Advertisement

icon icon img
Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Trung Quốc: Khi các gã khổng lồ công nghệ lần đầu đối mặt với ‘cơn gió ngược’

Doanh nghiệp

05/05/2021 07:51

Baoquocte.vn. Những ‘cơn gió ngược’ về pháp lý bắt đầu xuất hiện nhiều từ cuối năm 2020, gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc là nạn nhân đầu tiên.

Theo bài phân tích đăng trên The Straits Times (Singapore), lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc là những “người chiến thắng” trong đại dịch COVID-19 năm 2020 với doanh thu tăng mạnh nhờ sự chuyển đổi kỹ thuật số rộng rãi và giá cổ phiếu đạt tới những mức cao mới. Tuy nhiên, năm nay lại là một câu chuyện khác.

alibaba.jpg
Ngày 10/4, Alibaba đã bị tuyên án phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD vì buộc các tiểu thương phải chọn một trong hai nền tảng thương mại điện tử, của công ty hoặc của công ty khác, để kinh doanh, thay vì chọn cả hai. (Nguồn: The New York Times)

Mặc dù doanh thu của các công ty công nghệ tăng mạnh trong quý IV/2020, lĩnh vực này đang phải vật lộn với những khó khăn. Nhiều tên tuổi đầu ngành trong tháng 2/2021 đã chứng kiến lợi nhuận giảm từ 15% đến 25% so với mức đỉnh họ đạt được trước đây. Sự suy yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ đã kéo thị trường chứng khoán Trung Quốc đi xuống.

Phần lớn áp lực mà lĩnh vực công nghệ Trung Quốc phải đối mặt bắt nguồn từ chính sách điều tiết quyết đoán của Bắc Kinh nhắm đến các “gã khổng lồ” công nghệ và ngành công nghiệp Internet rộng lớn của nước này.

Chính phủ Trung Quốc không hài lòng với ảnh hưởng không thể kiểm soát của các tập đoàn công nghệ đối với nền kinh tế số. Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã đưa ra hàng loạt quy định và chế tài mới nhằm phá vỡ hoạt động độc quyền của các “ông lớn” Internet Trung Quốc. Các nhà đầu tư lo ngại rằng luật mới sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của lĩnh vực này.

Các công ty công nghệ bị "sờ gáy"

Những “cơn gió ngược” về pháp lý bắt đầu xuất hiện nhiều từ tháng 11/2020, và đến tháng 12, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba đã bắt đầu phải đối mặt với các cuộc điều tra về chống độc quyền. Kể từ đó, nhiều công ty Internet hàng đầu khác đã bị các cơ quan quản lý “sờ gáy”. Bắc Kinh đang tập trung vào 3 khía cạnh.

Trước hết, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu cấm các thuật toán hạn chế sự cạnh tranh và phân biệt đối xử đối với người dùng các nền tảng.

Ngày 10/4, Alibaba đã bị tuyên án phạt kỷ lục lên tới 2,8 tỷ USD vì buộc các tiểu thương phải chọn một trong hai nền tảng thương mại điện tử, của công ty hoặc của công ty khác, để kinh doanh, thay vì chọn cả hai.

Những “khu vườn có tường bao quanh” trực tuyến được thiết kế để “bẫy” người dùng và tiểu thương bên trong một hệ sinh thái Internet là đặc điểm của các nền tảng hàng đầu của Trung Quốc.

Sau đó, các nhà quản lý đã cảnh báo 34 công ty hàng đầu về Internet khác liên quan đến thương mại điện tử, giao đồ ăn, công nghệ tài chính và du lịch trực tuyến khắc phục những hành vi độc quyền như định giá phân biệt đối xử và trợ cấp quá mức trong vòng 1 tháng để tránh bị phạt tương tự.

Thứ hai, các cơ quan quản lý của Trung Quốc đã phản đối mạnh mẽ sự phát triển không được giám sát của lĩnh vực tài chính Internet.

Sau khi kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty Ant Financial (đơn vị tài chính thuộc Alibaba) bị đình chỉ vào đầu tháng 11/2020, chính phủ Trung Quốc gần đây thông báo Ant sẽ trở thành công ty tài chính được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) với những quy định được áp dụng tương tự như với các ngân hàng thương mại.

Ant cũng được yêu cầu loại bỏ dịch vụ kinh doanh cho vay khỏi hệ thống thanh toán của mình, với đòn bẩy tài chính được giới hạn trong phạm vi khoảng 12 lần. Trong khi đó, các đợt IPO của ít nhất 2 công ty công nghệ tài chính khác cũng đã bị dừng lại khi các quy định được thắt chặt.

Nhìn chung, các quy định mới giờ đây hạn chế công ty Internet trong việc cung cấp dịch vụ tài chính, trực tiếp giải quyết tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức và tập trung vào những rủi ro của vấn đề cho vay.

Thứ ba, Bắc Kinh đang tìm cách giám sát việc thu thập và sử dụng không giới hạn dữ liệu người dùng. Trên thực tế, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập một cơ chế quản lý dữ liệu, nỗ lực tạo sự cân bằng giữa sự kiểm soát mạnh mẽ hơn của chính phủ, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và khuyến khích một nền kinh tế số phát triển thịnh vượng, nơi dữ liệu được sử dụng như một nguồn lực then chốt cho sản xuất, cùng với đất đai, nguồn lao động và vốn.

Khi nền kinh tế Trung Quốc số hóa một cách nhanh chóng, các đạo luật mới đang được dự thảo nhằm đảm bảo các công ty công nghệ lớn bảo vệ dữ liệu người dùng và hạn chế thu thập dữ liệu quá mức.

Dữ liệu là một mảng kinh doanh lớn ở Trung Quốc, có giá trị ước tính 22,5 tỷ USD vào năm 2023, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường IDC. Việc rò rỉ dữ liệu và giao dịch ngầm thông tin cá nhân ngày càng trở thành thách thức cấp bách đối với các nhà quản lý.

Doanh nghiệp có thực sự bị ảnh hưởng?

“Luồng gió pháp lý” đang thay đổi ở Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới cũng đang đề xuất những quy định mới nhằm kiềm chế sự chi phối của các “gã khổng lồ” Internet.

Luật công nghệ của Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm vì đây được coi là những biện pháp mạnh tay đầu tiên của Bắc Kinh đối với ngành này.

Chiến lược điển hình thường thấy của Trung Quốc là phát triển trước rồi mới điều tiết. Điều quan trọng là Trung Quốc muốn ngăn chặn sự lạm dụng thị trường và những rủi ro mang tính hệ thống, nhưng không kiềm chế sự đổi mới sáng tạo.

Xét cho cùng, trung tâm của đối đầu Mỹ-Trung là lĩnh vực công nghệ. Bắc Kinh được cho là sẽ dựa vào các công ty công nghệ hàng đầu trong nước để dẫn đầu các ngành này trong tương lai.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 giai đoạn 2021-2025 của Trung Quốc chú trọng mạnh mẽ vào việc xây dựng một đất nước “Trung Quốc số” thông qua đổi mới sáng tạo và tự lực về công nghệ.

Bởi vậy, các biện pháp kiểm soát và mệnh lệnh tái cơ cấu đều sẽ được các công ty đáp ứng. Vụ kiện chống lại Alibaba chỉ gói gọn trong vòng chưa đến 4 tháng và số tiền phạt chỉ chiếm chưa đến 4% doanh thu năm 2019 của công ty này, so với mức tối đa 10% theo luật Trung Quốc.

Điều này cho thấy các hình phạt là nhằm mục đích ngăn chặn một số hành vi nhất định, nhưng không ảnh hưởng mạnh mẽ đối với công ty. Vì vậy, trong khi áp lực pháp lý có thể xuất hiện trong một thời gian, nhưng yếu tố này không có khả năng làm tổn hại sự tăng trưởng của bất kỳ công ty hay ngành nào.

Để đem lại lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng, các biện pháp giám sát tốt hơn sẽ giúp tạo ra một nền kinh tế số mở và cạnh tranh hơn. Trong ngắn hạn, một số công ty công nghệ Trung Quốc có thể nhận thấy tăng trưởng của họ chậm lại. Trong trung hạn, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc vẫn có vị thế tốt để tăng trưởng doanh thu ở mức hai con số.

Ngoài công nghệ, các phân khúc có giá trị cao và mang tính chu kỳ của Trung Quốc, như vật liệu xây dựng, dịch vụ tiêu dùng, nguyên vật liệu và ngân hàng, cũng có xu hướng được hưởng lợi từ thị trường mở cửa và sự phục hồi toàn cầu. Trung Quốc sẽ vẫn là một trong những thị trường chứng khoán được ưa thích ở châu Á.

HOÀNG NAM
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement