị giám sát chặt chẽ ở nhiều khu vực pháp lý. Cả Châu Âu và Hoa Kỳ đã thắt chặt các quy định đối với các nền tảng internet lớn và tiến hành một loạt các cuộc điều tra hoặc kiện các công ty Big Tech, bao gồm công ty mẹ của Google là Alphabet, Apple, Facebook và Amazon....

NHẬT SANG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement