04/12/2017 17:31
Vì sao bảo hiểm tiền gửi tiết kiệm 75 triệu đồng?
Với 75 triệu đồng, bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ bảo vệ được 87,32% người gửi tiền và gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế.
Ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Xuân Thống, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về hạn mức 75 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi có thể chi trả cho người gửi tiền khi ngân hàng phá sản.
Theo văn bản này, ngày 15/6 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi từ mức 50 triệu đồng lên 75 triệu đồng. Việc quy định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Quyết định 21/2017/QĐ-TTg được xem xét trên cơ sở năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam, quy mô tiền gửi, thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật bảo hiểm tiền gửi của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 75 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 5/8.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước dẫn theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế rằng, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho 90-95% người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền mà tính theo số tiền cụ thể.
BIDV là ngân hàng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao nhất hiện nay với 484 tỉ đồng. |
“Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền. Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế”, văn bản nêu.
Để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí bảo hiểm trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn như hiện nay sẽ tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống tín dụng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, khi ngân hàng phá sản người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật phá sản.
Thống kê ở 12 ngân hàng BIDV, VietinBank, VietcomBank, SHB, MBB, SacomBank, ACB, VIB, VPBank, TechcomBank, TienphongBank và EximBank cho thấy, mức chi phí bảo hiểm tiền gửi của các nhà băng trong 9 tháng đầu năm đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, từ 20% đến hơn 100%.
Trong đó, VPBank là đang là ngân hàng có mức tăng chi phí bảo hiểm tiền gửi mạnh nhất với mức tăng lên tới 118%, từ hơn 47 tỉ đồng lên hơn 103 tỉ đồng. Đứng thứ hai là MBB với mức tăng gần 38%, tương đương với mức chi 148 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Xét về con số tuyệt đối, BIDV đang là ngân hàng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao nhất với gần 484 tỉ đồng trong năm, tăng 26,3% so với 9 tháng đầu năm 2016. Nguyên nhân là do ngân hàng này huy động được lượng tiền gửi lớn nhất, hơn 823.000 tỉ đồng tính đến ngày 30/9.
Với lượng tín dụng huy động tính cuối quý III đạt 725.000 tỉ đồng, đứng thứ hai trong hệ thống thì VietinBank cũng là nhà băng có chi phí bảo hiểm tiền gửi cao thứ hai, với hơn 394 tỉ đồng.
Đứng thứ ba là VietcomBank, với chi phí bảo hiểm tiền gửi 9 tháng đầu năm đạt gần 326 tỉ đồng, tăng 26,1% so với năm 2016.
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp