Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Vàng có phải kênh đầu tư an toàn khi thị trường chứng khoán sa sút?

Tài chính cá nhân

08/08/2024 07:56

Tạp chí WELT giải thích lý do vàng có thể là kênh đầu tư an toàn khi thị trường chứng khoán sa sút.

Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh, khiến nhiều nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư an toàn và mang lại lợi nhuận. Vàng là lựa chọn đầu tiên bởi vàng hoạt động khác với phần còn lại của thị trường tài chính. Tạp chí WELT giải thích cách bắt đầu và lý do tại sao đầu tư vào vàng lại có ý nghĩa vào lúc này.

Ngày nay, nhiều người trên thị trường tài chính thích nói "đầu tư là một hành trình". Điều này có nghĩa là hành trình trên thị trường chứng khoán có những thăng trầm và nhà đầu tư nên để ý đến mục tiêu dài hạn của mình. Sự hỗn loạn trên thị trường chứng khoán tuần này cho thấy rõ điều đó khi giá biến động cực độ. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm tới 12% trong phiên 5/8 rồi lại phục hồi 10% ngay phiên 6/8.

Ngược lại, vàng lại là kim loại quý có giá trị rất ổn định trong những ngày này. Tuy nhiên, "đồng tiền vĩnh cửu" cũng đang trên đà tăng giá.

Vàng có phải kênh đầu tư an toàn khi thị trường chứng khoán sa sút?- Ảnh 1.

Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: THX/TTXVN

Kênh đầu tư mang lại sự ổn định

Trong ít nhất 5.000 năm qua, người ta đã tôn sùng kim loại vàng lấp lánh như một thứ có giá trị, nhưng lịch sử của vàng với vai trò là kênh đầu tư thì mới hơn rất nhiều và có một số khúc quanh rất thú vị.

Kênh đầu tư này ra đời cách đây 53 năm, vào ngày 15/8/1971. Trước đó, vàng được xem là một loại siêu tiền tệ, nó là vật ngang giá chung được chấp nhận ở hầu hết quốc gia, châu lục. 

Mãi cho đến khi Tổng thống Mỹ lúc đó là Richard Nixon bãi bỏ hệ thống bản vị vàng Bretton Woods mà theo đó, đồng USD được neo vào vàng vào tháng Tám năm đó, thì vai trò siêu tiền tệ của vàng chấm dứt. Kể từ đó, giá của vàng biến động tự do và vàng đã đi được một chặng đường dài - không chỉ về mặt giá cả mà còn về tầm quan trọng của nó.

Người tích trữ vàng có thể học nhiều bài học có tầm quan trọng lớn, bởi vì vàng có những đặc tính nhất định có thể tận dụng. Hành trình của kim loại màu vàng với tư cách là một loại tài sản được cho là sẽ không sớm kết thúc. Trong mọi trường hợp, mức giá cao đạt được gần đây 2.483 USD/ounce (31,1 gram) cũng không hề ngăn cản người ta đầu tư vào vàng.

Người Đức nổi tiếng yêu thích kim loại quý. Tuy nhiên, kênh đầu tư vàng lại có một đặc điểm là không thể dự đoán trước. Bất cứ ai mua 1 ounce vàng ngày hôm nay sẽ không bao giờ biết được họ sẽ bán được nó với giá bao nhiêu sau 5 hoặc 10 năm nữa. Giá vàng dao động tương tự như chỉ số DAX hoặc các chỉ số chứng khoán khác. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy kênh đầu tư này có sức hấp dẫn lớn đối với những người kiên trì: Kể từ năm 1971, vàng đã tăng giá 8% mỗi năm.

Ngoài cổ phiếu, không có loại tài sản lưu động nào khác mang lại cho nhà đầu tư nhiều lợi nhuận hơn thế. Nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý tài sản I.C.M. Rolf Ehlhardt cho biết: "Kinh nghiệm 53 năm qua cho thấy vàng là một khoản đầu tư dài hạn".

Trên quan điểm của hầu hết các nhà đầu tư chuyên nghiệp, kim loại quý có tác dụng phân tán rủi ro và có thể làm giảm sự biến động của danh mục đầu tư tổng thể. Điều này là do giá vàng có thể biến động mạnh gần như cổ phiếu, nhưng lại chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố hoàn toàn khác nhau.

Giám đốc danh mục đầu tư tại BV & P Vermögens Markus Lautenschlager giải thích: "Đặc biệt là trong những thời điểm có nhiều bất ổn, chẳng hạn như trong khủng hoảng tài chính hoặc đại dịch COVID-19, vàng trở nên đắt hơn và được coi như một sự bổ sung cho danh mục đầu tư, mang lại mức độ ổn định nhất định khi giá cổ phiếu giảm".

Vàng có chu kỳ lớn

Như đường cong giá cho thấy, giá vàng dịch chuyển theo chu kỳ lớn. Sau sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm 1970 là đến suy thoái thị trường vàng kéo dài khoảng 20 năm, kể từ khoảng năm 1980. 

Kể từ đầu thiên niên kỷ này (Thiên niên kỷ thứ 3), xu hướng giá lại đi lên và dường như vẫn còn dư địa tăng trong chu kỳ lớn hiện tại, mặc dù động lực lần này khác với giai đoạn những năm 1970. Để hiểu điều gì đang thúc đẩy xu hướng tăng giá hiện tại, ta có thể xem lại quá khứ.

Trong nhiều thập kỷ, thị trường vàng bị chi phối bởi "khu vực chính thức", tức là các ngân hàng trung ương. Kể từ năm 1933, công dân Mỹ thậm chí còn bị cấm sở hữu vàng. Đến cuối Thế chiến thứ hai, cái gọi là hệ thống Bretton Woods được xác lập, định giá tất cả các loại tiền tệ phương Tây theo đồng USD, vốn được đảm bảo bằng vàng. 

Chỉ các ngân hàng trung ương như Ngân hàng trung ương Anh, Ngân hàng trung ương Pháp (Banque de France) và sau đó là Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank), mới được phép đổi USD lấy kim loại quý này tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và theo tỷ lệ cố định, gần đây nhất là 35 USD/ounce.

Thông lệ này kết thúc với việc bãi bỏ neo đồng USD với vàng vào năm 1971. Một thị trường vàng quốc tế được hình thành, trong đó, ngoài ngành trang sức, ngày càng có nhiều nhà đầu tư và đầu cơ tư nhân tham gia. 

Vàng có phải kênh đầu tư an toàn khi thị trường chứng khoán sa sút?- Ảnh 2.

Vàng miếng được trưng bày trong cuộc họp báo của Sàn giao dịch kim loại quý Singapore ở Le Freeport, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà quản lý danh mục đầu tư tại Societas Vermögensverwaltung Nicolas Pilz cho biết: "Sau khi Tổng thống Nixon bỏ chế độ bản vị vàng, giá vàng đã có thể tăng tự do trở lại trên thị trường". Mặc dù vậy, các ngân hàng trung ương phương Tây vẫn tiếp tục nắm giữ hàng nghìn tấn kim loại quý như một cách ghi nhớ hệ thống Bretton Woods.

Giá vàng tăng lên như thể được giải phóng, do sự bất ổn trong những năm đó với những yếu tố như kinh tế trì trệ, tỷ lệ lạm phát cao và nợ mới khổng lồ, khiến những người tiết kiệm phải tìm nơi ẩn náu trong một loại tài sản không bị ảnh hưởng bởi tất cả những điều này. Giá vàng đã tăng gấp 20 lần trong vòng một thập kỷ. 

Khi Mỹ và các nước Tây Âu tìm cách phá vỡ vòng xoáy tiền lương-giá cả, tức là sự dao động đi lên chung của giá cả và tiền lương, trong những năm 1980, kim loại quý này dần dần trở thành thứ yếu.

Trong những năm 1980 và 1990, vàng không được quan tâm như một kênh đầu tư, đặc biệt kể từ khi trái phiếu chính phủ thu hút người tiết kiệm với lãi suất cao và lạm phát vừa phải. Giá vàng chỉ được thúc đẩy trong thời gian ngắn bởi những cú sốc địa chính trị như Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, rồi nhu cầu lại trì trệ và giá trượt dốc từ hơn 800 USD/ounce xuống dưới 300 USD/ounce hồi đầu thiên niên kỷ. Nhiều tổ chức tài chính đã ngừng giao dịch kim loại quý này.

Vào cuối những năm 1990, các ngân hàng trung ương quan trọng của phương Tây như Ngân hàng trung ương Anh và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ thậm chí còn bắt đầu bán phần lớn dự trữ vàng của mình. Các cơ quan quản lý tiền tệ đồng loạt đánh giá rằng vàng không còn cần thiết như một mỏ neo giá trị nữa khiến giá vàng rơi xuống mức thấp nhất và đánh giá này đã sớm cho thấy là sai lầm.

1.000 tấn vàng

Kể từ đầu thiên niên kỷ, vàng đã trải qua một thời kỳ phục hưng đáng chú ý. Sự kiện ngày 11/9/2001 và hậu quả đã cho thấy rõ rằng thế kỷ mới không hề ổn định và hòa bình như mong đợi. Có lẽ điều quan trọng hơn nữa là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã bộc lộ những điểm yếu của hệ thống tài chính, khiến các nhà đầu tư muốn phòng ngừa một phần tài sản của họ bằng vàng trước những rủi ro cực đoan.

Cuộc săn lùng mức giá kỷ lục trong những năm gần đây còn có một động lực khác. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, các ngân hàng trung ương đã mua nhiều vàng hơn lượng bán ra. Trong hai năm qua, họ đã mua ròng hơn 1.000 tấn vàng, chiếm 1/4 sản lượng khai thác. Những khoản mua ròng này của "khu vực chính thức" hiện là yếu tố quyết định giá cả.

Vàng có phải kênh đầu tư an toàn khi thị trường chứng khoán sa sút?- Ảnh 3.

Vàng miếng tại Zimbabwe. Ảnh: LN 247/TTXVN

Không giống như thời kỳ Bretton Woods, chủ yếu các ngân hàng trung ương không thuộc phương Tây đang tăng lượng nắm giữ vàng, bao gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Họ muốn sử dụng vàng để đa dạng hóa nguồn dự trữ của mình và trở nên độc lập với đồng tiền dự trữ là đồng USD, đơn giản vì khoản nợ khổng lồ của Mỹ.

Giám đốc điều hành David Bienbeck của công ty quản lý tài sản Albrech&Cie giải thích: "Vàng đã được chứng minh là một công cụ phòng ngừa rủi ro tốt và là một tài sản cứng không có rủi ro đối tác, đặc biệt là trong bối cảnh nợ ngày càng tăng". Ông tin rằng việc lặp lại tình trạng trì trệ của giá vàng những năm 1980 và 1990 là khó có thể xảy ra.

Nguy cơ khủng hoảng địa chính trị trong tương lai là quá lớn, khiến vàng trở nên hấp dẫn như một biện pháp phòng ngừa cuối cùng. Mức nợ kỷ lục ở nhiều nước đặt ra nguy cơ biến động tài chính. Kim loại quý không có rủi ro về nhà phát hành, như trường hợp trái phiếu bằng đồng USD và đồng euro. Vàng không thể bị phá sản. Và là một vật thể, không giống như tiền gửi ngân hàng, vàng không thể dễ dàng bị tịch thu.

Nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng nắm giữ vàng với tốc độ nhanh chóng - như số liệu nửa đầu năm 2024 cho thấy - giá vàng tăng cao hơn nữa chỉ là vấn đề thời gian. Nếu siêu chu kỳ phát triển mạnh mẽ như những năm 1970 thì mức giá 10.000 USD/ounce sẽ nằm trong khả năng có thể xảy ra.

Đó sẽ là một cuộc hành trình vào những chiều không gian hoàn toàn mới.

THU HẰNG
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement