10/07/2018 07:50
Truyền thông bị tố làm ảnh hưởng đến việc cứu hộ đội bóng thiếu niên Thái Lan
Một số cơ quan truyền thông đưa tin về vụ đội bóng thiếu niên mất tích ở Thái Lan được cho là đã vi phạm an toàn khi tác nghiệp.
Theo giới chức Thái Lan, để có được thông tin, hình ảnh nhanh nhất về việc cứu hộ 12 cầu thủ nhí và huấn luyện viên bị mắc kẹt trong hang động Tham Luang, thuộc huyện Mea Sai (tỉnh Chiang Rai), một số đơn vị truyền thông đã vượt qua giới hạn cho phép trong việc tiếp cận thông tin.
Hình ảnh cho thấy thiết bị bay không người lái tiếp cận không an toàn với máy bay cứu hộ. |
Vào hôm 8/7 đã xuất hiện 2 trường hợp được xem là vi phạm nghiêm trọng.
Trường hợp thứ nhất, một đơn vị truyền thông đã sử dụng một thiết bị bay không người lái để áp sát trực thăng cứu hộ nhằm chụp ảnh người đầu tiên được cứu khi chiếc máy bay này đang trên đường chở bệnh nhân đến bệnh việc Chiang Rai. Người điều khiển thiết bị bay này cho biết đã xin phép một quan chức không quân, tuy nhiên Lực lượng Không quân Hoàng gia Thái Lan (RTAF) sau đó đã bác bỏ thông tin này.
Hiện RTAF đang phối hợp với Cơ quan Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) để điều tra sâu hơn về vụ vi phạm này.
Cũng trong ngày 8/7, một đài truyền hình đã sử dụng công nghệ để chiếm sóng vô tuyến của lực lượng cứu hộ, sau đó ghi âm cuộc hội thoại giữa các nhân viên với nhau và theo giới chức Thái Lan, đây cũng là điều không được phép, gây nguy hiểm cho việc giải cứu đội bóng.
Việc tìm kiếm phải dừng 20 giờ để tiếp tế oxy vào trong hang. |
Trước những vi phạm được cho là nghiêm trọng này, Tướng Churat Pan-ngao, phó Chỉ huy trưởng vùng 5 thuộc cảnh sát Thái Lan, người đang giám sát truyền thông tại hang động, đã yêu cầu họ các đơn vị truyền thông ngừng ngay các hoạt động được cho là vị phạm an toàn trên.
"Nếu họ cứ tiếp tục, chúng tôi sẽ xem xét nếu hành động đó là vi phạm pháp luật, chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý", Tướng Churat Pan-ngao cho biết thêm.
Trong một thông điệp được phát ra sau đó, ông Banyong Suwanpong, một thành viên của ủy ban đạo đức của Hiệp hội các nhà báo Thái Lan (TJA) và Hiệp hội các nhà báo truyền hình Thái Lan (TBJA) cũng đã yêu cầu các phương tiện truyền thông cần phải duy trì chuẩn mực trong việc đưa tin lẫn đạo đức nghề nghiệp.
"Họ (các phóng viên) phải tôn trọng những người cứu hộ, không can thiệp vào hoạt động của lực lượng này. Ngoài ra họ phải tôn trọng quyền và sự riêng tư của cá nhân, đặc biệt là những đứa trẻ và người thân của họ. Các phóng viên không chỉ chịu trách nhiệm với cơ quan truyền thông mà họ đang làm việc mà họ còn phải chịu trách nhiệm trước người dân Thái Lan. Do đó việc tìm mọi cách để tiếp cận thông tin nhanh nhất không phải là điều tiên quyết ", ông Banyong nói.
Nhiều đơn vị truyền thông đã vị phạm nguyên tác an toàn trong tác nghiệp. |
Trong một diễn biến liên quan đến việc giải cứu, tính đến chiều tối hôm qua (9/7), đã có 8 trong tổng số 13 người được đưa ra ngoài an toàn. Đợt giải cứu tiếp theo sẽ diễn ra ít nhất sau khoảng 20 giờ đồng hồ nữa để chờ tiếp thêm oxy vào trong hang.
Theo báo cáo trước đó của lực lượng cứu hộ, hàm lượng oxy trong hang có lúc chỉ còn 15% so với tiêu chuẩn 21% để đảm bảo sức khỏe cho con người. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cần nhiều oxy hơn cho chiến dịch.
Advertisement
Advertisement