05/09/2018 16:42
TP.HCM xây dựng 4 tuyến đường để kết nối đồng bộ các đoạn còn lại của Vành đai 2
Bốn tuyến đường ở khu Đông TP.HCM sẽ được triển khai nhanh để kết nối đồng bộ các đoạn còn lại của Vành đai 2, giúp việc lưu thông thuận lợi hơn.
UBND TP.HCM vừa yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan đề xuất triển khai nhanh các dự án kết nối đồng bộ các đoạn còn lại của Vành đai 2. Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông từ cầu Phú Hữu đến Xa Lộ Hà Nội bao gồm nút giao thông Bình Thái có chiều dài 3,82km.
Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng có chiều dài 1,99km thuộc đường Vành đai 2. Đoạn 3 kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa có chiều dài 2,75km. Đoạn 4 từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh dài 2,75km.
Đường Vành đai 2 còn nhiều đoạn chưa hoàn thành. |
Đường Vành đai 2 có chiều dài 64km, được thực hiện theo hình thức BT. Chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái. Là tuyến đường quan trọng của TP.HCM nhưng đường Vành đai 2 vẫn còn 14km chưa được khép kín, gồm 8km ở phía quận 9, Thủ Đức và 6km ở phía quận 8, huyện Bình Chánh.
Ngoài đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đang triển khai thi công, TP.HCM vẫn đang tiếp tục kêu gọi đầu tư các đoạn từ vòng xoay An Lạc đến đường Nguyễn Văn Linh, đoạn từ cầu Phú Hữu quận 9 đến đường Phạm Văn Đồng quận Thủ Đức.
Mục tiêu của TP.HCM là sẽ khép kín toàn tuyến này trước năm 2020. Tuy nhiên, dự án đường Vành đai 2 đang đứng trước nguy cơ vỡ kế hoạch vì một số đoạn tuyến thi công chậm, vướng giải phóng mặt bằng.
Theo Khu Quản lý Giao thông Đô thị số 2, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, công tác chuẩn bị trên công trường của các nhà thầu khá đầy đủ thiết bị, nhân lực. Tiến độ một số hạng mục có chậm nhưng chủ yếu do vướng mặt bằng. Một số nơi vướng theo kiểu “da beo” nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Về công tác giải phóng mặt bằng đi qua 3 phường gồm Tam Bình, Tam Phú và Linh Đông, địa phương đã kiểm đếm và xác minh nguồn gốc đất 458 trong tổng số 467 hồ sơ, còn 9 hồ sơ chưa kiểm đếm do người dân không đồng ý. Giá trị chi trả bồi thường mặt bằng đến nay là hơn 369 tỷ đồng.
Một trở ngại khác trong việc giải phóng mặt bằng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái cho biết, việc di dời hệ thống điện, cáp viễn thông, đường ống nước khá chậm khiến việc dọn dẹp mặt bằng, đào bốc hữu cơ gặp khó khăn. Một số mũi thi công khi đào xuống gặp đường ống nước đã phải dừng lại vì sợ làm vỡ đường ống.
Chủ đề liên quan
Advertisement
Advertisement