16/12/2020 13:08
Vì sao người Thái mua lại nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam?
Việc SCG thâu tóm Bao bì Biên Hoà nhắc thị trường nhớ lại thời gian qua, không ít doanh nghiệp “sừng sỏ” của Việt Nam đều phải về tay người Thái.
TCG Solutions, công ty con của Thai Containers Group, thành viên Tập đoàn Siam Cement (SCG) vừa thông báo mua lại hơn 94% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Bao bì Biên Hòa (Sovi - mã: SVI). Đây không phải là lần đầu doanh nghiệp Việt về tay các nhà đầu tư Thái Lan. Nhiều năm qua, đây dần trở thành xu hướng dễ bắt gặp trên thương trường.
Gạch Prime, nhựa Bình Minh, bia Sài Gòn… về tay người Thái
Không phải đến khi Sovi về tay SCG, thị trường mới “ngớ” ra về xu hướng người Thái thâu tóm doanh nghiệp Việt. Gần đây nhất, báo chí tốn không ít bút mực cho Công ty Nước mặt Sông Đuống, đơn vị chủ sở hữu Nhà máy nước Sông Đuống.
Cuối tháng 11 năm ngoái, Công ty Sông Đuống đã có thông báo về những thay đổi về nhân sự điều hành. Cụ thể, HĐQT Nước mặt Sông Đuống có sự tham gia áp đảo nhân sự người Thái. Những thay đổi mới này diễn ra sau khi nhà máy nước quy mô 5.000 tỷ đồng công bố bán cổ phần cho công ty của Thái Lan và bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) rời ghế Tổng Giám đốc.
Hiện tại, vốn điều lệ của Nước mặt Sông Đuống đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó WHAUP (SG) 2DR PTE.LIMITED là tổ chức nước ngoài nắm giữ 34% vốn. Được biệt, WHAUP là thành viên Tập đoàn WHA, hoạt động trong lĩnh vực logistics và các giải pháp tiện ích công nghiệp, năng lượng hàng đầu của Thái Lan. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc là bà Jareeporn Jarukornsakul.
Xoay dòng thời gian ngược về trước, nhiều doanh nghiệp đầu ngành khác được ví như “gà đẻ trứng vàng" của Việt Nam cũng “rơi” vào tay người Thái. Trong số đó, người ta luyến tiếc nhất là Prime Group, Nhựa Bình Minh, Sabeco.
Cụ thể, cuối tháng 12/2012, Tập đoàn SCG mua 85% vốn Công ty Cổ phần Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng). Với 6 nhà máy sản xuất gạch ống năng suất 75 triệu m2/năm, Prime Group là nhà sản xuất gạch lát sàn lớn thứ 5 thế giới, và là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam (chiếm 20% thị phần). Việc mua lại Prime Group được giới chuyên gia đánh giá không chỉ giúp SCG tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam, mà còn giúp tập đoàn này trở thành nhà sản xuất gạch lát sàn lớn nhất thế giới, với sản lượng kỷ lục là 225 triệu m2/năm.
Sang năm 2017, cả thương trường tới công chúng không khỏi xôn xao suốt một thời gian dài, khi tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdichi gần 5 tỷ USD để mua lại 53,59% vốn của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Công ty TNHH Vietnam Beverage mà tập đoàn của ông đứng sau, đã trở thành công ty mẹ của Sabeco. Đây được xem là một trong những thương vụ M&A đáng tiếc nhất thị trường khi Bia Sài Gòn là nhà sản xuất nắm 41% thị phần tiêu thụ bia, nước giải khát tại Việt Nam.
Hiện tại, Sabeco vẫn đang dẫn đầu thị trường bia Việt Nam khi chiếm tới 38%. Ảnh: The Rul's Universe |
Hay như đầu năm 2018, The Nawaplastic Industries thuộc Tập đoàn SCG thông báo mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) lên hơn 54%. Nhựa Bình Minh thuộc nhóm doanh nghiệp sản xuất ống nhựa hàng đầu Việt Nam, với 4 nhà máy tổng công suất trên 140.000 tấn mỗi năm. Cùng với Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) mà chính SCG cũng thâu tóm, hai doanh nghiệp này chiếm hơn quá bán thị phần nhựa xây dựng trong nước.
Không chỉ là công nghiệp, người Thái còn “săn mồi” ở nhiều lĩnh vực khác, mà đáng chú ý và thành công hơn cả là ngành tiêu dùng. Thông qua việc mua lại nhiều thương hiệu bán lẻ đầu ngành, Thái đang nắm trên 50% thị trường tiêu dùng Việt. Cái tên đáng nhờ là Central Group khi đã chi 1,14 tỷ USD mua lại Big C Việt Nam vào tháng 4/2016. Đầu năm 2015, Central Group cũng đã chi hơn 200 triệu USD mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Ngoài mảng siêu thị và điện máy, Central Group còn thành công với chuỗi trung tâm thương mại Go!. Ảnh: Ricons |
Vì sao doanh nghiệp Thái đua nhau “Việt tiến”?
Lý giải về việc các đại gia Thái đua nhau “Việt tiến”, ông Đinh Quang Hoàn, Phó Tổng giám đốc công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chia sẻ với Forbes Việt Nam rằng, chính phủ Thái Lan có những chính sách khuyến khích các tập đoàn tư nhân lớn tìm kiếm cơ hội ở thị trường các nước ASEAN, với quy mô dân số gấp 10 lần Thái Lan. Theo số liệu của Liên hợp quốc, dân số khu vực Đông Nam Á vào tháng 12/2020 là hơn 670 triệu người.
Ngoài lý do trên, VCSC cho rằng bản thân thị trường Thái Lan không còn nhiều dư địa tăng trưởng, do sân chơi nội địa đã trở nên bó hẹp lại với các tập đoàn tư nhân có lịch sử phát triển hàng trăm năm, các tập đoàn cần đa dạng hóa hoạt động kinh doanh khi quốc gia này luôn tiềm ẩn các bất ổn chính trị. Hơn thế, Thái Lan có lợi thế gần với Việt Nam. Người Thái rất hiểu người Việt Nam, hiểu được tập quán tiêu dùng của người Việt.
Người Thái với nhiều nét đồng văn nên dễ hiểu tâm lý thị trường Việt. Ảnh: Sài Gòn Giải Phóng |
Nhìn vào báo cáo tài chính quý III/2020 của SCG, ta dễ hình dung rõ đặc điểm trên. Cụ thể, doanh thu từ Việt Nam của tập đoàn này đã lên đến gần 6.639 tỷ đồng (286 triệu USD), tương đương 40% doanh thu tại khối ASEAN (trừ Thái Lan) trong quý. Khoản doanh thu này cũng bằng khoảng 9% tổng số thu hợp nhất toàn tập đoàn này trong quý.
So với các quý trước đó, tỷ trọng doanh thu từ thị trường Việt Nam của SCG đã tăng đáng kể và cao hơn nhiều so với các nước ASEAN khác. Năm 2019, doanh thu nhóm doanh nghiệp tại Việt Nam chỉ đóng góp khoảng 30% doanh số thị trường ASEAN (trừ Thái Lan) và 8-9% doanh thu hợp nhất.
Ngoài ra, thương hiệu Thái với chất lượng tốt, giá thành rẻ kết hợp cùng chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng giúp hàng hóa Thái Lan nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam. Chính phủ Thái Lan dành nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp từ rút gọn các thủ tục đầu tư ra nước ngoài đến việc sẵn sàng bảo lãnh, hỗ trợ tín dụng cho các tập đoàn tư nhân hùng mạnh.
Tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi luôn được chính phủ Thái Lan hỗ trợ khi xâm nhập thị trường khu vực. Ảnh: Bloomberg |
Đơn cử trong thương vụ ThaiBev mua lại Sabeco, tập đoàn đã vay khoảng 100 tỷ baht, tương đương 3,05 tỷ USD từ 5 ngân hàng của Thái Lan. Phần còn lại, Beerco, công ty thành viên của ThaiBev vay 1,95 tỷ USD tại ngân hàng Mizuho và Standard Chartered chi nhánh Singapore trả cho chính phủ Việt Nam.
Tất nhiên, việc các doanh nghiệp Thái Lan đổ bộ vào thị trường Việt cũng phải đối mặt với sức ép không nhỏ từ chính doanh nghiệp nội địa hay một số quốc gia khác. Nhưng trong bối cảnh địa chính trị tạo thời cơ cho Việt Nam cùng một loạt hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, mảnh đất hình chữ S được dự báo vẫn là “đất lành chim đậu” cho các đại gia xứ chùa vàng.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp