Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Trump ngay lập tức "dịu giọng" sau động thái mới của Kim Jong-un, Triều Tiên và Mỹ có ý đồ gì?

Phân tích

24/03/2019 12:30

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 cho biết ông đã ra lệnh rút lại những biện pháp trừng phạt có liên quan đến Triều Tiên do Bộ Tài chính Mỹ công bố gần đây.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Trump viết: "Những lệnh trừng phạt quy mô lớn do Bộ Tài chính công bố hôm nay đã được bổ sung vào những lệnh trừng phạt tồn tại từ trước nhằm vào Triều Tiên. Hôm nay, tôi đã ra lệnh rút lại những lệnh trừng phạt bổ sung đó".

Hiện chưa rõ chính xác ông Trump đề cập tới những biện pháp trừng phạt nào. Tuy nhiên, chiều 21/3 (giờ Mỹ), Washington đã liệt hai công ty tàu biển của Trung Quốc vào danh sách đen, với cáo buộc hỗ trợ Triều Tiên né tránh các lệnh trừng phạt của Washington có liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời đưa ra một bản danh sách tư vấn cập nhật về 67 tàu thuyền liên quan tới các giao dịch xăng dầu hoặc được cho là đã nhập than của Triều Tiên.

Trong một cuộc họp báo sau đó tại Nhà Trắng, báo giới đã chất vấn Bộ Tài chính và Hội đồng An ninh quốc gia về các biện pháp cụ thể mà Tổng thống ra lệnh hủy bỏ nhưng không được hồi đáp.

Trump ngay lập tức

Trên thực tế, Bộ Tài chính Mỹ đã không hề đưa ra loạt trừng phạt mới nào nhắm vào Triều Tiên trong ngày 22/3. Nhật báo The Washington Post dẫn nguồn tin từ một số giới chức giấu tên trong chính quyền Mỹ, cho hay thông điệp trên Twitter của Tổng thống chỉ liên quan đến một số trừng phạt Bộ Tài chính dự kiến sẽ đưa ra “trong những ngày tới”.

Theo hãng tin Pháp AFP, tuyên bố của nguyên thủ Mỹ ngay lập tức bị phe đối lập phản đối. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, chính trị gia đảng Dân chủ Adam Schiff, lên án việc Tổng thống yêu cầu hủy bỏ “các trừng phạt vừa được thực hiện ngày hôm qua”, do chính cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống chủ trương.

Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, khi thông báo về các trừng phạt nhắm vào hai công ty vận tải biển Trung Quốc, đã nhấn mạnh mục đích ngăn chặn “các hoạt động bất hợp pháp” của chế độ Bình Nhưỡng trong lĩnh vực vận tải biển.

Ngày 21/3, lần đầu tiên kể từ sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai kết thúc mà không đạt thỏa thuận tại Hà Nội, Washington nối lại việc trừng phạt các công ty vi phạm lệnh cấm vận của Liên hợp quốc, nhằm gây áp lực buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Theo giới quan sát, điều đáng chú ý thông báo trên bất ngờ được đưa ra chỉ ít giờ sau khi Bình Nhưỡng đột ngột quyết định rút đại diện khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều. Văn phòng được thiết lập từ tháng 9/2018 vốn được coi là một trong những tiến bộ lớn trong tiến trình hòa giải giữa hai miền Triều Tiên. Việc Triều Tiên rút đại diện là một dấu hiệu cho thấy quan hệ Bình Nhưỡng - Seoul đang xấu đi.

Hãng tin Yonhap dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng bằng cách rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều, Triều Tiên dường như đang tăng cường áp lực ép Seoul đóng vai trò lớn hơn trong việc thuyết phục Mỹ nhượng bộ trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.

Các quan chức Triều Tiên đã rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều tại thị trấn biên giới Kaesong của nước này vào ngày 22/3 mà không đưa ra một lý do rõ ràng. Việc này đánh dấu bước thụt lùi hữu hình đầu tiên trong tiến trình hòa giải mà hai miền Triều Tiên theo đuổi trong năm qua, và cho thấy rõ thực tế rằng sự cải thiện trong quan hệ liên Triều phụ thuộc phần lớn vào tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ.

Văn phòng liên lạc đã ra đời để tạo điều kiện trao đổi và hợp tác liên Triều theo thỏa thuận mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 4/2018.

Trump ngay lập tức

Thông báo về quyết định của Triều Tiên, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Chun Hae-sung cho biết không có dấu hiệu bất thường nào được phát hiện trong tuần qua, song cuộc họp hàng tuần giữa ông Chun và người đồng cấp Triều Tiên đã không được tổ chức kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội vào cuối tháng trước.

Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần thứ hai rất được mong đợi đã kết thúc mà không đạt thỏa thuận vì hai bên không thu hẹp được sự khác biệt về phạm vi các bước phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và sự nới lỏng trừng phạt của Washington.

Ông Trump và các quan chức Mỹ khác nói rằng Triều Tiên yêu cầu dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt khi đề xuất phi hạt nhân hóa tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, Triều Tiên đã bác bỏ điều này, nói rằng họ chỉ yêu cầu nới lỏng trừng phạt một phần. Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là một đòn giáng mạnh vào Hàn Quốc, nước đang thúc đẩy các dự án xuyên biên giới để giữ Bình Nhưỡng trên con đường phi hạt nhân hóa.

Ông Cheong Seong-chang, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Sejong, cho rằng Triều Tiên dường như đã quyết định rút khỏi Văn phòng liên lạc liên Triều để gây áp lực, thúc ép Seoul đóng vai trò tích cực hơn trong việc thuyết phục Washington. 

Các chuyên gia cho rằng Seoul nên có động thái đáp lại kịp thời, cho dù bằng cách cử một đặc phái viên tới Triều Tiên hay tổ chức Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ tư, lưu ý rằng cơ hội Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Triều Tiên, như giải pháp từng bước hoặc dỡ bỏ trừng phạt một phần, là thấp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát biểu trong diễn văn ngày đầu năm mới rằng ông sẵn sàng khởi động lại hai dự án liên Triều, trong đó có khu công nghiệp chung Kaesong, mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Tổng thống Moon cũng đã đề nghị sử dụng các dự án kinh tế liên Triều như một công cụ để thuyết phục Triều Tiên, song Mỹ cảnh báo rằng cách tiếp cận như vậy có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.

CHẤN HƯNG (t/h)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement