07/02/2023 13:13
Vay vốn dài hạn lãi suất trên 10%, doanh nghiệp không có cửa đầu tư
Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên ngành ngân hàng cần có lộ trình cụ thể từ nay đến 6 tháng tới để đưa lãi suất dài hạn xuống nhằm kích thích đầu tư.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM, năm 2022, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 28% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP.HCM, tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, cao hơn mức tăng trưởng chung của thành phố là 13,8%. Trong đó, cho vay tiêu dùng, cho vay mục tiêu tự sử dụng, cá nhân vay mua nhà… chiếm khoảng 70%. Ngành ngân hàng vẫn giữ vai trò quan trọng đối với thị trường bất động sản.
Tín dụng bất động sản là vốn trung dài hạn trong khi còn bản chất của hoạt động ngân hàng thương mại là ngắn hạn đáp ứng vốn lưu động cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Do đó, với cơ cấu tín dụng như trên, ngành ngân hàng đã và đang cố gắng khỏa lấp, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn khác đang gặp khó khăn.
Cùng với vốn tín dụng ngân hàng, các kênh khác như vốn chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải khơi thông để cùng đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2023 là bản lề, mang tính sống còn của doanh nghiệp bất động sản
Thị trường bất động sản là ngành quan trọng nhất trong nhóm 21 ngành của kinh tế. Bất động sản liên quan tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Sự phát triển của ngành này ổn định sẽ có lợi cho các ngành khác. Dòng vốn của ngân hàng cũng xác định và hướng vào ngành bất động sản phục vụ nhu cầu thực và DN hoạt động lành mạnh.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Trong đó các quy định liên quan đến việc miễn giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp cũng như miễn giảm lãi, phí đối với người vay. Trong chuyện cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ là cực kỳ quan trọng. Bởi cái khó là không phải lãi suất cao mà không được tiếp cận vốn ngân hàng.
Lãnh đạo HoREA cho biết, Hiệp hội sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước xây dựng thông tư riêng trong đó có cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ. Vì dòng tiền vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản. Khi dòng tiền luân chuyển có lợi các bên mà khởi đầu là từ các doanh nghiệp chủ đầu tư dự án bất động sản. Khi có tiền, dự án được triển khai, người mua có sản phẩm mua thì dòng tiền này quay lại doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.
Hiện nay, doanh nghiệp đang sử dụng tài sản bất động sản làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá bất động sản giảm, tỷ lệ giải ngân trên giá trị bất động sản giảm thì nguồn vốn giải ngân cho doanh nghiệp rất thấp. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỷ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.
PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lưu ý, từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bất nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. Cần làm sao để lãi suất ổn định, chứ quá cao như hiện nay sẽ rất khó.
Ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, những cái trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
"Khó khăn của nửa năm qua không phải do chúng ta thiếu vốn mà do cách hành động của chúng ta, trong công việc và trong chống tham nhũng có gây ra chấn động lòng tin, làm tổn thưởng nền kinh tế thị trường…", ông Thiên nhận định.
Do đó, ông Trần Đình Thiên cho rằng, cần phải làm như Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo, là tuyệt đối không hình sự hóa kinh tế; tránh "quay xe" chính sách, làm cho doanh nghiệp không hoạt động được và bộ máy hành chính không dám hoạt động.
Theo ông Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn đề xuất, các doanh nghiệp rất cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT về 8% như năm 2022 và giãn thuế GTGT trong 6 tháng. Do đó, Nghị quyết 061 của Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách này trong năm nay. Các doanh nghiệp đang có nguồn hàng tốt và có đầu ra tốt rất cần nguồn vốn từ thuế GTGT được chậm lại để có vốn quay vòng nhanh hơn. doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hiện nay có thị trường đang rất cạnh tranh gay gắt, họ có nhu cầu giảm lãi suất và liệu cơm gắp mắm, thay vì nhu cầu vay vốn mới.
Về phía ngân hàng, ông Trần Anh Quý, Trưởng Phòng Tín dụng chính sách nhà nước, Vụ Tín dụng - NHNN cho rằng, ngành ngân hàng giống như người "bơm nước" từ hồ vào thửa ruộng khô cằn nhưng việc dẫn nước từ hồ vào thửa ruộng không chỉ là trách nhiệm riêng của ngân hàng mà còn là của nhiều ngành, lĩnh vực khác, theo Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh.
Ông Quý thông tin, ngay khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, ngành ngân hàng lập tức ban hành Chỉ thị 01 ngày 17/1/2023 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023.
Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2023 nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý. Các ngân hàng đã triển khai rất nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement