07/12/2024 09:02
Tương lai đồng USD: BRICS và vị thế thống trị kinh tế của Mỹ?
Trang tin Fresh News của Campuchia mới đây đăng tải bài viết với tiêu đề "Tương lai của đồng USD: Góc nhìn chi tiết về sự thống trị kinh tế" của tác giả Vichana Sar - nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC).
Nội dung chính của bài viết như sau: Sau lời khẳng định của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump về các quốc gia thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS và thách thức tiềm tàng của nhóm đối với sự thống trị của đồng USD, cần phải phân tích một cách chi tiết những hàm ý của tuyên bố này.
Tuyên bố táo bạo của ông Trump rằng bất kỳ động thái nào của các quốc gia BRICS nhằm tạo ra một loại tiền tệ thay thế [cho đồng USD] sẽ phải chịu mức thuế quan khắc nghiệt, đặt ra một số câu hỏi về tương lai của thương mại quốc tế, các mối quan hệ kinh tế và bối cảnh chung của tài chính toàn cầu.
Đồng USD từ lâu đã được coi là tiền tệ dự trữ chính của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư quốc tế. Sự thống trị của USD được hỗ trợ bởi một số yếu tố, bao gồm quy mô và sự ổn định của nền kinh tế Mỹ, độ sâu của thị trường tài chính và ảnh hưởng chính trị của Mỹ trên trường quốc tế.
Do đó, nhiều quốc gia nắm giữ lượng dự trữ USD đáng kể, sử dụng cho mục đích thương mại và như một chỗ dựa an toàn trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Tuy nhiên, sự thống trị này không phải là không có thách thức và điều quan trọng là phải nhận ra những biến động trong kinh tế toàn cầu.
BRICS đại diện cho một liên minh đang phát triển của các nền kinh tế mới nổi, cùng nhau chiếm một phần đáng kể trong GDP và dân số toàn cầu. Trong vài năm qua, các quốc gia này đã tìm cách tăng cường tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, tham gia vào nhiều sáng kiến khác nhau để củng cố mối quan hệ kinh tế giữa các nước.
Điều này bao gồm các cuộc thảo luận về việc tạo ra một loại tiền tệ mới cho thương mại, nếu thành hiện thực, có thể thách thức đáng kể vai trò của USD trong thương mại quốc tế.
Trong thế giới kết nối ngày nay, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là một thực tế không thể bỏ qua. Trong khi thông điệp của ông Trump phản ánh mong muốn khẳng định sức mạnh của Mỹ, tuyên bố này cũng có nguy cơ gây mất lòng các đối tác thương mại chính.
Việc áp dụng thuế quan 100% không chỉ làm gián đoạn quan hệ thương mại với các nước BRICS, mà còn có thể gây ra những biện pháp đáp trả, tiếp tục tác động tới nền kinh tế Mỹ. Một cách tiếp cận đối đầu như vậy có thể vô tình đẩy các quốc gia này lại gần nhau hơn, đẩy nhanh nỗ lực của BRICS trong việc phát triển những cơ chế giao dịch thay thế không phụ thuộc vào đồng USD.
Những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong đồng tiền kỹ thuật số và công nghệ chuỗi khối (blockchain), đang định hình lại bối cảnh tài chính. Sự gia tăng của tiền điện tử và việc tạo ra tiền điện tử của ngân hàng trung ương (CBDC) của nhiều quốc gia cho thấy sự chuyển dịch sang các hình thức tiền tệ thay thế có thể thách thức những hệ thống tài chính truyền thống.
Các quốc gia như Trung Quốc đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại mà không cần dựa vào đồng USD.
Khi các quốc gia tìm ra những đổi mới này, Mỹ có nguy cơ tụt hậu nếu không thích ứng với những thay đổi. Ngoài các chính sách kinh tế, Mỹ phải xem xét tầm quan trọng của quyền lực mềm và ngoại giao trong việc duy trì tầm ảnh hưởng của mình.
Cách tiếp cận quan hệ quốc tế không thể chỉ mang tính giao dịch; nó đòi hỏi phải xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác và giải quyết các thách thức toàn cầu một cách tập thể. Bằng cách áp dụng lập trường hợp tác hơn với các quốc gia BRICS và những nền kinh tế mới nổi khác, Mỹ có thể hướng tới một tầm nhìn chung về sự ổn định kinh tế có lợi cho tất cả các bên liên quan.
Cách tiếp cận này không có nghĩa là từ bỏ vị thế của đồng USD mà là thừa nhận những biến động của thương mại và tài chính toàn cầu. Bằng cách tham gia vào đối thoại cởi mở và giải quyết mối quan ngại của các quốc gia này, Mỹ có thể củng cố vai trò lãnh đạo, trong khi thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho sự tăng trưởng và đổi mới chung.
Tóm lại, trong khi lời khẳng định của ông Trump về các quốc gia BRICS có thể phản ánh mong muốn duy trì sự thống trị kinh tế của Mỹ, thì điều cần thiết là phải nhận ra sự phức tạp của bối cảnh tài chính toàn cầu.
Sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới nổi, những đổi mới công nghệ và sự kết nối của thương mại đều hướng đến một thực tế đang thay đổi, nơi mà sự thống trị của đồng USD không được đảm bảo.
Một cách tiếp cận chủ động và ngoại giao, bao gồm sự hợp tác thay vì đối đầu là điều vô cùng quan trọng để duy trì ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Bằng cách công nhận nguyện vọng của các quốc gia BRICS và tham gia vào cuộc đối thoại mang tính xây dựng, Mỹ có thể hướng tới một tương lai mà sức mạnh kinh tế được chia sẻ và lợi ích chung được ưu tiên.
Khi làm như vậy, Mỹ có thể đảm bảo rằng đồng USD vẫn là nền tảng của thương mại quốc tế, đồng thời cũng thích ứng với những biến động của nền kinh tế toàn cầu.
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement