Nhu cầu toàn cầu hồi phục kết hợp với một số yếu tố khác sẽ có thể khiến lạm phát tại châu Á sớm tăng mạnh.
Advertisement
Trong tháng trước, số liệu thống kê cho thấy giá củ cải tại Hàn Quốc đã tăng đến 71% so với cùng kỳ. Tại Ấn Độ, giá cà chua và hành tăng cao trong thời gian qua và hiện đã gấp đôi so với cách đây một năm. Tại Nhật, giá mực ống tăng 17% trong tháng Bẩy. Và ở Trung Quốc, từ tháng Tư đến nay, giá trứng tăng ít nhất 62%.
Ở thời điểm xuất khẩu của nhiều nước châu Á tăng trưởng tốt hơn so với kỳ vọng, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường ở mức cao, liệu các dấu hiệu được nói đến ở trên có đánh dấu cho sự khởi đầu của quá trình lạm phát tăng mạnh?
Thoạt ban đầu, người ta có thể trả lời rằng không phải. Không giống như các chu kỳ lạm phát tăng trong quá khứ, giá cả tăng ngay lập tức khiến các chỉ số lạm phát tăng, các chỉ số lạm phát hiện tại vẫn cho thấy sự ổn định. Nguyên nhân chính là bởi các yếu tố thời vụ khiến lạm phát tăng như thời tiết xấu hay khan hiếm nguồn cung sẽ sớm không còn nữa.
Cho đến nay, các Ngân hàng Trung ương châu Á không đối diện với nhiều áp lực nâng lãi suất ngay cả khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã sẵn sàng thắt chặt chính sách tiền tệ - khác với tất cả những gì họ từng làm trong nhiều năm trở lại đây.
“Lạm phát lõi vẫn chưa tăng, hoặc nếu có tăng ở nước nào đó thì vẫn trong tầm kiểm soát. Tôi không tin vào khả năng có chính phủ nước nào đó sớm thắt chặt chính sách tiền tệ”, chuyên gia kinh tế trưởng tại Oxford Economics ở Singapore, ông Priyanka Kishore, nhận định.
Tuy nhiên, mọi chuyện không đáng lạc quan đến vậy. Tại Ấn Độ, nơi thực phẩm chiếm đến 46% tổng giỏ hàng hóa tính lạm phát, chỉ số thực phẩm tháng Tám tăng đến 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Tháng Tám cũng là tháng đầu tiên trong bốn tháng gần đây lạm phát tại Ấn Độ tăng.
Dù tất nhiên, việc giá cà chua hoặc một vài loại nông sản khác tăng sẽ không đủ để đẩy lạm phát lên trên mức mục tiêu của Ngân hàng Trung ương, nhưng việc giá cả biến động có thể khiến khả năng Ngân hàng Trung ương Ấn Độ hạ lãi suất cơ bản đồng nội tệ giảm đi.
Tháng Tám, lạm phát của Hàn Quốc tăng tốc lên mức 2,6% , tốc độ tăng cao nhất tính từ năm 2012, vượt mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương. Chỉ số thực phẩm tươi sống tăng đến 18,3% so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là thời tiết nóng nực và sau đó đến mưa lớn suốt mùa hè.
Riêng trong tháng Tám, giá trứng tăng 53%, nguyên nhân chính do dịch cúm gà cuối năm 2016, đầu năm 2017 dẫn đến việc người Hàn phải giết gia càm hàng loạt.
Tuy nhiên, quan chức Hàn Quốc tin rằng các yếu tố làm lạm phát tăng sẽ không kéo dài lâu. Trong thông báo chính sách mới nhất được công bố vào tháng Tám, lạm phát cả năm sẽ duy trì ở mức 1,9%.
Cũng trong tháng Tám, chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc tăng 1,8% so với cùng kỳ, trong đó giá thực phẩm tăng mạnh. Cũng giống như nhiều nơi khác, những nguyên nhân đẩy cao lạm phát sẽ sớm qua đi.
Vậy yếu tố nào có thể đẩy cao lạm phát trong khu vực? Chuyên gia kinh tế trưởng tại tổ chức Natixis SA ở Hồng Kông, bà Alicia Garcia Herrero, dự báo bởi nhu cầu tiêu dùng thời gian tới tăng cao nên chắc chắn nó cũng sẽ đẩy cao lạm phát.
Bà Alicia Garcia Herrero nhận định: “Chúng ta không nên quên rằng nhu cầu toàn cầu đang hồi phục, cùng lúc đó nhiều yếu tố hoàn cảnh khác đã và đang đẩy lạm phát tại châu Á tăng cao. Không còn nghi ngờ gì về xu thế đó nữa.”