14/07/2017 08:27
Vì sao Myanmar cấm xe máy tại Yangon?
Dù có hệ thống giao thông công cộng lạc hậu hơn Việt Nam, Myanmar vẫn cấm xe máy hoạt động tại Yangon từ năm 2003.
Có một số tin đồn về nguyên nhân của lệnh cấm xe máy tại Yangon vào năm 2003. Dù vậy, chính phủ Myanmar nói rằng cấm xe máy nhằm hạn chế kẹt xe và tai nạn giao thông.
Thật không may cho những người đam mê xe máy và những ai tin rằng việc cho phép xe máy hoạt động trở lại sẽ làm giảm tắc nghẽn giao thông, lệnh cấm sẽ không được dỡ bỏ trong thời gian tới.
Xe máy gây ra 800 vụ tai nạn giao thông mỗi năm tại Yangon
U Myo Lwin, Phó giám đốc của Bộ phận đường và cầu của Ủy ban phát triển thành phố Yangon chia sẻ trên tờThe Myanmar Timesrằng lệnh cấm sẽ được áp dụng vô thời hạn.
Một nhân viên cảnh sát giao thông tại Yangon đề nghị dấu tên cho hay những người đi xe máy là nguyên nhân phần lớn vụ tai nạn, đồng thời xe máy cũng giúp tội phạm hoành hành.
Cảnh sát Yangon nói rằng có hai người chết mỗi ngày vì tai nạn xe máy, con số này sẽ tăng lên đáng kể nếu lệnh cấm được dỡ bỏ.
Trên thực tế, chính quyền thành phố đặt quyết tâm rất cao và trừng phạt nặng những người vi phạm luật lệ.
Theo một phát ngôn viên từ Sở cảnh sát giao thông Yangon, xe máy sẽ bị cảnh sát thu giữ nếu điều khiển trong khu vực cấm. Mỗi năm, có hàng trăm người đi xe máy bị phạt tiền khi lái xe trong khu vực hạn chế.
Ko Moe, 24 tuổi, sống ở thị trấn phía bắc Dagon nêu ý kiến nên cho phép chạy xe máy ở một số khu vực cụ thể. "Xe buýt chạy chậm, khó chịu và bẩn thỉu", Moe nói. Vì vậy, chàng trai này đã mua một chiếc xe máy và chạy quanh khu vực gần nhà.
Anh nói mình là người may mắn bởi không bị bắt phạt trong hai năm qua. "Ông chú của tôi đã phải trả một khoản tiền phạt 20.000 kyat ( 335.000 đồng). Ngoài ra không đội mũ bảo hiểm cũng bị phạt 10.000 kyat (165.000 đồng)", Moe kể lại.
Nhiều chủ xe máy bị cưỡng chế trả khoản tiền phạt 50.000 kyat (840.000 đồng) cho cảnh sát giao thông địa phương vì cố tình vị phạm. Tuy nhiên nhiều người vẫn chấp nhận rủi ro bị phạt nếu bị cảnh sát bắt để đổi lấy khả năng di chuyển nhanh chóng và thuận tiện.
Một biên tập viên của nhà xuất bản ở thị trấn Đông Dagon nói rằng ông không muốn nhìn thấy xe máy xuất hiện trở lại bởi phương tiện này quá nguy hiểm. Ông nói rằng thường xuyên nhìn thấy những người chạy xe không đội mũ bảo hiểm và lái ẩu.
Tuy nhiên hệ thống xe buýt lạc hậu tại Yangon không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. "Nếu có một dịch vụ xe ôm sẽ hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại cho cư dân thành phố", biên tập viên này đề xuất.
Chỉ công nhân viên chức mới được đi xe máy
Chỉ viên chức chính phủ mới được sử dụng xe máy trong khu vực thành phố Yangon. Họ không được phép chở hành khách và phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Một số người có thể ngạc nhiên khi thấy cảnh sát lái xe máy chạy quanh Yangon. Có 65 chiếc xe được cảnh sát sử dụng để thi hành công vụ. Những người ngoại lệ khác được phép sử dụng xe máy bao gồm công nhân bưu điện và điện lực.
TheoMyanmar Times: "Chỉ những quan chức chính phủ mới được dùng xe máy trong khu vực thành phố Yangon. Họ không được phép chở người và phải đội mũ bảo hiểm".
Các cảnh sát giao thông khu vực thừa nhận lệnh cấm xe máy không được thực thi hiệu quả do quá thiếu nhân lực. Bất chấp lệnh trừng phạt mới đây, doanh số xe máy vẫn tiếp tục tăng và trở thành phương tiện vận chuyển phổ biến nhất tại Myanmar.
Advertisement