18/10/2023 10:43
TP.HCM mong muốn đến năm 2025 sẽ miễn học phí
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu chính sách miễn học phí cho học sinh trên cơ sở cân đối ngân sách và các quy định.
Tại buổi làm việc giữa Thường trực UBND TP.HCM và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố chiều 17/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã đề cập tới kế hoạch miễn học phí cho học sinh trên địa bàn. Hiện nay, TP.HCM đã tiếp cận vấn đề và nghiên cứu thêm các chính sách liên quan.
"Đến 2025, TP.HCM có chính sách miễn học phí cho học sinh thì đây là điều mà chúng ta rất mong muốn. Thành phố sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này, trên cơ sở cân đối ngân sách thành phố, theo quy định hiện hành", Chủ tịch UBND TP.HCM bày tỏ.
Ông Phan Văn Mãi thông tin thêm, hiện tại, ngành giáo dục và các ngành có liên quan đang triển khai đề án 4.500 phòng học. Đây là một trong những công trình, đề án hướng tới kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), theo Dân trí.
Theo khảo sát, trong năm học 2023-2024, nhiều địa phương trên cả nước đã miễn học phí cho học sinh như Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình…
Báo cáo với Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố, người đứng đầu chính quyền TP.HCM nhấn mạnh, sự phát triển của TP.HCM không chỉ được đo bằng những ngôi nhà cao tầng. Trên hết, thành phố phải xóa được những khu nhà ổ chuột, những khu dân cư không đảm bảo tiêu chuẩn vẫn còn hiện hữu.
Trao đổi về thực hiện Nghị quyết 98, ông Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đã chuẩn bị đội ngũ để thực hiện các nội dung của Nghị quyết. "Nghị quyết đã có, vấn đề còn lại là người làm. Cụ thể là hệ thống chính trị, hệ thống chính quyền. Để hệ thống này được vận hành tốt, thì nền công vụ phải được chuẩn hóa, hiện đại hóa, số hóa", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chia sẻ.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, thành phố đang chỉ đạo các đơn vị xây dựng đề án nền công vụ TP.HCM hiệu lực, hiệu quả để phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển.
Đề án sẽ có các trụ cột như: chuẩn hóa lại quy trình phục vụ; tổ chức bộ máy phù hợp. Theo ông Phan Văn Mãi, một số bộ máy sẽ được sắp xếp lại cho phù hợp hoặc thành lập mới thêm một số đơn vị sự nghiệp để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Sắp tới, thành phố đề xuất thành lập trung tâm chuyển đổi số; hình thành Viện công nghệ tiên tiến - nơi hội tụ các nhân lực nghiên cứu, phát triển cho 8 ngành chủ lực của thành phố.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, ngoài quy định chung sẽ có những cơ chế đặc thù của thành phố dành cho đội ngũ cán bộ, công chức như thi tuyển chức danh lãnh đạo, chức danh chuyên môn. Bên cạnh đó, có cơ chế tuyển những chức danh khoa học. Ngoài ra, thành phố sẽ phát huy thế mạnh của Học viện Cán bộ thành phố, liên kết các cơ sở đào tạo.
Thông qua đó, công chức xã, phường cần biết phải làm gì, các chủ tịch, phó chủ tịch xã phường sẽ biết chức trách, nhiệm vụ là gì. Tương tự các chuyên viên, lãnh đạo cấp quận, huyện, sở, ngành, thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ có những khóa bồi dưỡng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng để cập nhật kiến thức cho cán bộ. Ngoài ra, đào tạo qua thực tế bằng cách bố trí, luân chuyển cán bộ. "Những đầu việc trên thành phố đang nghiên cứu và triển khai trong thời gan sắp tới. Khi áp dụng sẽ có trọng tâm, trọng điểm và phát huy được hiệu quả", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, theo thanhuytphcm.vn.
Thời gian tới, TP.HCM sẽ đề xuất thành lập trung tâm chuyển đổi số, hình thành Viện công nghệ tiên tiến - nơi hội tụ nhân lực nghiên cứu, phát triển cho các ngành chủ lực của TP.HCM.
Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, ngoài quy định chung, địa phương sẽ có những cơ chế đặc thù như thi tuyển chức danh lãnh đạo, chức danh chuyên môn, chức danh khoa học. Ngoài ra, TP.HCM sẽ phát huy thế mạnh của Học viện Cán bộ TP.HCM, liên kết các cơ sở đào tạo.
(Tổng hợp)
Tin liên quan
Advertisement
Advertisement
Đọc tiếp