Chia sẻ tại hội thảo “Cần Luật hoá Nghị quyết 42 để giải bài toán xử lý nợ xấu ngân hàng” ngày 19/2, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế trưởng BIDV – cho biết, tỉ lệ nợ xấu nội bảng tại thời điểm cuối năm 2021 vẫn duy trì ở mức thấp là 1,9%, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Tuy nhiên, tỉ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31%, cao hơn nhiều so với con số 5,1% vào cuối năm 2020.
Theo ông Lực, mặc dù tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh trong hai năm qua, nhưng rủi ro nợ xấu vẫn luôn hiện hữu. Trong khi đó, Nghị quyết 42 và Thông tư 14 sắp hết hiệu lực sẽ là áp lực rất lớn tới việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng trong thời gian tới.
Năm 2022, TS. Cấn Văn Lực dự báo tỉ lệ nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,3-2,5% và tỉ lệ nợ xấu gộp sẽ rơi vào khoảng 6%. Ông cũng cho rằng các chỉ số này có thể ở mức cao hơn nữa khi các quy định về cơ cấu nợ hết hiệu lực và nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.
Vị chuyên gia này đánh giá nợ xấu tăng là vấn đề toàn cầu, không riêng tại Việt Nam. Dẫn số liệu thu thập được, ông Lực cho biết nợ xấu tại Mỹ cũng tăng mạnh trong thời gian qua, với tỉ lệ gia tăng chủ yếu đến từ cho vay tiêu dùng và thẻ tín dụng. Đây là hai đối tượng chịu tác động mạnh nhất trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Tại Châu Á, tỉ lệ nợ xấu đồng loạt tăng từ Hàn Quốc, ASIAN 5, Trung Quốc. Theo ông Lực, đây là xu thế tất yếu trong bối cảnh sản xuất, kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân giảm.
Trong khi đó, ông Lực cho biết tỉ lệ nợ xấu ở thị trường Châu Âu lại giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do thực hiện rất nhiều nghiệp vụ bán và thanh lý nợ xấu. “Họ bán theo cơ chế thị trường, giá thị trường, bán đứt”, ông Lực nói.
Sớm luật hóa Nghị quyết 42
Trước áp lực nợ xấu tăng mạnh do thiếu sự hỗ trợ của khung pháp lý, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ xem xét đề xuất Quốc Hội sớm tổng kết Nghị quyết 42, tiến tới luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở rà soát, hoàn thiện và hệ thống hóa các quy định pháp luật liên quan.
Theo ông Lực, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng và có xu hướng gia tăng. Do đó, việc luật hóa nghị quyết sẽ góp phần giải quyết các vấn đề, vướng mắc phát sinh xoay quanh việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, Chính phủ, NHNN cũng như các cơ quan chức năng có liên quan sẽ có cơ sở để tổng kết thực tiễn, nghiên cứu và đề xuất ban hành đồng bộ các nghị định, thông tư quy định, hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý nợ.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất hai bước trong lộ trình luật hóa Nghị quyết 42. Bước một là có thể gia hạn, điều chỉnh, cập nhật phù hợp Nghị quyết 42 với thời gian gia hạn khoảng 3 năm để có thêm thời gian rà soát, chuẩn bị cho dự thảo luật, và kịp thời tháo gỡ những vướng mắc.
Bước hai là xây dựng Luật xử lý nợ xấu theo hướng phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế.