16/09/2017 09:59
Triều Tiên bí mật nâng cấp tên lửa cũ khủng khiếp hơn
Triều Tiên được cho là không chỉ tập trung phát triển các loại tên lửa mới với tầm phóng ngày càng xa hơn mà còn tìm cách cải tiến các tên lửa thế hệ cũ để biến chúng trở thành những loại vũ khí nguy hiểm hơn.
Hồi cuối tháng 8, Triều Tiên từng phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Trước đó vài ngày, Bình Nhưỡng cũng đã phóng liên tiếp 3 tên lửa khác về phía biển Nhật Bản.
Mặc dù các thông tin tình báo ban đầu đưa ra những suy đoán khác nhau về 3 quả tên lửa mà Triều Tiên phóng trong cùng một ngày hôm 26/8, nhưng Mỹ hiện giờ tin rằng Bình Nhưỡng đã thử nghiệm một phiên bản mới của một trong những tên lửa lâu đời nhất của nước này.
Báo cáo ban đầu của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho biết toàn bộ 3 tên lửa mà Triều Tiên phóng đi hôm 26/8 đều thất bại, tuy nhiên báo cáo này sau đó đã được sửa lại, trong đó nói rằng chỉ có 1 trong số 3 quả đã phát nổ khi đang bay.
Theo các nguồn tin của chính phủ Mỹ, 3 tên lửa mà Triều Tiên đã phóng liên tiếp là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn mới, một biến thể của tên lửa Scud-B với tên gọi KN-21.
Tên lửa Scud-B, hay còn được biết đến với tên gọi Hwasong-5, được cho là tên lửa đạn đạo đầu tiên của Triều Tiên. Loại tên lửa này bắt đầu được Bình Nhưỡng đưa vào kho vũ khí của mình từ những năm 1970.
Triều Tiên từng thử nghiệm một tên lửa Scud-C cải tiến, hay còn gọi là KN-18, hồi tháng 5. KN-21 chính là thế hệ vũ khí “đàn em” của KN-18.
Tên lửa KN-18 xuất hiện lần đầu tiên trong lễ diễu binh tại Triều Tiên hồi tháng 4. Một tháng sau đó, Bình Nhưỡng cũng đã phóng thử thành công loại tên lửa này. Các báo cáo ban đầu nhận định KN-18 là tên lửa đạn đạo chống hạm, nhưng sau đó thông tin này được cho là không chính xác.
Triều Tiên thường khiến cộng đồng quốc tế chú ý với các loại tên lửa tầm xa như tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14. Các tên lửa hiện đại này tầm phóng xa hơn, thậm chí có đặt nhiều khu vực ở lục địa Mỹ vào tầm ngắm. Ngoài ra, chúng cũng có thể mang theo bom nhiệt hạch để tăng tính sát thương.
Tuy nhiên, ngoài phát triển các vũ khí mới, Triều Tiên vẫn đang nỗ lực tìm cách nâng cấp các tên lửa đời cũ để biến chúng thành các cỗ máy sát thương hiện đại.
Khả năng cơ động giai đoạn cuối của các tên lửa mới được Triều Tiên cải tiến sẽ cho phép các tên lửa này xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương, ví dụ như hệ thống đánh chặn được triển khai tại Hàn Quốc, đồng thời tiến hành các cuộc tấn công với độ chính xác cao.
Sau vụ thử nghiệm hồi tháng 5, Triều Tiên tuyên bố tên lửa KN-18, phiên bản tên lửa Scud-C cải tiến, chỉ bắn lệch mục tiêu khoảng 7m. Như vậy, trong trường hợp xảy ra xung đột với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng có thể sử dụng chính các tên lửa đạn đạo tầm ngắn này để tấn công các căn cứ quân sự của đối phương bằng các đầu đạn thường hoặc đầu đạn hạt nhân.
Advertisement