11/04/2023 12:03
Trước khi dính lùm xùm bản đồ Việt Nam, Yody kinh doanh ra sao?
Trước khi bị kêu gọi "tẩy chay" vì đăng bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa, Yody chi đậm mời loạt nghệ sĩ, mục tiêu năm 2025 thành "kỳ lân", năm 2038 thành "công ty thời trang số 1 thế giới"
Yody, một thương hiệu thời trang Việt Nam mới đây bị phát hiện đăng tải một bài viết trên website và fanpage của Công ty Cổ phần Thời trang YODY với hình ảnh bản đồ thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay lập tức, Yody đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, đòi "tẩy chay" sản phẩm.
Trước sự cố này, hãng vừa ra thông báo xin lỗi về vụ việc. Yody cho biết đã lập tức rà soát toàn bộ nội dung liên quan và thừa nhận đã để xảy ra thiếu sót nói trên trong một video truyền tải thông điệp cảm ơn khách hàng nhân dịp kỷ niệm sinh nhật 9 tuổi của công ty.
"Sai sót này xảy ra do bộ phận truyền thông của chúng tôi đã sơ suất trong quá trình xử lý hình ảnh và kiểm duyệt nội dung của video", Yody lên tiếng sai sót này là không thể bao biện và gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam vì đã để xảy ra sự cố.
Các luật sư đánh giá, việc Yody đăng tải hình ảnh bản đồ Việt Nam thiếu 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa không chỉ làm ảnh hưởng tới uy tín của nhãn hàng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Theo đó, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành vi cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia trên mạng xã hội sẽ bị áp dụng mức phạt 10-20 triệu đồng.
Bắt đầu từ thương hiệu thời trang Hi5 ra đời năm 2009, Hi5 được đổi tên thành Yody vào năm 2014. Theo tìm hiểu, Công ty cổ phần thời trang Yody thành lập tháng 3/2017, trụ sở chính tại Hải Dương, ngành nghề chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.
Theo nội dung đăng ký thay đổi mới nhất vào tháng 10/2022, Yody có vốn điều lệ 452 tỷ đồng. Sáng lập của Yody là Nguyễn Việt Hòa (SN 1984). Ông Hòa cũng là CEO và đại diện pháp luật của doanh nghiệp.
Sau 9 năm xuất hiện trên thị trường, hiện Yody có hơn 230 cửa hàng trên 52 tỉnh thành toàn quốc. Các sản phẩm của thương hiệu này có thiết kế khá đơn giản, phổ biến với giá thành từ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng, do vậy được đông đảo giới công sở, thể thao ưa chuộng.
Trước khi xảy ra sự cố về truyền thông, Yody được biết đến là hãng thời trang rất tập trung đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo. Fanpage của thương hiệu hiện có hơn 1 triệu lượt thích, hơn 200 ngàn lượt follow trên TikTok với một số video hơn triệu lượt xem.
Thậm chí hồi 2021, CEO Yody Nguyễn Việt Hòa đã cùng cả gia đình trực tiếp Livestream. Sau hơn 90 phút chia sẻ, Yody đã thu về tổng số người tiếp cận lên tới 2 triệu, hơn 51 ngàn lượt chia sẻ, 6.800 like và 7.500 bình luận. 1021 đơn hàng thu về, đạt tổng doanh số trên 500 triệu (tính trong thời gian livestream).
Không chỉ vậy, thương hiệu thời trang này còn không ngại chi tiền để mời nghệ sĩ nổi tiếng như Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Nhã Phương, Trường Giang, diễn viên Hồng Diễm, Việt Anh để quảng bá sản phẩm.
Theo Báo Hải Dương, năm 2021 doanh thu Yody tăng từ 3-4 lần so với năm trước đó, tuy nhiên con số cụ thể không được tiết lộ.
Trên website, hãng này đặt mục tiêu đến năm 2025 là Công ty thời trang số 1 Việt Nam, đồng thời IPO và trở thành "Kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam. Tầm nhìn là đến năm 2038 trở thành công ty thời trang số 1 thế giới.
Theo dữ liệu của chúng tôi, trong những năm gần đây, tổng tài sản của Yody liên tục tăng lên đầy ấn tượng. Cụ thể, từ con số 54,2 tỷ đồng vào năm 2019, tổng tài sản của Yody tăng lên 221,4 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, con số này là 685,6 tỷ đồng. Như vậy chỉ sau 3 năm, tổng tài sản của doanh nghiệp này đã tăng hơn 12,5 lần.
Dù liên tục mở rộng hệ thống kinh doanh, nhưng lượng hàng tồn kho ngày một gia tăng, từ 9,6 tỷ đồng (2019), lên 87,4 tỷ đồng (2020). Đặc biệt, năm 2021, lượng hàng tồn kho của Yody chiếm gần 1/2 tổng tài sản của doanh nghiệp này, tương đương 311,3 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, những năm gần đây, Yody liên tục tăng vốn chủ sở hữu. Từ mức 11,3 tỷ đồng vào năm 2019, vốn chủ của doanh nghiệp tăng lên 13,9 tỷ đồng vào năm 2020. Đặc biệt, đến năm 2021, vốn chủ của Yody tăng vọt lên 109,6 tỷ đồng (gấp 8 lần so với năm trước).
Tuy vậy, vốn chủ gia tăng ấn tượng nhưng không thấm thoát gì so với số nợ phải trả của Yody. Trong giai đoạn 2019 - 2021, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng hơn 12,5 lần.
Cụ thể, từ mức 42,8 tỷ đồng vào năm 2019 (chiếm 77,7% nguồn vốn), nợ phải trả của Yody tăng vọt lên 207,5 tỷ đồng vào năm 2020 (chiếm 96,6% nguồn vốn). Đến năm 2021, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này lên tới 576 tỷ đồng (chiếm 84% nguồn vốn).
Phần lớn trong số nợ phải trả của Yody là nợ người bán và nợ vay. Từ mức vài chục triệu đồng, nợ vay của Yody đã tăng lên cả trăm tỷ đồng chỉ sau 3 năm.
Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19, Yody lại kinh doanh vô cùng hiệu quả. Từ mức hơn 70 tỷ đồng vào năm 2019, doanh thu thuần của Yody tăng lên 117,6 tỷ đồng vào năm 2020. Đến năm 2021, doanh nghiệp này cán mốc doanh thu gần 1.100 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi giá vốn bán hàng, lợi nhuận gộp của Yody lần lượt đạt 33 tỷ đồng (2019), 55 tỷ đồng (2020) và 559,7 tỷ đồng (2021).
Mặc dù vậy, khoản lợi nhuận này đã bị "bào mòn" bởi chi phí tài chính, lãi vay và chi phí quản lý doanh nghiệp. Sau khi trừ đi các khoản chi phí nêu trên, lợi nhuận sau thuế của Yody đã "bốc hơi" đáng kể và chỉ còn lại hơn 1 tỷ vào năm 2019 và hơn 2,5 tỷ vào năm 2020. Năm 2021, dù doanh thu vượt mốc nghìn tỷ, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp cũng chỉ có vỏn vẹn 11,1 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh tài chính của Yody là vấn đề dòng tiền. Mặc dù năm 2021 đạt mức doanh thu kỷ lục, nhưng dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp này lại âm tới 54,5 tỷ đồng.
Về lý thuyết, dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Để bù đắp dòng tiền, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, hoặc thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.
Với Yody, doanh nghiệp này chọn giải pháp tăng cường đi vay. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến việc nợ vay của công ty tăng mạnh trong các năm qua.
Thời gian gần đây, hãng thời trang của ông Nguyễn Việt Hòa liên tục thế chấp hàng loạt tài sản tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Hải Dương.
Cụ thể, ngày 29/3/2022, Yody sử dụng hàng loạt ô tô làm tài sản bảo đảm, gồm: 1 ô tô VinFast có biển số 43A-537.33; 1 ô tô tải pickup cabin kép Ford Ranger có biển số 34C-175.20; 1 ô tô Hyundai Santafe có biển số 34A-309.44 và 1 ô tô BMW có biển số 34A-365.21.
Cũng trong tháng 3/2022, Yody đem hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh, kể cả nguyên liệu, vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm, tồn kho, dự trữ hoặc chờ bán thuộc các mặt hàng quần áo và phụ kiện thời trang được hoặc có thể được sử dụng hoặc tiêu thụ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty để làm tài sản bảo đảm.
Mới đây nhất, ngày 28/2/2023, Yody dùng các khoản phải thu của mình hình thành từ vốn vay Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh Hải Dương làm tài sản bảo đảm.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp