03/08/2020 11:49
Trung Quốc đang vượt Mỹ trong lĩnh vực công nghệ?
Trung Quốc đang bứt lên phía trước cả về công nghệ 5G cũng như mạng xã hội, giải trí và chơi game.
Theo đài Sputnik, suốt một thời gian dài, “thung lũng Silicon” đã trở thành thủ lĩnh tuyệt đối của lĩnh vực công nghệ thế giới. Tuy nhiên giờ đây, Trung Quốc đang bứt lên phía trước cả về công nghệ 5G cũng như mạng xã hội, giải trí và chơi game.
Mỹ đang dần đánh mất thế thượng phong?
Ví dụ điển hình nhất của điều này, đó là Facebook không còn là mạng xã hội đắt nhất thế giới. Tập đoàn đình đám của Mỹ đã bị công ty Tencent của Trung Quốc vượt xa về mặt vốn hóa, với giá trị lên đến 670 tỷ USD.
Cụ thể, giá cổ phiếu của Tencent trên thị trường chứng khoán Hong Kong trong năm 2020 đã tăng 45%, trong khi Facebook chỉ tăng 14% trên sàn chứng khoán New York. Giá trị vốn hóa của công ty Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh sau khi Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm phát hành trò chơi mới, vốn được áp dụng trong suốt 9 tháng. Ngoài ra, một phần đáng kể trong doanh thu của Tencent đến từ kinh doanh trò chơi điện tử với nhiều trò chơi hot như Honor of Kings hay Peacekeeper Elite.
Tencent là một ông hoàng công nghệ của Trung Quốc với các ứng dụng, nổi bật nhất là Wechat. Ảnh: Internet |
Tuy nhiên, Tencent không phải là cái tên gây chú ý duy nhất trong thời gian gần đây. Đầu năm nay, Alibaba cũng đã vượt Facebook về giá trị vốn hóa. Công ty này hiện đang đứng thứ sáu trên thế giới trong bảng xếp hạng những công ty “đắt” nhất, trong khi Tencent đang theo sát Alibaba và đứng ở vị trí thứ bảy. Điều này là minh chứng cho thấy ngay cả sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc liên quan đến đại dịch COVID-19 cũng không khiến các nhà đầu tư sợ hãi.
Trong khi đó, một cái tên khác cũng gây ra nhiều tranh cãi không kém trong thời gian gần đây, đó là tập đoàn công nghệ Huawei, Tập đoàn này sở hữu hơn 1/3 số bằng sáng chế trong công nghệ truyền thông 5G. Ngoài ra, bất chấp khủng hoảng, Huawei đã vượt qua Samsung và đứng đầu thế giới về doanh số điện thoại thông minh trong quý II/2020.
Trong bối cảnh đó, một số chuyên gia cho rằng việc Huawei bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ tại thời điểm hiện tại có tác động không đáng kể, không chỉ đối với Huawei mà còn đối với các công ty Trung Quốc khác.
Công ty khởi nghiệp đắt nhất trên thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI) SenseTime (Trung Quốc) vẫn lên kế hoạch huy động thêm 1 tỷ USD từ các nhà đầu tư tư nhân trong năm nay, trong khi đối thủ cạnh tranh là công ty Megvii của Trung Quốc cũng có kế hoạch tương tự. Một “nhà vô địch quốc gia” khác iFlytech, công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực nhận diện giọng nói, cũng tuyên bố rằng bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, doanh thu của công ty này đã tăng 51% trong năm.
Giờ đây, các công ty công nghệ Mỹ ở trong tình huống phải dùng đến lý lẽ để đối đầu với Trung Quốc khi họ biện minh cho hành động của mình với Chính quyền Mỹ hoặc muốn nhận bất kỳ ưu đãi nào. Cụ thể, trong cuộc họp gần đây của Tiểu ban pháp lý về Chính sách chống độc quyền của Quốc hội Mỹ tại Washington, những người sáng lập và quản lý cấp cao của các nhà công nghệ khổng lồ là Google, Facebook, Amazon, Apple đã liên tục chuyển hướng cuộc đối thoại sang chủ đề tiềm năng công nghệ đang phát triển của Trung Quốc và nhu cầu chống lại nước này, mặc dù họ được mời tới sự kiện hoàn toàn không phải vì mục đích này.
Google, Facebook, Amazon và Apple đã nhiều lần nhắc đến tầm quan trọng của mình đối với sự phát triển của nước Mỹ và rằng nhiệm vụ của họ là duy trì các giá trị tự do của Mỹ. Chẳng hạn, nhà sáng lập Mark Zuckerberg tuyên bố rằng Facebook là một công cụ trung gian dẫn truyền các giá trị Mỹ đến thế giới mà không phải ai cũng chia sẻ những giá trị này. Ông đã nêu Trung Quốc như một ví dụ về việc xây dựng một không gian mạng thay thế.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi Trung Quốc đã nổi lên và chiếm vị trí số một trong một số lĩnh vực, Mỹ vẫn vượt xa nước này về công nghệ nói chung. Chuyên gia về công nghệ Internet của Trung Quốc Liu Xingliang chia sẻ với đài Sputnik: “Bất chấp thực tế là công nghệ Trung Quốc đang phát triển rất nhanh, Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực này và Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh. Trong một số lĩnh vực cụ thể, Trung Quốc có lẽ đã vượt Mỹ và trở thành một trong các thủ lĩnh toàn cầu, song nếu nói về sức mạnh khoa học-kỹ thuật tổng hợp, thì ở đây Mỹ vẫn ở đứng ở vị trí thứ nhất”.
Trung Quốc có phải đối thủ thật sự?
Nhận định về tương quan thực tế giữa Facebook và Tencent, ông Liu Xingliang cho rằng Facebook hiện nay đang phải đối mặt với một số vấn đề ảnh hưởng đến giá trị vốn hóa của công ty. Trong khi đó, Tencent lại là một công ty hoạt động đa dạng hơn, chứ không chỉ trong lĩnh vực mạng xã hội.
Ông Liu Xingliang cho biết: “Tôi nghĩ rằng việc Tencent vượt Facebook chỉ là một tình tiết. Điều này xảy ra vì Facebook đã không đáp ứng được kỳ vọng. Trong hai năm qua, công ty đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể, bao gồm các khoản phạt nặng do các vấn đề riêng tư, can thiệp chính trị... Trong khi bản thân Facebook cũng có nhiều vấn đề. Và trong khi Facebook đang trong thời kỳ suy thoái thì ngược lại, Tencent đã chứng kiến sự bùng nổ tăng trưởng.
Ngoài ra, Facebook chủ yếu là một mạng xã hội còn Tencent không giới hạn trong lĩnh vực này. Hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho công ty là phát triển trò chơi. Do đó, cạnh tranh ở đây không chỉ là trong lĩnh vực mạng xã hội. Ngoài ra, có thể Facebook chỉ tạm thời bị tụt lại phía sau. Nếu công ty Mỹ giải quyết vấn đề của mình và chỉnh đốn lại mọi thứ thì có lẽ Facebook sẽ lại vượt Tencent về mặt vốn hóa”.
Ảnh minh họa. |
Đúng là bí quyết thành công của Tencent, Alibaba và các công ty Trung Quốc khác nằm ở sự hoạt động kinh doanh đa lĩnh vực. WeChat của Tencent không chỉ là ứng dụng nhắn tin, mà là một siêu ứng dụng thông qua đó bạn có thể thực hiện thanh toán điện tử, đặt thức ăn, đặt khách sạn, vé máy bay, đặt lịch hẹn với bác sĩ… Một số vùng của Trung Quốc còn thử nghiệm coi tài khoản WeChat ngang bằng chứng minh nhân dân.
Hầu hết các chuyên gia thừa nhận rằng, nếu sống ở Trung Quốc dù chỉ một ngày mà không sử dụng bất kỳ dịch vụ WeChat hoặc Alibaba nào là điều rất khó. Đương nhiên, trong điều kiện như vậy, doanh thu của các công ty gia tăng, thậm chí trong điều kiện khủng hoảng.
Tuy nhiên, có một thực tế là phần lớn các công ty Trung Quốc không phải là đối thủ cạnh tranh với các “đồng nghiệp” người Mỹ. Các công ty Mỹ được hoạt động ở các thị trường song song. Facebook và Google bị chặn ở Trung Quốc. Thay vào đó, thị trường nội địa Trung Quốc bị chiếm bởi các “nhà vô địch” quốc gia của mình.
Tencent và Alibaba dù “làm mưa làm gió” tại quê hương nhưng lại không quá hung hăng ở thị trường nước ngoài. Mặc dù dịch vụ thanh toán di động của hai công ty này hoạt động cả ở phạm vi nước ngoài, song các dịch vụ chủ yếu dành cho công dân Trung Quốc có tài khoản tại các ngân hàng Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, sự tương tác của các công ty phương Tây và Trung Quốc không phải là sự cạnh tranh mà là sự phân chia phạm vi ảnh hưởng. Trên thực tế, đây là sự khác biệt chính giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ. Ngoài Huawei, không có “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc nào thực sự trở thành một công ty toàn cầu. Đây là điểm yếu hiện tại của họ, chuyên gia nhận định: “Tôi nghĩ một trong những vấn đề chính của các công ty Trung Quốc là thiếu tính quốc tế hóa. Chúng tôi thấy rằng doanh thu của các công ty Trung Quốc chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, các công ty Mỹ như Apple, Microsoft, Amazon, Google và Facebook đều là những công ty toàn cầu. Do đó, toàn cầu hóa là bước quan trọng nhất tiếp theo mà tất cả các công ty Trung Quốc đều phải hướng đến. Ngoài ra, áp lực của Mỹ đối với Huawei cho thấy những công ty này rất yếu kém trong nghiên cứu và phát triển cơ bản, và rất dễ dàng bị tước đi chip hoặc hệ điều hành. Do đó, điều quan trọng là phát triển năng lực trong nghiên cứu cơ bản”.
Mặc dù vậy trong tiềm năng ngắn hạn, “tính địa phương” của các công ty Trung Quốc có một lợi thế rõ ràng, đó là họ ít chịu tác động từ các lệnh trừng phạt và cáo buộc về độc tính từ các chính trị gia phương Tây. Thành công hiện tại về doanh số của điện thoại thông minh Huawei chủ yếu là do sức cầu trong nước. Nhà cung cấp Trung Quốc đã bán được 55,8 triệu chiếc điện thoại thông minh trong quý II/2020, trong khi Samsung chỉ bán được 53,7 triệu chiếc. Tuy nhiên, 70% doanh số của Huawei là ở thị trường Trung Quốc. Vì vậy, các công ty Trung Quốc dựa vào nhu cầu trong nước trong chiến lược kinh doanh của họ.
Có thể nói, những lời hoa mỹ về mối đe dọa của Trung Quốc tại Mỹ đang trở thành một xu hướng chính trị thời thượng và các doanh nghiệp đang cố gắng sử dụng điều này để trục lợi. Lần đầu tiên ông Zuckerberg nói về việc đối đầu với Trung Quốc là vào năm ngoái, khi ông được triệu tập vào Quốc hội liên quan tới dự án tiền điện tử siêu quốc gia Libra.
Mặc dù thực tế là Facebook, với 2,3 tỷ người dùng trên toàn thế giới, có những lợi thế không thể phủ nhận để phổ biến tiền điện tử so với các công ty Trung Quốc hoạt động ở thị trường nội địa, người sáng lập Facebook vẫn cố gắng thuyết phục giới tinh túy Washington rằng nếu không cho phép đồng Libra thì Trung Quốc sẽ chiếm vị trí này.
Mặc dù vậy, sau đó những lập luận này đã không mang lại kết quả và không chỉ Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mà cả các tổ chức châu Âu cũng coi đồng Libra là mối đe dọa đối với sự ổn định và an ninh tài chính.
(Nguồn: TTXVN)
Advertisement
Advertisement