12/08/2017 07:27
TP.HCM xử phạt 98 trường hợp vi phạm phòng chống sốt xuất huyết
98 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch sốt xuất huyết bị xử phạt từ 1-2 triệu đồng/trường hợp. Hiện cả nước đã có 24 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) chủ trì cuộc họp cập nhật tình hình sốt xuất huyết và tay chân miệng ở phía Nam tại Viện Pasteur, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 11/8.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong năm 2017, dịch sốt xuất huyết đã giảm so với những năm gần đây, có tỷ lệ mắc 68 người/100.000 dân, thấp hơn so với một số nước và tỷ lệ tử vong thấp nhất so với những quốc gia trong khu vực.
Từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 80.555 trường hợp mắc bệnh, trong đó có 69.085 trường hợp nhập viện. Tính đến nay đã có 24 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết.
Theo Bộ Y tế số người mắc bệnh tập trung ở miền Nam chiếm 57,8%, miền Trung 16,8%. Khu vực miềnBắc tỷ lệ người mắc bệnh thấp hơn, chiếm 21,9%. Tuy nhiên, gần đây gia tăng số trường hợp mắc tại Hà Hội.
Cũng tại cuộc họp này, Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết, từ đầu năm nay, TP.HCM ghi nhận 12.500 ca sốt xuất huyết nhập viện. Thời gian gần đây, mỗi tuầncác bệnh viện trên địa bàn thành phố tiếp nhận khoảng 500 ca sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Dũng, dịch sốt xuất huyết tại thành phố năm nay giảm hơn so với những năm trước.
Để chủ động phòng chống dịch, vừa qua ngành chức năng TP.HCMđã xử phạt 98 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch sốt xuất huyết, mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng/trường hợp.
Giải thích về nguyên nhân xử phạt, bác sĩ Dũng cho rằng, do các trường hợp không chấp hành việc phòng chống dịch, cố tình tạo điều kiện cho dịch bệnh tái phát…
Theo ông Phu, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể thành dịch do virus Dengue gây ra với 4 tuýp gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Do miễn dịch được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng tuýp cho nên người ta có thể mắc sốt xuất huyết lần 2 hoặc lần 3 bởi nhửng týp virus khác nhau.
Bệnh do muỗi vằn truyền bệnh. Loại muỗi này thường đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà.
Muỗi vằn thường đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở nơi có chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kệ chạn, lốp xe, vỏ dừa… không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Chúng thường phát triển mạnh vào mùa mưa khi nhiệt độ trung bình trên 20 độ C.
Nguyên nhân của gia tăng dịch bệnh là do mùa hè đến sớm, nhiệt độ trung bình trên cả nước cao hơn các năm trước. Tại khu vực miền Nam cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Tốc độ đô thị hóa nhanh, trong khi đó môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng.
Trước dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hãy tự phòng tránh bệnh bằng cáchđậy nắp tất cả các dụng cụ chứa muỗi để muỗi không đẻ trứng. Diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào các dụng cụ chứa nước, loại bỏ hết các đồ phế thải trong nhà, không nên để nước đọng trong các dụng cụ này.
Người dân nên ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, tích cực phối hợp với các nhân viên y tế trong việc phun, xịt hóa chất phòng chống bệnh.
Khi bị sốt xuất huyết hãy đến các cơ sở y tế khám và tư vấn điều trị, không tự điều trị tại nhà.
Advertisement