26/05/2018 10:23
Vì sao nhiều dự án đầu tư công "đội vốn"?
Chiều 25/5, tại Hà Nội, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề về tăng cường kỷ luật, kỷ cương Ngân sách nhà nước.
Nhiều vấn đề liên quan đến việc các dự án đầu tư công bị đội vốn, tăng vốn rất nhiều so với mức đầu tư ban đầu cũng như các biện pháp kiểm soát chi đã được đưa ra và làm rõ.
Theo ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án.
Nhiều dự án đầu tư công có vốn cao hơn dự tính. Ảnh minh hoạ. |
Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư. Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ông Lê Tuấn Anh chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến việc "đội vốn". Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích, đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.
Song nhìn chung là do chất lượng ở khâu lập dự án ban đầu kém, dự án được lập sơ sài, thiếu thực tế (khảo sát, lập dự án). Chất lượng thẩm định không cao hay như khâu tổ chức thực hiện không đồng bộ dẫn đến kéo dài thời gian (giải phóng mặt bằng chậm, vốn bố trí không đủ, nhà thầu không đủ năng lực, thi công kéo dài....).
Đặc biệt, thiếu kiên quyết trong chỉ đạo, thực hiện của các cấp quản lý, theo dõi và thực hiện. Để ngăn chặn được tình trạng này, ông Lê Tuấn Anh cho rằng phải tăng cường phản biện độc lập trong lựa chọn quyết định đầu tư, giám sát, kiểm tra nghiêm túc, chế tài xử lý mạnh...
Một vấn đề khác được đưa ra tại cuộc họp báo là vấn đề chi ngân sách. Theo dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2018, cơ cấu chi đầu tư phát triển chiếm 26,2%, chi trả nợ lãi chiếm 7,39%, chi thường xuyên chiếm 61,76%. Ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết, qua kết quả thực hiện 4 tháng đầu năm 2018, diễn biến chi thường xuyên đạt 32,1%, tăng 5,4% so cùng kỳ năm trước là phù hợp với dự toán và thực tế triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách.
Đáng chú ý, trong thực tế cơ cấu chi thường xuyên, chi hoạt động các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể chiếm khoảng 14,47%, còn lại là chi phát triển các sự nghiệp y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Đây là các lĩnh vực chi ưu tiên theo Nghị quyết của Đảng, Nhà nước.
Trong khi đó, tiến độ chi đầu tư phát triển 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,3% dự toán, giảm 5,2% so cùng kỳ. Một trong những biện pháp kiểm soát chi mà Bộ Tài chính đưa ra là khoán xe công, quản lý trụ sở công. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục quản lý Công sản, Bộ tài chính cho rằng, quy định việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo phương thức tự nguyện, nhưng đã quy định rõ hơn cách xác định mức khoán kinh phí theo hướng dễ thực hiện, đảm bảo phương tiện cho đối tượng nhận khoán.
Đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án khoán xe. Thực tế cho thấy, có khá nhiều Bộ, ngành, địa phương đã và đang từng bước thực hiện phương án khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, như: Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Lai Châu, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng... Trong đó, một số Bộ, địa phương áp dụng khoán mở rộng cho nhiều đối tượng như Bộ Tài chính, Hà Nội, TP.HCM...
Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe ô tô công, kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe, số lượng nhân viên lái xe, tăng hiệu suất sử dụng xe ô tô công..., tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và các cơ quan truyền thông.
Về quản lý trụ sở, ông Trần Đức Thắng cũng cho biết đã đạt được những kết quả quan trọng như nắm được tổng thể trụ sở làm việc, tổng số nhà, đất đã được phê duyệt phương án là 128.256 cơ sở nhà, đất với diện tích đất là 1.989.813.742 m2, diện tích nhà là 118.202.686 m2.
Trong đó, giữ lại tiếp tục sử dụng là 117.579 cơ sở, chuyển giao chính sách nhà ở, đất ở là 621 cơ sở, điều chuyển 2.785 cơ sở, bán 3.036 cơ sở, thu hồi 641 cơ sở, chuyển mục đích sử dụng đất 402 cơ sở, di dời 80 cơ sở và phương án khác là 3.155 cơ sở nhà, đất.
Đồng thời, tạo quỹ đất để xây dựng các công trình công cộng; đầu tư, phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại, khách sạn, dịch vụ... góp phần chỉnh trang đô thị, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Cùng đó, khai thác được nguồn lực tài chính từ đất đai cho đầu tư hiện đại hóa công sở tại các cơ quan, đơn vị, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất kinh doanh. Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế triển khai vẫn còn một số tồn tại như các cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhà đất dôi dư so với tiêu chuẩn, định mức; sử dụng lãng phí, bỏ trống, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
Việc khắc phục tình trạng sử dụng trụ sở làm việc, nhà, đất sai quy định diễn ra còn chậm, kéo dài, thiếu chế tài xử lý từ khâu chính sách đến tổ chức thực hiện; một số Bộ, ngành không thực hiện bàn giao lại trụ sở cũ khi xây dựng trụ sở mới.
Ông Trần ĐứcThắng cho rằng, thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương ban hành định mức sử dụng diện tích chuyên dùng trong trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp để làm cơ sở đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, bố trí sử dụng, xử lý nhà, đất; tuân thủ theo tiêu chuẩn, định mức đối với diện tích chuyên dùng...
Advertisement
Advertisement