14/11/2019 15:36
Vì sao Mexico là thiên đường cho các lãnh đạo tị nạn?
Evo Morales, cựu lãnh đạo 60 tuổi của Bolivia đã đến Mexico, nơi được xem là thiên đường cho những lãnh đạo muốn tị nạn ở đây.
Giải thích cho quyết định mời Morales, lãnh đạo cánh tả từ chức tổng thống Bolivia hôm 10/11, chính quyền Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador cho biết lâu nay Mexico luôn thể hiện mình là một quốc gia "hòa nhập và giàu cảm thông với cánh cửa sẵn sàng rộng mở".
"Tôi đau đớn khi phải rời bỏ quê hương nhưng tôi hứa tôi sẽ luôn dõi theo mọi sự vụ trong nước. Tôi hứa một ngày nào đó tôi sẽ trở lại, với nhiều sức mạnh và năng lượng mới", ông Morales nhắn nhủ với những người ủng hộ trên Twitter trước khi lên đường sang Mexico.
Theo Hãng thông tấn AP, chính quyền Mexico đã cử một chuyên cơ của không quân đến đón ông Morales vào cuối ngày
Một bức ảnh cho thấy cựu tổng thống Bolivia Evo Morales qua đêm ở một nơi chưa xác định sau khi từ chức - Ảnh: AFP. |
Hình ảnh ông Morales đắp lên người quốc kỳ Mexico khi lên máy bay được Ngoại trưởng Mexico Marcelo Ebrard đăng lên mạng xã hội ngay sau đó.
Cựu tổng thống Bolivia đã trải qua đêm đầu tiên sau khi từ chức trong một căn nhà tồi tàn, đầy bụi bặm và phải ngủ trên sàn nhà như hình ảnh ông chia sẻ trên Twitter.
Việc ông Morales lưu vong được xem là dấu chấm hết cho 14 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo xuất thân từ một gia đình chăn gia súc trên cao nguyên. Bolivia chứng kiến giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao và ổn định dưới thời nhà lãnh đạo cánh tả Morales.
Cánh cửa của Mexico đã mở cho những người Cuba chiến đấu giành độc lập khỏi Tây Ban Nha vào thế kỷ XIX, trong đó có nhà thơ, nhà cách mạng José Martí. Ông sống ở Mexico vào giữa những năm 1870 sau khi bị trục xuất khỏi hòn đảo.
Những người cánh tả Tây Ban Nha chạy trốn khỏi cuộc nội chiến những năm 1930 cũng được chính quyền Mexico hoan nghênh. Nhà làm phim Luis Buñuel đã tới Mexico vào những năm 1940 rồi trở thành công dân nước này.
Trong thời kỳ chủ nghĩa phát xít trỗi dậy ở Đức, hàng nghìn người Do Thái và Cộng sản ở châu Âu đã tới Mexico để tìm kiếm sự bảo vệ, nhiều người trong số họ là các nghệ sĩ và nhà văn.
Những năm 1970, những người Argentina và Chile, lo sợ tính mạng bị đe dọa bởi các cuộc chiến ở trong nước, đã xin tị nạn ở Mexico. Mexico cũng là nước tiếp nhận gia đình cựu tổng thống Chile Salvador Allende, người thiệt mạng trong một cuộc đảo chính năm 1973.
Vài năm gần đây, hàng chục nghìn người di cư Trung Mỹ đã xin tị nạn ở Mexico sau khi thất bại trong nỗ lực đến Mỹ.
Những gương mặt lưu vong nổi bật khác gồm có vua Mohammad Reza Pahlavi của Iran. Ông được Mexico cấp visa du lịch và từng dành vài tháng sống tại thành phố Cuernavaca, phía nam thủ đô Mexico City, trước khi tới Mỹ để chữa bệnh.
Với một số người, tị nạn ở Mexico không chỉ mang đến cơ hội sống thứ hai mà nơi đây còn giống như bàn đạp để họ hồi hương. Sau khi thất bại trong một cuộc tấn công vào doanh trại quân đội Cuba, năm 1953, Fidel Castro đã sống ở Mexico City và lên kế hoạch cho chiến dịch lật đổ thành công lãnh đạo Cuba khi đó Fulgencio Batista.
Lorenzo Meyer, nhà sử học kiêm giáo sư danh dự tại Đại học Colegio de México, đánh giá việc Mexico chào đón những thế hệ lưu vong cánh tả là cách để chính phủ nước này khẳng định độc lập với Mỹ mà không tạo ra những thách thức về chính sách đối ngoại.
"Tất nhiên, với Mỹ ở ngay bên cạnh, Mexico không thể hoàn toàn tự chủ nhưng nó không thể ngăn họ thực hiện một số biện pháp mang tính biểu tượng", Meyer nói.
Advertisement