Advertisement

Nhận bản tin

Liên hệ quảng cáo

Email: banbientap@baocungcau.net

Hotline: 0917 267 237

icon logo

Quên mật khẩu?

Có tài khoản? Đăng nhập

Vui lòng nhập mật truy cập tài khoản mới khẩu

Thay đổi email khác
icon

TP.HCM đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc

Chính sách - Hạ tầng

17/08/2023 12:09

Vướng mắc trong thủ tục xuất nhập khẩu, quy trình hoàn thuế hay thủ tục cấp phép lao động, giấy phép kinh doanh… là những nội dung được các doanh nghiệp Hàn Quốc phản ánh tại Hội nghị đối thoại giữa Lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp Hàn Quốc.

Hội nghị do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố (ITPC) phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP.HCM tổ chức, chiều 16/8.

Ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam (KOCHAM), cho biết sau cuộc đối thoại với lãnh đạo TP.HCM năm 2022, có 13/21 đề xuất vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã được thành phố tháo gỡ, đặc biệt là phương án xử lý kịp thời vấn đề thu phí hạ tầng cảng biển.

Ngoài 8 vấn đề chuyển từ năm 2022, KOCHAM cũng ghi nhận thêm 15 vướng mắc mà doanh nghiệp Hàn Quốc gặp phải trong năm 2023 để cùng trao đổi, thảo luận để kịp thời tháo gỡ cho doanh nghiệp. Các vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại là "kế hoạch sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ", giấy phép lao động cho người nước ngoài, việc chậm hoàn thuế giá trị gia tăng…

TP.HCM đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Hàn Quốc - Ảnh 1.

Ông Choi Bun Do, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và miền Nam Việt Nam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Anh/TTXVN

Cụ thể, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hansoll Vina chia sẻ theo nội dung dự thảo sửa đổi quy định về hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ của Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ không còn được hưởng ưu đãi miễn thuế, dù doanh nghiệp được hưởng ưu đãi này trong thời gian qua thông qua hình thức xuất nhập khẩu tại chỗ liên quan đến hoạt động gia công xuất khẩu.

Điều này sẽ phát sinh nhiều khó khăn cho doanh nghiệp như tăng gánh nặng thuế quan, giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam do tăng chi phí nguyên vật liệu đầu vào và tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị trước khi thực hiện việc sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu tại chỗ, các cơ quan có thẩm quyền nên cân nhắc những khó khăn mà các doanh nghiệp liên quan phải đối mặt.

Về vấn đề này, Cục Hải Quan TP.HCM thông tin Tổng cục Hải quan đã và đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 35 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan).

Cục Hải quan TP.HCM cũng đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan, tích cực nghiên cứu, phân tích để có đánh giá tổng thể việc thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ từ trước đến nay nhằm đảm bảo tính pháp lý, tránh xáo trộn gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Đối với các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp Hàn Quốc tại hội nghị này, Cục Hải quan TP.HCM sẽ tổng hợp để báo cáo Tổng cục Hải quan.

Liên quan đến vấn đề hoàn thuế, ông Youn Chel Woon, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung CE Complex, cho biết năm 2020, nhà máy SAMSUNG SEHC đã xin phép chuyển đổi từ loại hình doanh nghiệp thông thường sang loại hình doanh nghiệp chế xuất (EPE). Đến ngày 1/5/2021, nhà máy chính thức được phê duyệt trở thành doanh nghiệp chế xuất (EPE). Tuy nhiên, thời điểm trước và sau khi được chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp chế xuất đã phát sinh vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).

Từ tháng 7/2022, Cục Thuế TP.HCM cũng đã thực hiện việc kiểm tra trước hoàn thuế trong vòng 2 tháng để đánh giá tính phù hợp của việc hoàn thuế, có 2 lần gửi công văn báo cáo kết quả kiểm tra cho Tổng cục Thuế để kiến nghị hướng dẫn quyết định cuối cùng về việc hoàn thuế. Ngày 3/7 vừa qua, Tổng cục Thuế đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan, nhưng sau 1 tháng vẫn chưa có quyết định nào được đưa ra để thi hành, theo TTXVN.

Như vậy, tính từ thời điểm bắt đầu phát sinh tiền thuế VAT chưa được hoàn đến nay đã hơn 2 năm, công ty vẫn chưa được hoàn thuế VAT, tổng cộng khoảng 44 triệu USD (tương đương khoảng 1.000 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết vấn đề của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử Samsung CE Complex đã được Cục Thuế TP.HCM rà soát và báo cáo với Tổng cục Thuế. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xem xét để xác định việc thực hiện hoàn thuế từ cơ quan thuế hay cơ quan hải quan để tiến hành các thủ tục hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Lee Jin Seop, Trưởng Đại diện GS Engineering & Construction Corp, cho hay các vấn đề vướng mắc của GS E&C gồm xem xét lại giá đất khu đô thị mới tại Nhà Bè, chậm trễ quyết toán chi phí xây dựng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (TBO) đã được đề cập từ cuộc đối thoại lần trước, nhưng chưa được tháo gỡ. Công ty kiến nghị TP.HCM sớm thành lập Tổ công tác giải quyết các kiến nghị một cách hiệu quả.

Về giấy phép lao động cho người nước ngoài, ông Choi Bun do cho biết theo đề nghị của các doanh nghiệp FDI và hiệp hội các nước, việc sửa đổi Nghị định 152 của Chính phủ đang được thảo luận. KOCHAM đã nghiên cứu nội dung dự thảo sửa đổi và nhận thấy rằng vẫn còn tồn tại cần chỉnh sửa.

Ví dụ, đối với quy định "Có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam" là một trong các điều kiện để được cấp giấy phép lao động, KOCHAM đề xuất nên đổi thành "hoặc" thì sẽ phù hợp hơn.

Liên quan tới phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, ông Choi Bun do khẳng định việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là điều hết sức cần thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc mà còn đối với cả các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong số 1.800 doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia. Điều này dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp FDI, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp Hàn Quốc, sau khi tiến vào thị trường Việt Nam không tìm được đối tác cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện phù hợp, nên buộc phải phụ thuộc vào việc nhập khẩu từ nước khác.

Việt Nam hiện đang ở thời điểm cần phải có một bước nhảy vọt từ giai đoạn chỉ cung cấp những nguyên vật liệu đơn giản lên một cấp độ cao hơn, nên việc đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là một nhiệm vụ cấp bách đối. Vì vậy, Việt Nam nên xây dựng một kế hoạch cụ thể, hiệu quả và thiết thực, theo chinhphu.vn.

Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành như Sở Công Thương, Sở KH&ĐT, Cục Thế TP.HCM, Cục Hải quan TP.HCM đã giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đối với những vấn đề liên quan đến các Bộ, ngành Trung ương, Thành phố sẽ tiếp thu, ghi nhận và sẽ có báo cáo lên các bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ để bổ sung vào các nghị định đang sửa đổi.

(Tổng hợp)

AN LY
iconChia sẻ icon Chia sẻ
icon Chia sẻ

Advertisement