Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

Triều Tiên kiếm chục triệu USD nhờ 'bạch hổ, ngựa ô'

Vĩ mô

05/10/2017 10:42

Buôn bán tranh nghệ thuật, nhận hợp đồng xây tượng đài... là những cách vẫn mang về lợi nhuận đáng kể cho Triều Tiên mà có thể né tránh cấm vận quốc tế.

Ngồi bên cửa sổ trong bộ trang phục giản dị, các họa sĩ Triều Tiên hăng say với công việc của mình. Một số người tái tạo lại bức tranh nông thôn bình dị dựa trên ảnh chụp từ máy tính. Người thì vẽ đàn ngựa đang chạy, trong khi thả mình theo điệu nhạc từ tai nghe.

Chín họa sĩ trên là nhân viên của Mansudae Art Studio, cơ sở sản xuất tác phẩm nghệ thuật lớn nhất Triều Tiên. Mỗi ngày họ đến làm việc tại xưởng ở thành phố Đan Đông, Trung Quốc.

Bức tranh với tựa đề "Ký ức". Ảnh: Reuters.

Rất nhiều nhà xưởng như vậy mọc lên ở biên giới Trung - Triều. Hàng nghìn họa sĩ Triều Tiên làm việc tại các cơ sở này để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ khách hàng Trung Quốc. "Khi người Trung Quốc bắt đầu có thói quen sưu tầm tranh thì những tác phẩm của nghệ sĩ Triều Tiên vừa dễ tìm vừa dễ mua", Park Young Jeong, nhà nghiên cứu tại Viện Du lịch và Văn hóa Triều Tiên ở Seoul, nói.

Né tránh cấm vận

Những năm gần đây, khi thế giới liên tục trừng phạt Triều Tiên vì những vụ thử hạt nhân và tên lửa, thì Mansudae và các xưởng nghệ thuật ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Bình Nhưỡng tạo nguồn thu từ nước ngoài. Nếu như khai thác mỏ khoáng sản, tài chính, vũ khí là các kênh bị cấm; thì hội họa được xem là một cách giúp thúc đẩy thấu hiểu văn hóa của nhau nên nằm trong phạm vi "an toàn".

Mansudae là cơ sở thuộc sự quản lý của nhà nước Triều Tiên. Những sản phẩm của họ rất đa dạng, từ tượng lãnh đạo cho đến tranh ảnh tuyên truyền... Nơi này đã xây tượng đài ở ít nhất 15 quốc gia châu Phi.

Hồi tháng 2, một tổ chức độc lập chuyên theo dõi việc thực hiện cấm vận của Liên Hợp Quốc cho biết các dự án nước ngoài của Mansudae trên thực tế là bức bình phong để Bình Nhưỡng thúc đẩy các các hợp đồng quân sự. Ngoài việc xây tượng, nhóm này cho biết Mansudae còn xây cơ sở quân sự như kho lưu trữ vũ khí và nhà máy ở Namibia.

Một tượng đài gần hoàn thành do Mansudae thực hiện ở Senegal. Ảnh: Reuters.

Một nhà ngoại giao Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc khẳng định Mansudae không liên quan đến ngân sách cho các chương trình vũ khí. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng qua mặt các chuyên gia quốc tế.

Hồi năm 2016, Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc chính thức cấm vận hạng mục xây tượng của Mansudae. Đến đầu tháng 8 vừa qua, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành nhiều vụ thử nghiệm vũ khí hơn, HĐBA đã đưa Mansudae vào danh sách đen, bao gồm việc đóng băng tài sản toàn cầu của cơ sở này cũng như lệnh cấm đi lại với các cá nhân chủ chốt.

"Với sự mạnh tay này, những thứ mà Mansudae làm ra, từ tranh vẽ, tượng đài, công trình xây dựng... sẽ không thể bán được", một nhà ngoại giao ở HĐBA nói.

Với nghị quyết nghiêm ngặt hơn vào ngày 11/9, HĐBA quyết định tất cả mọi liên doanh với những đơn vị và cá nhân Triều Tiên phải được chấm dứt trong vòng 120 ngày, thời hạn chót là vào giữa tháng 1/2018. Lệnh cấm này sẽ gây tác động đến Mansudae thế nào vẫn còn là điều chưa được biết rõ.

Bức tranh tái hiện cảnh giải cứu trên biển. Ảnh: Reuters.Người Triều Tiên cũng vẽ tranh chứ không chỉ chế bom

Tại một quận ở thủ đô Bắc Kinh, Mansudae thuê văn phòng mà họ tuyên bố là phòng triển lãm chính thức duy nhất ở nước ngoài. Ji Zhengtai, người đứng đầu cơ sở này, khẳng định cấm vận không ảnh hưởng đến việc làm ăn của Mansudae.

"Hơn bao giờ hết, chúng tôi cần những địa điểm như vậy để tạo ra cơ hội cho thế giới hiểu biết về Triều Tiên", ông Ji nói.

Dữ liệu công khai để tính toán giá trị các hợp đồng làm ăn của Mansudae gần như là không có. Tuy nhiên, một nhà ngoại giao tại HĐBA cho biết Mansudae có thể kiếm được hàng chục triệu USD từ những phi vụ khắp thế giới.

Website của Mansudae cho biết cơ sở hãng này tại Bình Nhưỡng có diện tích 120.000 m2, tuyển dụng 4.000 lao động, trong đó có khoảng 1.000 họa sĩ. Họ được phân thành 13 nhóm sáng tạo, làm việc tại 7 điểm sản xuất với sự hỗ trợ của hơn 50 phòng cung ứng.

Pier Luigi Cecioni là một người Italia chuyên cung cấp các tác phẩm của Mansudae để bán ra thị trường. Chúng được bán theo hai cách: đặt hàng trực tiếp hoặc tại các triển lãm nghệ thuật. Cecioni khẳng định phần lợi nhuận sẽ chi trả trực tiếp cho các họa sĩ và mua sắm trang thiết bị. Các giao dịch được thực hiện giữa khách hàng với công ty của ông tại Italia, chứ không phải với Mansudae, nên không bị chịu ảnh hưởng bởi cấm vận.

Bức tranh "Hổ băng qua tuyết" của họa sĩ người Triều Tiên tên Kim Chol. Ảnh: Reuters.

"Tôi không bao giờ muốn rắc rối với chính quyền Italia hay Mỹ. Tôi có những mối liên hệ rất thân thiết, đặc biệt là với các cơ quan Italia. Họ giúp tôi hiểu rõ để tuân thủ luật lệ", Cecioni nói.

Hồi tháng 9, sau cấm vận mạnh tay của HĐBA, Cecioni nói ông không có ý định ngưng việc làm ăn. "Tôi tin rằng công việc này rất quan trọng, để giúp thế giới hiểu người Triều Tiên cũng bình thường như chúng ta. Họ vẫn sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật chứ không chỉ làm ra bom hoặc hạt nhân".

Tại Trung Quốc, Bộ Thương mại nước này ra thông tư quy định những tác phẩm xuất xứ từ Mansudae sau này sẽ không còn được ghi cụ thể tên của hãng. Tuy nhiên, bộ không phản hồi trước đề nghị bình luận của báo chí.

Cuộc chơi lâu dài

Gai Longji, đại diện xưởng mỹ thuật Đan Đông hợp tác với Mansudae, khẳng định: "Chúng tôi không liên quan đến chính trị. Chúng tôi chỉ làm công việc nghệ thuật sáng tạo".

Cơ sở của Gai tiếp nhận khoảng 500 họa sĩ Triều Tiên đến làm việc từ năm 2014, có người ở lại khoảng 6 tháng, có người thì ở lại 3 năm. Một số bức ảnh rất được ưa chuộng, có khi được mua với giá rất cao đến 100.000 USD.

Một người đang ngắm các bức tranh do họa sĩ Triều Tiên vẽ, được trưng bày tại phòng triển lãm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters.

Khoảng 30 chuyên gia, từ những nhà sưu tập, sử gia, học giả và những đầu mối buôn bán tranh ảnh Triều Tiên toàn cầu, cho biết lợi nhuận của những sản phẩm này rất khiêm tốn; so với hàng tỷ USD mà Triều Tiên thu về hàng năm nhờ bán than đá và các khoáng sản khác.

Dẫu vậy, các nhà ngoại giao Triều Tiên ở châu Âu vẫn rất hăng hái tổ chức các buổi trưng bày, triển lãm nhằm kiếm thêm ngoại tệ.

Tại Trung Quốc, nhu cầu sưu tầm tranh ảnh Triều Tiên ngày càng gia tăng. Những du khách muốn đến du lịch Triều Tiên bắt buộc phải đi qua cửa ngõ từ Đan Đông. Tại đây, họ có thể thưởng thức món mì lạnh đặc sản Triều Tiên, ngắm những nữ ca sĩ Triều Tiên múa hát, và mua tranh Triều Tiên.

Koen De Ceuster, chuyên gia nghiên cứu nghệ thuật Triều Tiên tại Đại học Leiden, cho biết gần như mỗi bộ và các chính quyền địa phương ở Triều Tiên đều có xưởng nghệ thuật riêng bên cạnh Mansudae là cơ sở lớn nhất.

Giám đốc phòng trưng bày nghệ thuật Mansudae ở Bắc Kinh, ông Ji Zhengtai, bên cạnh một tác phẩm của một họa sĩ Triều Tiên. Ảnh: Reuters.

Một cơ sở quy mô khác là Paekho, nghĩa là "bạch hổ", là đầu mối bán tranh lớn nhất ở Đan Đông. Những nhà sưu tập từng mua tranh của Paekho cho biết nơi này do quân đội Triều Tiên trực tiếp điều hành, nhưng thông tin này không thể kiểm chứng độc lập. Các sản phẩm của Paekho rất đa dạng, thậm chí bao gồm một bức tranh tuyên truyền kêu gọi "thế giới không hạt nhân".

Nếu như nghị quyết ngày 5/8 của HĐBA nêu đích danh Mansudae, thì nghị quyết ban hành tháng 9 mở rộng áp dụng đối với những phi vụ liên quan đến người lao động Triều Tiên. Các đầu mối ở Đan Đông lo lắng việc kết hợp cả hai cấm vận chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh mỹ thuật.

Tuy nhiên, họ cho biết vẫn có những cách để né tránh cấm vận. Chẳng hạn tranh của Mansudae nhưng sẽ được bán ra theo tên của một xưởng vẽ khác chưa bị đưa vào danh sách cấm; còn các họa sĩ đến Trung Quốc theo diện thị thực trao đổi văn hóa chứ không phải đi làm việc.

Zhao Ziangchen, một thương nhân người Trung Quốc, cho biết khách hàng ngày càng cảnh giác vì những cấm vận áp đặt lên Triều Tiên. "Nhưng tôi đang chơi một cuộc chơi lâu dài. Vẫn còn rất nhiều tài năng nghệ thuật ở Triều Tiên trong khi nhu cầu ở thị trường Trung Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng".

MINH ANH (Zing)
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement